Nhịp cầu gắn bó giữa nông dân và Hội

Thứ năm, ngày 30/10/2014 17:48 PM (GMT+7)
“Quỹ Hỗ trợ nông dân là một trong những phương tiện, công cụ hữu hiệu để Hội NDVN làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tập hợp nông dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước...”.
Bình luận 0

Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lại Xuân Môn về ý nghĩa của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Chia sẻ sâu hơn với Trang Trại Việt về vấn đề này, ông Lại Xuân Môn cho biết:

Yêu cầu về đổi mới nội dung và phương thức họat động Hội được đặt ra từ rất sớm và là vấn đề tâm huyết, trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo Hội NDVN. Nói thì dễ, vấn đề khó là tìm ra phương tiện, công cụ thiết thực để hiện thực hóa chủ trương đó. Điều này đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ II (tháng 3.1993) về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội.

img

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn.

Ngay sau đó, Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN (khóa II) đã xây dựng Đề án thành lập Quỹ HTND thuộc Hội NDVN. Quỹ HTND chính thức được thành lập 2.3.1996. Với sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành T.Ư, các địa phương, sự nỗ lực cố gắng của các cấp Hội, đến nay sau hơn 18 năm xây dựng và phát triển, Quỹ HTND đã thể hiện ngày càng rõ là một trong những “công cụ, phương tiện” hữu hiệu để Hội làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, tập hợp, vận động hôi viên, ND.

Tại sao nói Quỹ HTND là một trong những công cụ, phương tiện hữu hiệu để Hội NDVN đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thưa ông?

- Đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, thực tiễn nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đặt ra những yêu cầu bức thiết, vì vậy Hội Nông dân Việt Nam phải chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ mới. Hội NDVN có vai trò, nhiệm vụ là tuyên truyền, vận động, tập hợp hội viên, ND thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhưng đến với ND, cán bộ Hội dù có là kỹ sư nông nghiệp cũng không thể tuyên truyền vận động chay, nói suông mà phải bằng các họat động cụ thể, thiết thực. Tổ chức đại diện cho giai cấp ND-giai cấp đông đảo nhất trong xã hội mà tuyên truyền vận động chay thì hoạt động rất dễ sa vào hành chính hóa, xa rời thực tế nông nghiệp, xa rời nông dân. Chính vì thế, thông qua các công cụ, phương tiện thiết thực như Quỹ HTND, Hội NDVN đã dần khắc phục được các yếu kém, hạn chế đó qua việc cụ thể hóa vai trò, nhiệm vụ của mình bằng các hoạt động cụ thể, gắn liền với lợi ích hợp pháp, thiết thực của hội viên, ND. Thực tế hơn 18 năm họat động, Quỹ HTND tỏ rõ điều đó, thể hiện ở sự thu hút thêm nhiều hội viên; vai trò, vị thế của tổ chức Hội NDVN được nâng lên.

-Có phải vì  thế mà Quỹ HTND tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, nhất là trong những năm gần đây?

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành ngày 5.8.2008 (NQ 26) nêu rõ phải chăm lo xây dựng giai cấp NDVN; tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội NDVN trong việc trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống ND, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Để đưa NQ 26 nhanh vào cuộc sống, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) giao cho  Hội NDVN chủ động xây dựng Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp NDVN giai đoạn 2010-2020”. Đề án đã được Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa X) thông qua và ban hành Kết luận số 61-KL/TW (gọi tắt là Kết luận 61).

Ban Bí thư cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận 61. Để cụ thể hóa NQ 26 của Đảng, ngày 10.5.2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 673/QĐ-TTg (QĐ 673) về việc “Hội NDVN trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả họat động Quỹ HTND”, cấp ngân sách bổ sung Quỹ HTND T.Ư, đồng thời chỉ đạo các cấp chính quyền quan tâm cấp ngân sách địa phương cho Quỹ HTND cùng cấp. Kết luận 61 của Ban Bí thư và QĐ 673 của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ một cách cụ thể nhất sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với giai cấp nông dân, Hội NDVN. Kết luận 61 là chủ trương của Đảng, QĐ 673 của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở pháp lý vững chắc để Hội NDVN tham gia thực hiện NQ 26, trong đó có vấn đề xây dựng, phát triển và sử dụng hiệu quả Quỹ HTND.

