Như thế nào thì bị coi là vi phạm nồng độ cồn?

Theo Lao Động Thứ năm, ngày 16/02/2023 06:03 AM (GMT+7)
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng chức năng đã siết chặt kiểm soát nồng độ cồn, hạn chế tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai, khiến một số người dân thắc mắc.
Bình luận 0
Như thế nào thì bị coi là vi phạm nồng độ cồn? - Ảnh 1.

Chốt kiểm tra nồng độ cồn của Đội CSGT đường bộ số 7 (Hà Nội) tại ngã ba Tố Hữu- Vũ Trọng Khánh, quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Văn Huế

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1.1.2020 quy định: cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn còn bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, rất nhiều địa phương đã tích cực triển khai việc kiểm soát, đo nồng độ cồn và đóng góp tích cực vào nỗ lực giảm tình trạng tai nạn giao thông do việc uống rượu, bia.

Tuy nhiên, thực tế cũng phát sinh một số tình huống bất cập khi có những trường hợp không uống rượu, bia mà máy đo vẫn hiển thị thông số nồng độ cồn. Hoặc có trường hợp người tham gia giao thông uống rượu bia từ những ngày trước những vẫn có nồng độ cồn, cụ thể như trường hợp của anh Lê Mạnh Hà trú tại Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Ngày 21.1 (tức 30 Tết) anh Hà bị kiểm tra nồng độ cồn, máy đo hiển thị ở mức 0,0068 miligam/1lít khí thở - mức rất nhỏ. Theo anh Hà, trước đó 2 ngày anh có uống chút rượu, có thể do cơ thể bài tiết chậm nên khi đo khí thở vẫn còn.

Trên một số diễn đàn, nhiều ý kiến cũng cho rằng có trường hợp ngậm cồn y tế hoặc thuốc giảm đau điều trị đau răng, khi thổi vẫn lên nồng độ cồn. Những trường hợp này thường bức xúc, không phục kết quả đo nhưng cũng không biết làm thế nào chứng minh mình không uống rượu, bia.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, khi xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông còn căn cứ vào các biểu hiện của người vi phạm như tình trạng tâm lý, diễn biến hành vi, lời nói, cử chỉ, sắc mặt và qua hơi thở khi nói chuyện để có căn cứ xử lý vi phạm. Nếu trường hợp chưa rõ ràng qua hơi thở có nồng độ cồn thì có thể yêu cầu cảnh sát giao thông đưa đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế gần nhất để có kết quả chính xác.

Theo Luật sư Hùng, người dân khi tham gia giao thông cũng không cần quá lo lắng bởi nếu thực sự sử dụng thức ăn hay thuốc có nồng độ cồn, sẽ không bị xử lý vi phạm hành chính khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cảnh sát giao thông sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để không xử phạt oan người không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Ngoài xét nghiệm máu, nếu không sử dụng rượu, bia, người dân nên dừng xe, uống nước lọc, súc miệng, ngồi chờ một lúc kiểm tra lại. Sau đó, có thể đề nghị cán bộ cảnh sát giao thông căn cứ kết quả kiểm tra, xét nghiệm lại để làm cơ sở đánh giá mình có vi phạm nồng độ cồn hay không.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem