Nhớ bánh đúc xứ Nghệ, giữ nếp quê nhà

Thứ năm, ngày 28/03/2013 14:44 PM (GMT+7)
Người xứ Nghệ vẫn kháo nhau không chỉ bởi hương vị đậm đà của bánh đúc mà còn công nhận rằng: Bánh đúc chứa đựng một thứ văn hóa đặc biệt, như thể nó đại diện cho hình bóng quê nhà.
Bình luận 0

Đã là quà quê thì cái gì cũng ngon cũng quý. Bởi thế, với người Nghệ An thì món bánh đúc là hảo hạng, đặc sản trên cả tuyệt vời. Bởi thế, người xứ Nghệ vẫn kháo nhau không chỉ bởi hương vị đậm đà của bánh đúc mà còn công nhận rằng: Bánh đúc chứa đựng một thứ văn hóa đặc biệt, như thể nó đại diện cho hình bóng quê nhà.

img
Ảnh minh họa

Còn với tôi, mỗi khi đưa chiếc bánh vào miệng thưởng thức, thể nào cũng miên man nỗi nhớ về những ngày thơ dại chờ quà mẹ đi chợ về; nhớ những khi cùng lũ bạn bù khú, hít hà xì xụp bên hàng bánh đúc nơi góc chợ quê…

Sống tận miền Đông Nam Bộ, nhưng may thay giữa một địa bàn rộng lớn nơi "đất khách" lại hiện hữu một miền quê đến quá nửa dân số là người miền Trung. Có chung giọng nói, lại tương đồng về văn hóa và cả tâm trạng của những người xa xứ nên chúng tôi rất đoàn kết, gắn bó và hướng về nhau bằng tình cảm chân thành, mộc mạc.

Chúng tôi tự khuyên nhủ nhau phải cùng giữ lấy nếp quê nhà, gìn giữ cả những thói quen dân dã có tự bao đời. Từ tập thể đơn vị đến mỗi gia đình, hầu như nơi nào cũng duy trì thói quen uống nước chè xanh hằng ngày. Loại chè xanh nấu cả lá lẫn cành, vị chát ngọt, nước thơm và xanh sóng sánh.

Trong mảnh vườn bé nhỏ của mỗi gia đình, chè là loại cây được chăm bón công phu nhất. Bà cụ của cô bạn tôi còn ươm cây chè từ quê mang vào cho con, rồi bỏ công che chắn, chăm chút đến khi cây sống khỏe mới yên tâm về quê. Với nhiều người, tâm lý chuộng đồ quê như ăn sâu vào nếp nghĩ nên mỗi lần về quê là tay xách nách mang nào mắm tôm, ruốc, bánh đa vừng, khoai lang khô, nào cái rổ, cái rá tre, nào đậu, lạc, hành tăm, ớt bột…

Nhớ quê hương, hướng về nơi "chôn nhau cắt rốn", chúng tôi càng yêu thương và sống có trách nhiệm với nhau trên quê hương mới. Cứ đến tháng Giêng, tháng Hai hằng năm, hội đồng hương lại tổ chức gặp mặt để cùng nhau nhìn lại những thành công thất bại trong năm qua, để động viên nhau tiếp tục cố gắng, vươn lên trong cuộc sống và hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức, đơn vị giao.

Quan trọng hơn, qua những cuộc hội ngộ, thế hệ con cháu được giáo dục truyền thống hiếu học, được khơi dậy ý thức nguồn cội và tinh thần vượt khó. Nhờ đó, con cái chúng tôi sinh ra lớn lên ở miền Đông Nam Bộ nhưng đứa trẻ nào cũng thuộc nằm lòng giai điệu ngọt ngào đằm thắm của những khúc tình ca xứ Nghệ.

Thế đấy, khi mải rong ruổi ngược xuôi giữa dòng đời tấp nập, người ta có thể lãng quên hay đánh mất nhiều thứ, nhưng điều thiêng liêng nhất và thân thương bình dị nhất trong mỗi tâm hồn vẫn là hai tiếng "quê hương". Tuổi thơ với hương đồng rơm rạ, với cơm nhút, cơm cà chỉ còn trong hoài niệm nhưng nó là hành trang sưởi ấm cả đời người.

Theo QĐND
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem