Những “cái ô” và tội phạm

Vương Hà Thứ tư, ngày 01/08/2018 19:36 PM (GMT+7)
Với những đối tượng cố ý làm trái luật, dù đó là doanh nghiệp có “vỏ bọc” nào đi nữa, nếu được những ai đó cố tình “ bảo kê” đều cực kỳ nguy hiểm.
Bình luận 0

Hai phiên toà xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc”) và bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) những ngày qua được dư luận đặc biệt quan tâm không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của vụ án mà còn vì liên quan đến hàng loạt cán bộ, tướng lĩnh công an, quân đội.

img

Hai phiên toà xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc”) và bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) được dư luận đặc biệt quan tâm.

Qua diễn biến các vụ án liên quan tới Út “trọc”, Vũ “nhôm”, dư luận thấy rõ hơn nữa, những kẻ lợi dụng cái “áo khoác” của doanh nghiệp (DN) nhà nước nói chung và DN của lực lượng vũ trang nói riêng đã biến ảo kinh khủng thế nào.

Hiện Vũ “nhôm” chưa bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”, do đó, vụ án Út “trọc” là ví dụ điển hình về tội danh này.

Dù tất cả các DN đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng rõ ràng, xã hội vẫn có sự nể trọng hơn với DN quân đội, công an. Do đó, nếu có “áo khoác” là DN của lực lượng vũ trang sẽ là một lợi thế.

Vì vậy,  Út “trọc” đã tận dụng vị trí của mình - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng (Tcty Thái Sơn), để phù phép khiến  xã hội hiểu Tcty CP PTĐT Thái Sơn - thực chất là DN riêng của Út “trọc” - là DN thuộc  Bộ Quốc phòng.

Theo cáo trạng , Tcty Thái Sơn góp vốn thành lập Cty CP PTĐT Thái Sơn theo đề xuất của Đinh Ngọc Hệ. Trong đó Tcty Thái Sơn góp 51% cổ phần, hai cổ đông khác đều là cháu ruột của Út “trọc”. Vào thời điểm thành lập (19.9.2009), 51% cổ phần của Tcty Thái Sơn được các cổ đông cho nợ.

Như vậy, Tcty Thái Sơn là cổ phần chi phối, do đó được khoác áo là DN quân đội. Nhưng, 51% này hoàn toàn là vốn ảo, do vậy, cũng chỉ có quyền hành ảo. Thực tế Cty CP PTĐT Thái Sơn là DN của gia đình của Út “trọc”, do ông ta làm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.

Khi  Cty CP PTĐT Thái Sơn “khoác áo” là DN của quân đội đã quen mắt, quen tai, có tên gọi na ná của DN quân đội (cũng có hai chữ Thái Sơn), Út “trọc” thẳng tay loại toàn bộ vốn ảo 51% của Tcty Thái Sơn. Chúng tôi nói vốn ảo bởi, từ khi góp vốn đến khi rút hết 51% vốn, Tcty Thái Sơn chưa hề góp một đồng vốn nào.

Dù là bán vốn ảo, nhưng Tcty Thái Sơn vẫn thu về 1,2 tỉ đồng. Trong khi đó, Cty CP PTĐT Thái Sơn vẫn cố tình lấy danh nghĩa DN quân đội để hoạt động kinh doanh.

img

Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ lĩnh án 12 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Chính nhờ “áo khoác” quân đội, Út “trọc” đã mạo nhận chức năng, nhiệm vụ phục vụ kinh tế quốc phòng để xin được thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; chạy chọt để né tiền phạt xăng kém chất lượng bán ở ngoài thị trường (tất nhiên, trách nhiệm không ra quyết định phạt này liên quan đến một số cơ quan, cá nhân); Út “trọc” cũng nhờ “vỏ bọc” này mà xin cấp cho một loạt ô tô biển đỏ và biển xanh 80A, không chỉ trốn được thuế trước bạ hơn 3 tỉ đồng, mà còn cho các DN khác thuê lại xe để kiếm lời.

Với Út “trọc” chúng tôi nhắc nhiều đến DN bình phong, thì với Vũ “nhôm”, chúng tôi muốn nói đến khía cạnh khác: những thế lực ngầm đứng sau y.

Đến bây giờ, khi một số tướng tá công an bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề xuất Ban Bí thư  kỷ luật và trực tiếp kỷ luật, dư luận có thể lờ mờ hiểu, vì sao Vũ “nhôm” có thể tác oai, tác quái như thế.

Không chỉ mua giá rẻ những công sở, đất đai ở các vị trí đắc địa ở một số địa phương, Vũ “nhôm” còn thao túng cả ngân hàng. Dù rằng, chủ nhà băng luôn là những thế lực ghê gớm ở bất cứ quốc gia nào, nhưng Vũ “nhôm” vẫn có thể lũng đoạn, đe dọa được cả các ông chủ thì có thế thấy, thế lực của Vũ “nhôm” như thế nào.

Theo kết luận điều tra bổ sung vụ đại án xảy ra ở Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank) phải liên tục “chung chi” hàng trăm tỉ đồng cho Vũ “nhôm”. Chỉ trong khoảng 3 năm (từ 11.10.2012 - 12.3.2015), ông Bình đã yêu cầu xuất quỹ tổng cộng 12 lần với tổng cộng hơn 94 tỉ đồng để mua 13,9 triệu USD. Trong đó, có tới 13,4 triệu USD, ông Bình khai với cơ quan điều tra để mua hộ cho Vũ “nhôm”.

Điều lạ là, trong vòng 3 năm đó, chỉ thấy ông Bình toàn “mua hộ”, cung cúc phục vụ, mà không hề thấy Vũ “nhôm” trả nợ.

img

Vũ "nhôm" - Phan Văn Anh Vũ bị tuyên án 9 năm tù trong vụ án Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước.

Không chỉ vậy, trong năm 2013, để có 600 tỉ đồng mua 60 triệu cổ phần của DongABank, Vũ “nhôm” lại đi vay của chính ngân hàng này 400 tỉ đồng và “được quyền” ký khống 200 tỉ đồng. Kết quả, dù không có một đồng xu nào nộp vào ngân hàng, Vũ “nhôm” được sở hữu tới 12,73 % cổ phần của DongABank.

Vậy, cái ô khủng nào khiến các cổ đông ở ngân hàng này phải chấp nhận cho một đối tượng như vậy vẫn có thể “lọt vào” thành cổ đông có quyền chi phối? Hiện câu hỏi này vẫn là ẩn số.

Những điều đó cho thấy, với những đối tượng cố ý làm trái luật, dù đó là DN xịn hay DN có “vỏ bọc” nào đi nữa, nếu được những ai đó làm “cái ô” khủng chống lưng đều cực kỳ nguy hiểm, không chỉ cho sự cạnh tranh lành mạnh của các DN mà còn phá nát lòng tin của người dân vào công lý.

Vì thế, việc xét xử nghiêm minh, để những Đinh Ngọc Hệ, Phan Văn Anh Vũ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật được dư luận hoan nghênh, đồng thuận. Nhưng chưa dừng ở đó, người dân mong muốn những “cái ô” quyền lực đứng sau bao che, tiếp tay cho Út “trọc”, Vũ “nhôm” lộng hành, tác oai tác quái suốt thời gian dài cũng phải dần bị lôi hết ra ánh sáng, phải bị xử lý nghiêm minh, để củng cố lại niềm tin của người dân vào công lý, vào công cuộc quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng triệt để, “không có vùng cấm”...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem