Nhớ mãi Giáo sư Trần Văn Khê – người trọn đời cống hiến cho âm nhạc truyền thống

Minh Thi Thứ sáu, ngày 24/07/2020 15:00 PM (GMT+7)
NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc, nhà thiết kế Sĩ Hoàng, tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân dành những lời yêu thương, kính trọng cho cố GSTS Trần Văn Khê.
Bình luận 0

Ngày 24/7, nhân  kỷ niệm 99 năm ngày sinh cố Giáo sư Trần Văn Khê, trường Đại học Văn Lang và Nhóm Thân hữu Trần Văn Khê phối hợp tổ chức diễn tọa đàm về ông và là một hoạt động nhằm hướng tới việc thành lập Quỹ Trần Văn Khê.

Người thầy sống mãi trong tim nghệ sĩ

Năm 2020 là tròn 5 năm ngày mất và 99 năm ngày sinh của Giáo sư Trần Văn Khê. Nhớ về ông là nhớ về một con người cả cuộc đời đã chuyên chú tâm sức cho việc nghiên cứu và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ở Pháp và khắp mọi nơi trên thế giới.

Nhớ mãi Giáo sư Trần Văn Khê – người trọn đời cống hiến cho âm nhạc truyền thống - Ảnh 1.

GS Trần Văn Khê luôn mang âm nhạc truyền thống ra quảng bá với thế giới.

Nhớ về cố giáo sư, nghệ sĩ Kim Cương chia sẻ:  Lúc nào vào dịp gặp anh em nghệ sĩ ăn Tết, bà cũng để một chiếc ghế trống dành cho ông, vì với bà, ông không bao giờ mất.

"Trên đời tôi có nhiều may mắn, mà một trong những may mắn đó là vào năm 1960, tôi được chân ướt chân ráo một thân một mình sang Pháp để mong học hỏi cái hay cái đẹp của nghệ thuật nước người, thì tôi gặp được anh. Đó là cái mốc rất quan trọng trong đời tôi. Trong những năm ở Pháp, anh như một ngọn đèn dẫn lối cho tôi đi những lúc khó khăn. Lúc đó anh là một nhà nghiên cứu có uy tín, và tạo điều kiện cho tôi học hỏi, dẫn tôi đến rạp hát, opera, phim trường để không chỉ giúp tôi học diễn xuất mà còn học cách tổ chức các chương trình đó".

Nhớ mãi Giáo sư Trần Văn Khê – người trọn đời cống hiến cho âm nhạc truyền thống - Ảnh 2.

TS Nguyễn Nhã nói về đóng góp của GS Trần Văn Khê.

Ngoài đời, nghệ sĩ coi GS Trần Văn Khê là người thầy không có lớp học, không có tuổi. Bài học quý giá bà học được từ GSTS Trần Văn Khê chính là lời căn dặn: "Các nước văn minh họ như vậy, nhưng hãy nhớ mỗi nền văn hóa cũng có một tính dân tộc, tính quê hương của mình, và em hãy nhớ mình là người Việt Nam".

"Xem Trà Hoa Nữ, anh khen 'xem kịch này thấy như ở Việt Nam, đó là em thành công rồi'. Có lần, anh dẫn tôi đi diễn 1 tháng "Phụng Nghi Đình". Khi có nhiều hâm mộ, mời mọc, tiếp đãi, anh dặn: 'Em đi đâu cũng nhớ mình mang tư cách của nghệ sĩ Việt Nam, nhớ giữ gìn cẩn thận'. Những lời dặn của anh như kim chỉ nam trong đời nghệ thuật của tôi", nghệ sĩ Kim Cương xúc động chia sẻ.

Nhớ mãi Giáo sư Trần Văn Khê – người trọn đời cống hiến cho âm nhạc truyền thống - Ảnh 3.

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết, ông thường hay theo GS Khê xem trình diễn, giao lưu và khi ông về Việt Nam có dịp tranh luận, học hỏi với ông. "Hiếm có một trí thức lớn yêu nước, dù trải qua nhiều chế độ vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. TP.HCM đã vinh dự có được ông – một công dân quốc tế dù ông không sinh tại đây. Ở cố đô Huế cũng tự hào vì có người chắt ngoại của Nguyễn Tri Phương".

Nghệ sĩ Thành Lộc nhớ lại, hồi còn nhỏ, anh đã được ba anh - NSND Thành Tôn -  bắt gọi GS Khê là "bác", dù ông nhỏ tuổi hơn ba anh, vì kiến thức uyên bác và sự cống hiến của ông đối với xã hội. Sau này, khi anh dựng vở "Bí mật vườn Lệ Chi", bác đã ôm Thành Lộc và khóc: "Sao các con còn trẻ mà tâm huyết với âm nhạc dân tộc như vậy. Bác thương lắm!". Trong phần âm nhạc, êkíp sử dụng dàn nhạc giao hưởng, chỉ mỗi chị Hồng Vân có giọng nẩy, "đổ hột" đúng giọng ca trù, thì bác Khê khen, trên nền nhạc Tây phương mà có hồn dân tộc thì đó là điều quan trọng nhất.

Nhớ mãi Giáo sư Trần Văn Khê – người trọn đời cống hiến cho âm nhạc truyền thống - Ảnh 4.

"Còn một điều tôi không ngờ, sau này bác còn muốn xem lại vở kịch lần nữa. Bác nói bác cứ xem hoài vở kịch trong đó có âm nhạc dân tộc, xem nghe hoài không biết mệt, và chính người trẻ truyền cảm hứng cho bác. Tôi nghe xong thì giật mình, một người quá giỏi như bác lại rất khiêm tốn. Bác Trần Văn Khê có công sức rất lớn là đưa nhiều loại hình nghệ thuật của Việt Nam để UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể. Thế nhưng không ngày nào bác không học hỏi, xem, nghe, đón nhận cái mới.

Bác nói: 'Một, hai năm mà mình không lĩnh hội, không xem trình diễn, không nghe người ta nói thì coi như mình ngu rồi con à. Thế nghĩa là mình sẽ dốt đi theo năm tháng nếu cứ tự tin vào kiến thức mình có. Đặc biệt là âm nhạc con ơi, âm nhạc cứ đổi mới hoài. Âm nhạc dân tộc trên thế giới phát triển rất hiện đại, mà vẫn sử dụng vốn liếng âm nhạc bản xứ. Không nghe thì mình bị bảo thủ, mai một kiến thức của mình'. 

Nhớ mãi Giáo sư Trần Văn Khê – người trọn đời cống hiến cho âm nhạc truyền thống - Ảnh 5.

Bác còn nói: Người Việt Nam cực kỳ hiếu khách, nhưng không bao giờ để người ta xâm phạm vào bàn thờ nhà mình. Đôi khi người Việt Nam bị nhập nhằng giữa lòng hiếu khách và sự nhu nhược, trách nhiệm của một công dân Việt là không được để xảy ra điều đó. Khiêm tốn mà còn có bản lĩnh, đó là một trong những đức tính của người Việt mà qua bác Khê, bác đã truyền cho tôi ngọn lửa, truyền cho tôi trách nhiệm đối với cộng đồng. 

Tôi nghĩ, trong việc giáo dục âm nhạc với thế hệ trẻ cũng vậy, chúng ta nên có một bàn thờ riêng, phòng thờ, rộng hơn là nhà thờ riêng cho âm nhạc cổ truyền Việt Nam, vì văn hóa còn, hồn thiêng còn thì đất nước mới còn vậy", NSƯT Thành Lộc xúc động.

Không gian và học bổng Trần Văn Khê

Trên cơ sở tâm nguyện của Giáo sư Trần Văn Khê "được sống và làm việc những năm cuối đời tại đất nước", Sở Văn hóa – Thông tin TP.HCM đã khởi thảo đề án nhà Trần Văn Khê vào tháng 11/2003, sau đó bố trí ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh để làm nơi cho ông sống  và làm việc.

Nhớ mãi Giáo sư Trần Văn Khê – người trọn đời cống hiến cho âm nhạc truyền thống - Ảnh 6.

Sở Văn hóa-Thông tin cũng đã thực hiện quyết định số 59/QĐ –UBND ngày 5/2/2006 tổ chức tiếp nhận, phân loại 435 kiện sách và hiện vật âm nhạc quý (sổ ghi chép, đĩa và băng ghi âm, nhạc cụ các loại gắn liền với sự nghiệp âm nhạc của Trần Văn Khê) mà ông chuyển từ Pháp về, trong đó có hơn 10.000 đầu sách, tạp chí liên quan đến nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc thế giới và âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Năm 2006, Giáo sư Trần Văn Khê đã chuyển về ở hẳn tại ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai  (TP.HCM) và tại đây, hàng loạt hoạt động văn hóa mà ông là linh hồn đã được tổ chức, khiến cho ngôi nhà vượt ra khỏi cái tầm của một tư gia.

Tại đây, đã diễn ra gần 100 buổi sinh hoạt về đàn tranh, đàn đá, hát bội, vọng cổ, ca trù, múa bóng rỗi, nghệ thuật ngâm thơ truyền thống Việt Nam...

Nhớ mãi Giáo sư Trần Văn Khê – người trọn đời cống hiến cho âm nhạc truyền thống - Ảnh 7.

Theo bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, Nhóm thân hữu Trần Văn Khê, đã 5 năm trôi qua kể từ khi Giáo sư Trần Văn Khê nằm xuống. Vì nhiều lý do chưa thể nói hết lúc này, nhà 32 Huỳnh Đình Hai đã được sử dụng vào việc khác. Quỹ học bổng mà Trần Văn Khê căn dặn dùng tiền phúng điếu (và các nguồn khác) để lập và xét trao cho các sinh viên âm nhạc dân tộc có thành tích học tập, các nghệ sĩ xuất sắc trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật dân tộc, các công trình nghiên cứu có giá trị về âm nhạc dân tộc mãi đến nay mới tạo được nền móng bước đầu để xin phép ra đời.

Nền móng bước đầu ấy của Quỹ học bổng Trần Văn Khê có được là từ sự kiên trì tâm huyết của Nhóm thân hữu Trần Văn Khê và đặc biệt là từ sự quan tâm hiếm thấy của Đại học Văn Lang về lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, về sự gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, về sự trân trọng đúng mức đối với những cá nhân có đóng góp xuất sắc cho đất nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem