Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Parent Coach Tú Anh Nguyễn cho biết: "Tết đến là dịp gia đình tề tựu, họ hàng gặp mặt với mục đích thăm hỏi và gửi đến nhau những lời chúc mừng tốt đẹp cho một năm mới sắp đến. Tuy nhiên, khi trò chuyện với trẻ nhỏ, người lớn vô ý nói những điều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ hoặc tâm lý của trẻ.
Vì vậy, để năm mới được vui vẻ, trọn vẹn, người lớn nên tránh nói những câu sau đây:
1. "Cháu được bao nhiêu tiền lì xì rồi? Tiền lì xì dùng để làm gì?"
Mỗi gia đình sẽ có một cách riêng để quản lý và sử dụng tiền lì xì mà con trẻ nhận được vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Họ hàng và những người lớn khác nên tôn trọng và không nên hỏi quá nhiều về chuyện tiền bạc với trẻ, hay có những gợi ý đùa cợt tưởng chừng như vui miệng nhưng có thể làm cho trẻ có những suy nghĩ và những câu hỏi khó dành cho cha mẹ.
Đặc biệt, đừng nghĩ rằng những câu đùa vui như: "Tiền của cháu sao lại phải đưa cho mẹ, mẹ tiêu hết của cháu đấy!" là vô thưởng vô phạt không ảnh hưởng gì. Người lớn và họ hàng không thể có được đánh giá chính xác về nhận thức và sự hiểu biết của từng trẻ trong từng gia đình. Trẻ có thể phát triển nhận định không phù hợp và so bì về tiền lì xì người nào cho ít, người nào cho nhiều.
2. "Bố mẹ năm nay kiếm được nhiều tiền không? Mua cho nhiều quần áo mới không?"
Tiền bạc, giàu/nghèo đôi khi là một chủ đề nhạy cảm và riêng tư của mỗi gia đình. Tương tự như ý trên, họ hàng gần xa xin vui lòng hãy giữ ý và đừng hướng trẻ đến những suy nghĩ thiên nặng về vật chất. Giai đoạn dịch bệnh – giãn cách khó khăn vừa qua chắc chắn đã gây không ít khó khăn và thử thách cho cả người làm thuê lẫn người làm chủ. Vì vậy, hãy ưu tiên dành mối quan tâm đến sức khỏe, tâm lý và tinh thần, cũng như ưu tiên nói về những điều tích cực trong những ngày năm mới này.
3. Nhận xét và chê bai về ngoại hình: "Béo/Gầy thế" – "Lùn/Da đen/Mắt hí/Mũi tẹt thế"
Người lớn đôi khi thường hay đưa ra những nhận xét, đa phần mang tính chê bai về các đặc điểm ngoại hình của trẻ, mà xem như đó là câu đùa vui cửa miệng. Tuy nhiên, trẻ em thường tiếp nhận tất cả những thông tin mà người khác nói về trẻ. Những đặc điểm về ngoại hình đa phần là những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của trẻ và rất khó để thay đổi. Càng nghe nhiều ý kiến chê bai hay mỉa mai, trẻ có thể trở nên ngày càng tự ti, mặc cảm hay tự chán ghét chính bản thân mình mà cha mẹ không hề hay biết.
Nếu quá nhạy cảm và cực đoan, trẻ có thể tìm đến những cách giải quyết tiêu cực để "triệt tiêu" điểm xấu của mình. Vì vậy, người lớn hãy lưu ý khi trò chuyện với trẻ và đưa ra những nhận định thật lịch sự và văn minh, tôn trọng trẻ như là một cá thể riêng biệt.
4. So sánh trực tiếp: "Sao không bằng anh/chị/em?"
Việc người lớn xa lạ hay họ hàng lâu lâu mới gặp một lần lại đưa ra những lời so sánh hơn thua giữa trẻ và anh chị em ruột của trẻ thường không mang lại bất kỳ tác dụng tích cực nào cả. Người lớn hãy hiểu rằng mỗi đứa trẻ có những điểm mạnh và năng khiếu riêng biệt khác nhau. Những lời so sánh hơn thua hai đứa trẻ trong cùng một gia đình có thể làm cho trẻ ngày càng ganh đua hoặc trở nên mâu thuẫn nhiều hơn ở nhà.
Thay vào đó, họ hàng có thể đặt những câu hỏi gợi mở để tìm hiểu đúng sở thích và ưu điểm của từng trẻ, và cho trẻ cơ hội được chứng tỏ bản thân nếu có thể. Bằng cách đó, chúng ta có thể tạo cho trẻ cảm giác tự tin, tích cực và vui vẻ mỗi khi gặp gỡ họ hàng gần xa.
5. "Học có giỏi không?"
Tương tự như ý nghĩa của câu hỏi trên, thay vì đào sâu vào điểm số và trẻ có thể cảm thấy mặc cảm nếu chẳng may không được học sinh giỏi, hãy chủ động trò chuyện với những câu hỏi gợi mở và lắng nghe trẻ.
Một số trẻ có thể cảm thấy bị áp lực vì việc phải chứng tỏ thành tích mỗi khi gặp họ hàng, có trách nhiệm làm cho cha mẹ "nở mày nở mặt", hoặc mặc cảm vì phải nhận những lời phán xét từ những người họ hàng xa lắc. Hãy ý tứ hơn và cho trẻ cơ hội được tận hưởng một không khí sum họp thoải mái của gia đình, chứ không phải là một cuộc chạy đua thứ hạng và thành tích".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.