Tọa đàm "Từ vụ tịch thu hổ": Đã có đối tượng vi phạm lĩnh án 10 năm tù!
Nhìn từ vụ thu giữ hổ nuôi nhốt trái phép: Cần biện pháp mạnh xử lý đối tượng cầm đầu
Lam Anh - Văn Hoàng
Thứ ba, ngày 24/08/2021 11:13 AM (GMT+7)
Sáng 24/8 Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức Tọa đàm "Từ vụ tịch thu hổ nhìn lại việc kiểm soát nuôi nhốt, buôn bán và cứu hộ, bảo tồn hổ tại Việt Nam". Do đang trong thời gian thực hiện giãn cách, tọa đàm được trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội.
Theo đơn vị tổ chức, thống kê sơ bộ, Việt Nam hiện có hơn 300 cá thể hổ đang được nuôi nhốt hợp pháp tại các trang trại, cơ sở nuôi nhốt và hộ gia đình.
Tuy nhiên, số lượng hổ thực tế đang được nuôi nhốt tại Việt Nam có thể lớn hơn nhiều con số được thống kê, bao gồm cả các cá thể bị gây nuôi bất hợp pháp.
Như Dân Việt đã thông tin, sau khoảng một năm điều tra khu vực nuôi nhốt hổ trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An (và nhiều vùng khác nữa), cuối tháng 4/2021 nhóm phóng viên đã liên hệ với Ban giám đốc Công an tỉnh Nghệ An và làm việc trực tiếp với các điều tra viên để cung cấp thông tin, hình ảnh tố cáo.
Sau một thời gian điều tra, ngày 4/8/2021 lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra, thu giữ 17 cá thể hổ trưởng thành tại hai hộ dân ở xã Đô Thành.
Trước đó, ngày 1/8/2021 lực lượng chức năng cũng thu giữ 7 cá thể hổ bị vận chuyển trái phép trên địa bàn huyện Diễn Châu.
Cùng ngày, cũng theo phản ánh của nhóm phóng viên trước đó, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An cũng bắt đối tượng Cao Xuân Hùng, ở xã Diễn Lâm với tang vật là 4 cá thể tê tê có trọng lượng 21kg.
Vụ việc tịch thu con số kỷ lục các cá thể hổ tại Nghệ An mới đây đặt ra rất nhiều câu hỏi cần thảo luận lại rất nhiều vấn đề xung quanh, bao gồm: Tình trạng gây nuôi hổ tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào? Hoạt động nuôi hổ tại Việt Nam đóng góp và tác động như thế nào đến công tác bảo tồn hổ trong khu vực? Việt Nam đã và đang làm gì để bảo tồn hổ? Thực tế hoạt động cứu hộ hổ ở Việt Nam và viễn cảnh trong tương lai? Công tác xử lý vi phạm, xử lý tang vật các vụ tịch thu ĐVHD quý hiếm nên thực hiện như thế nào?
Theo tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam (WWF) nếu như mất đi loài hổ chúng ta sẽ mất đi về mặt sinh thái, văn hóa, khoa học… việc bảo tồn hổ sẽ bảo tồn luôn được sinh cảnh của chúng trong tự nhiên, đặc biệt là rừng đầu nguồn, hành lang tiếp nối các khu bảo tồn với nhau, đó là mục tiêu kép trong bảo tồn chứ không riêng gì bảo tồn loài.
Hiện ở 13 nước ghi nhận có hổ, nếu bảo tồn tốt cả khu vực rừng sinh cảnh hổ sinh sống sẽ mang lại nguồn lợi cho khoảng 8 triệu dân sinh sống gần đó.
Theo báo cáo của WWF năm 2020 số lượng nuôi nhốt hổ ở Việt Nam có khoảng 24 cơ sở, việc nuôi nhốt các quần thể hổ đó làm suy yếu nỗ lực bảo tồn, làm tăng cầu của thị trường, việc săn bắt hổ hoang dã cùng tăng theo… dẫn đến nhiều vi phạm liên quan đến nuôi nhốt, buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ trái phép.
TS. Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam - cho biết: "10 năm gần đây cơ quan chức năng của Việt Nam đã bắt giữ các vụ việc nuôi nhốt, mua bán hổ và các sản phẩm từ hổ trong nước.
Ngoài ra chúng tôi cũng nhận được thông tin từ Nam Phi, Công Hòa Séc… có công dân Việt Nam mua bán hổ ở nước họ đã bị phát hiện và bắt giữ. Tại Việt Nam điểm nóng nuôi nhốt, buôn bán hổ được xác định là khu vực Miền Trung".
Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), hiện nay có hàng trăm cá thể hổ đang được nuôi nhốt ở các tầng hầm ở ba huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu của tỉnh Nghệ An. Ngoài ra các vi phạm về hổ diễn ra rất nhiều trên mạng xã hội, tuy nhiên những năm gần đây các vụ việc xét xử rất ít.
Năm 2020 có 4 vụ, 2 vụ đưa ra xét xử các đối tượng hưởng án treo; năm 2019 có 14 vụ việc thì 13 vụ việc đã đưa ra xét xử, 9 vụ có các đối tượng áp dụng tù giam; năm 2018 có đối tượng Hoàng Đình Quân ở Yên Thành (Nghệ An) vận chuyển 5 cá thể hổ con đông lạnh bị phạt 10 năm tù, là mức cao nhất đối với buôn bán hổ thời điểm này.
Tại tọa đàm, các chuyên ra cho rằng cần tìm ra giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, xử lý được đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán mới có tác động mạnh mẽ, tích cực, mới có được kết quả của nỗ lực xử lý các vi phạm buôn bán, nuôi nhốt hổ nói riêng và buôn bán động vật hoang dã nói chung.
Đặc biệt, các chuyên gia và đại diện những tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế cho rằng công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh hơn, khách quan hơn, cần có những loạt bài điều tra sâu như Báo Điện tử Dân Việt đã đăng tải thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Điều tra xử lý vi phạm về Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, hiện có 7 Nghị định liên quan đến Buôn bán động vật hoang dã, số vụ vi phạm gần đây là 1.033 vụ, các vụ giảm theo từng năm. Hiện cả nước có 200 loài động vật hoang dã đang nuôi nhốt, với 2,5 triệu cá thể, trên 20.000 cơ sở nuôi nhốt, chủ yếu ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.