Nhớ bông so đũa quê nhà

Đặng Trung Thành Thứ hai, ngày 23/05/2016 08:20 AM (GMT+7)
Nhớ hồi ở quê, khi mùi gió chướng thoang thoảng thì cũng là lúc so đũa trổ bông, nở trắng vườn.
Bình luận 0

Ngày ấy, sau nhà tôi so đũa trồng rải rác khắp vườn, xen giữa những luống cà chua, cà tím, đậu xanh. Nhà cũng nuôi dê nên ba tôi cho trồng nhiều cây so đũa để làm thức ăn cho chúng. Lá của so đũa có thể nói là món khoái khẩu của dê và chúng chưa bao giờ thấy món nào ngon hơn thế.

img

Hoa và lá bông so đũa.

Sau mùa nước nổi, thu hoạch bông điên điển xong thì đến bông so đũa. Hai loài hoa ấy cùng họ nên giống nhau về hình dạng, chỉ khác về màu sắc và kích cỡ.

Tầm khoảng tháng Chín âm lịch thì bông so đũa nở trắng vườn nhà. Tôi và chị gái mang vợt tre và rổ ra hái. So đũa là một loại cây nhỏ, dáng thẳng đứng, nhánh mỏng manh nên nếu leo trèo không khéo té ngã. Vì vậy khi hái hoa thì phải dùng vợt hoặc với tay nếu như cây đó thấp. Chỉ mươi phút thôi mà chiếc rổ bằng tre của tôi đầy ắp bông so đũa. Chị bảo ngừng để dành cho lần sau, đừng tham lam hái nhiều rồi bỏ phí. Tôi ngoan ngoãn theo chị cầm vợt vào nhà.         

Hồi ấy bông so đũa chưa có giá trị kinh tế nên người nhà quê chỉ dùng làm rau ăn hằng ngày trong bữa cơm gia đình, hoặc mang biếu. Bông so đũa có cuống và nhụy vàng rất đắng, nên khi lặt rau phải lần vào bên trong hoa, ngắt bỏ hai phần ấy đi. Lại có người thích ăn nhân nhẩn nên để nguyên.

img

img

Canh bông so đũa.

Người lặt rau cũng cần lưu ý là ở búp bông hay có sâu nên phải loại bỏ kỹ. Không thuốc trừ sâu, chẳng có hóa chất, bông so đũa nhà trồng ngày xưa chỉ việc rửa sơ cho khỏi bụi rồi thì mang đi chế biến. Hôm nào ba đem từ đồng về con cá lóc, rô phi, sặc, trê thì nấu canh chua bông so đũa. Hoặc ngày đó nhà chẳng có gì ăn thì có thể luộc so đũa chấm nồi kho quẹt, chấm chao hay ăn sống, xào hành…        

Nhớ những ngày cùng lũ bạn kéo ra sau vườn so đũa hái quả non, tước lõi bên trong, tách lấy phần trắng bao bọc bên ngoài hạt xanh mà nhai ngấu nghiến. Nó có vị ngọt đắng và cả bùi bùi. Ăn là phụ mà chơi mới là chính. Hái quả chán chê, chúng tôi hái nhánh lá tước thành từng lá nhỏ, cả thau đầy. Rồi cả bọn hốt và tung lên trời cao. Nhiều lá cuốn theo làn gió chướng, bay xa một đoạn.

Giờ nhờ nông nghiệp phát triển, công nghệ tiên tiến rồi. Bông so đũa không mặc nhiên trổ vào mùa gió chướng mà hầu như có quanh năm. Tuy bắt gặp hình ảnh ấy, người ta không còn bổi hổi bồi hồi vì cơn gió chướng quyến rũ nhưng cũng làm thổn thức những đứa con xa quê như tôi:       

Canh so đũa, cá rô đồng/ Quê nhà da diết nỡ lòng quên sao!”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem