Kit xét nghiệm Covid-19: Những chất vấn làm nóng nghị trường Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Y tế từng trả lời thế nào khi bị chất vấn tại Quốc hội về giá kit test Covid-19?
Phạm Hiệp
Thứ ba, ngày 21/12/2021 11:31 AM (GMT+7)
Trước khi vụ việc thông đồng để "thổi" giá kit xét nghiệm Covid-19 của Giám đốc CDC Hải Dương và Công ty Việt Á bị Bộ Công an triệt phá, việc loạn giá xét nghiệm Covid-19 đã tạo ra những ý kiến trái chiều trong dư luận, các đại biểu Quốc hội đã mang những băn khoăn này chất vấn vị tư lệnh ngành Y tế.
Đó là câu hỏi chất vấn đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp).
Vị đại biểu này chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long rằng, việc loạn giá xét nghiệm Covid-19 mỗi nơi mỗi giá, có nơi thu phí tới 450.000 đồng cho một lần xét nghiệm, liệu có lợi ích nhóm trong việc nhập bộ test xét nghiệm hay không?
Đại biểu Hòa còn đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế khi để giá xét nghiệm trôi nổi.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề liệu có lợi ích nhóm trong câu chuyện liên quan kit test Covid-19 ở nghị trường Quốc hội đầu tháng 11/2021. Ảnh: Quốc hội
Trả lời câu hỏi chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc mặt hàng quản lý giá theo Luật giá. Giá cả của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng, các nước.
Vị tư lệnh ngành Y tế cũng cho biết, giá sinh phẩm khác nhau qua từng thời điểm, do cung - cầu, nếu những thời điểm nhu cầu cao, nguồn cung khan hiếm thì giá sẽ lên cao.
Đại biểu cho rằng Bộ Y tế đã buông lỏng giá xét nghiệm
Đây tiếp tục là quan điểm tiếp theo của đại biểu Phạm Văn Hòa tại nghị trường Quốc hội vào đầu tháng 11/2021. Ở góc độ cá nhân, đại biểu Hòa cho rằng Bộ Y tế buông lỏng giá xét nghiệm.
"Bộ Y tế không quản lý giá nên mỗi địa phương mỗi nơi mỗi kiểu. Tôi cho rằng đây là một thiếu sót. Có thể trong một quận giá xét nghiệm đã khác nhau rồi… Đề nghị cẩn trọng, có kiểm tra giám sát" – vị đại biểu chất vấn.
Mặt khác, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đặt vấn đề về giá xét nghiệm. Theo đó, giá xét nghiệm đề ra hơn 100.000 đồng là của Nhà nước, "bây giờ của tư nhân sao đây, của tư nhân Bộ trưởng có quản lý giá này được không, hay tư nhân muốn làm sao thì làm?", đại biểu Hòa thắc mắc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp thu ý kiến chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa, khẳng định giá xét nghiệm sẽ từng bước được điều chỉnh. Ảnh: Quốc hội
Trả lời chất vấn về nội dung này, ông Nguyễn Thanh Long lúc đó cho biết, đối với xét nghiệm, đặc biệt là giá của sinh phẩm, không thuộc mặt hàng của quản lý giá.
Đối với giá xét nghiệm, theo quy định của Bộ Y tế là thực thanh, thực chi. Đối với các đơn vị y tế tư nhân, không áp dụng những hình thức quản lý giá đối với đơn vị này, do đơn vị tự chịu trách nhiệm, nhưng phải niêm yết, công khai.
"Chúng tôi xin được tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, trên cơ sở đó cùng các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát… Bộ Y tế đã nhận thấy trách nhiệm này, đã có triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua. Chúng tôi chính thức đưa mặt hàng về sinh phẩm xét nghiệm, và mặt hàng về quản lý giá... Chúng tôi chắc chắn rằng giá xét nghiệm sẽ từng bước được điều chỉnh, đảm bảo" - Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời.
Doanh nghiệp đề xuất trực tiếp mua test Covid-19 giá 1,5 USD
Ở diễn biến trước đó, tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương diễn ra ngày 26/9/2021, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã nêu đề xuất liên quan đến việc thực hiện đàm phán trực tiếp để mua kit test Covid-19 từ nhà sản xuất với chi phí gốc, giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
Ông Đặng Hồng Anh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đề nghị Bộ Y tế chủ trì, cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất test nhanh Covid-19 để mua số lượng lớn đến 100 triệu bộ với chi phí gốc.
Doanh nghiệp đề xuất mua trực tiếp kit test Covid-19 từ nhà sản xuất để giảm chi phí cũng gây xôn xao trong dư luận. Ảnh: TTXVN
Thời điểm đó phát ngôn của ông Đặng Hồng Anh đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận bởi các tỉnh, thành phố lúc đó đang đấu thầu giá 60.000 đồng-70.000 đồng/bộ, cao hơn khá nhiều so với mức giá mà ông Đặng Hồng Anh đưa ra.
Nêu quan điểm của mình, ông Đặng Hồng Anh cho biết, ông đề xuất rất rõ là Thủ tướng nên cử một bộ phận đàm phán trực tiếp với nhà cung cấp, không cần thông qua trung gian thì sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí.
Theo ông Đặng Hồng Anh, lý do đầu tiên dẫn tới chênh lệch về giá là các sản phẩm phải được cấp phép thì người dân và doanh nghiệp mới sử dụng được, và để cấp phép thì có nhiều tiêu chuẩn, quy định, qua nhiều cơ quan khiến chi phí bị đội lên. Các địa phương muốn mua còn phải đấu thầu, quy trình này cũng gây tốn kém.
Lý do thứ 2, theo Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản... cung cấp các loại kit test với giá khác nhau.
Liên quan đề xuất này, đại diện Bộ Y tế cho biết theo quy định, việc mua và giá của kit test Covid-19 phải qua đấu thầu.
Bộ Y tế trong quá trình cấp phép đã yêu cầu các doanh nghiệp công khai mức giá; các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng và giá đã công bố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.