Thưa ông, sau gần 3 năm thực hiện QĐ 673 của Thủ tướng Chính phủ ở nội dung “Đổi mới và nâng cao hiệu quả họat động của Quỹ HTND”, những kết quả đạt được như thế nào?

- Đến nay có thể khẳng định, QĐ 673 là một trong những quyết sách của Chính phủ đi vào cuộc sống nhanh nhất. Hội ND các cấp đã chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức triển khai thực hiện QĐ 763, trong đó có việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND. Cơ bản các tỉnh, thành phố đã thành lập được Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận 61, QĐ 673; thực hiện Điều lệ Quỹ HTND, kiện toàn Ban Điều hành Quỹ, thành lập Ban Kiểm soát Quỹ…Ngay trong năm 2011, Quỹ HTND T.Ư đã được ngân sách T.Ư cấp bổ sung 300 tỷ đồng và bổ sung thêm 100 tỷ đồng nữa vào năm 2014.

img

Một nông dân nuôi chim bồ câu tại Thạch Thành, Thanh Hóa.

Hầu hết các tỉnh, thành phố đã quan tâm cấp ngân sách bổ sung Quỹ HTND cấp tỉnh. Tuy chưa phải là phổ biến, nhưng đến nay đã có nhiều huyện, thị xã, thành phố cũng đã bố trí cấp ngân sách bổ sung Quỹ HTND cùng cấp. Bên cạnh đó, các cấp Hội ND trong cả nước vẫn tiếp tục tích cực vận động nguồn ủng hộ tự nguyện từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân khác bổ sung tăng trưởng Quỹ HTND. Đến giữa năm 2014, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đạt quy mô hơn 1.601 tỷ đồng, tăng trên 1.000 tỷ đồng so với trước khi có QĐ 673 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn vốn trên đã giúp cho gần 100 ngàn hộ hội viên nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa.

Làm thế nào để Hội NDVN có thể phát huy được tác dụng, ý nghĩa của Quỹ HTND, bởi hiện nay thiếu vốn chỉ là một trong nhiều khó khăn của ND, thưa ông?

- Đúng là thực tế hiện nay ND đang gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn trong đó có vấn đề vay vốn để đầu tư tổ chức sản xuất có hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập. Nếu chỉ giúp ND vay vốn không thì chưa đủ mà phải giúp ND có kiến thức, làm chủ kỹ năng sản xuất; hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả... Chính vì thế, quan điểm của Hội NDVN đối với việc điều hành, sử dụng Quỹ HTND là phải lồng ghép được với các họat động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề khác của tổ chức Hội. Đó là các hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn; cung ứng phân bón, thức ăn chăn nuôi chậm trả và các vật tư nông nghiệp khác; dạy nghề nông nghiệp cho hội viên, ND.

Nguồn vốn Quỹ HTND cũng được Hội NDVN sử dụng như một công cụ làm thay đổi về nhận thức, tư duy sản xuất của hội viên, ND, từ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún tiến tới liên kết, hợp tác với nhau qua các hình thức kinh tế tập thể. Đó là liên kết từ mô hình nhỏ, đơn giản như tổ, nhóm ND cùng sở thích, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp đến hợp tác xã, thậm chí sau này lên doanh nghiệp do ND góp cổ phần…

Các hình thức kinh tế tập thể này đang ngày một rõ dần tại các dự án vay vốn Quỹ HTND theo nhóm hộ ở nhiều địa phương. Quỹ HTND cũng giúp ND phát huy các thế mạnh nông nghiệp của tỉnh, của vùng như trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, hoa cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản... Nhiều địa phương còn lồng ghép vốn Quỹ HTND với các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM.

Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

Nguyễn Công (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem