Những chiếc giếng cổ trường tồn qua 6 thế kỷ: Thiêng liêng báu vật

Thứ ba, ngày 09/10/2012 15:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ nổi tiếng về độ trường tồn, những chiếc giếng cổ này còn khiến người ta kính cẩn bởi sự lạ là giếng không bao giờ cạn và chuyện về những bóng phụ nữ thường ẩn hiện bên giếng những đêm trăng...
Bình luận 0

Những lời đồn thổi kỳ bí của người dân địa phương dù chẳng có căn cứ gì xác thực nhưng cũng đủ làm cho những kẻ hiếu kỳ như tôi bỏ công bỏ sức về tận xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để tận mục sở thị cổ vật 600 năm tuổi.

img
Giếng đá cổ Bá Hiến chưa bao giờ cạn nước

Vừa đặt chân đến xã Bá Hiến, hỏi về giếng cổ, chúng tôi đã được những người dân hiếu khách nơi đây chỉ dẫn nhiệt tình đến nhà ông Nguyễn Viết Bồng, người không chỉ biết nhiều chuyện lạ về những chiếc giếng cổ mà còn đã từng được trải nghiệm một điều kỳ diệu không thể giải thích bằng những lập luận thông thường.

Pha nước mời khách, ông Bồng hào hứng khoe: "Giếng cổ của làng chúng tôi không biết có từ bao giờ. Chỉ biết rằng từ đời cụ, đời ông chúng tôi đã có. Hàng chục năm sống tại quê hương, chưa bao giờ tôi thấy giếng cổ cạn, dù vào những thời điểm hạn hán cạn cả nước sông".

Theo các cụ cao niên trong làng Bá Hạ kể lại, thời phong kiến, Bá Hiến thuộc tổng Bá Hạ, dân cư phân bố theo 7 làng tiếp giáp nhau, còn gọi là 7 làng Kẻ Bá. Truyền thuyết kể lại, thời Hậu Lê trong một trận hỏa hoạn khiến một trong số đó là làng Tiến Nữ biến mất không còn lại dấu vết.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước cắt làng Bắc Kế (tổng Bắc Kế, xã Thiện Hiệp) và một số trại ấp của chủ Cự cùng với làng cũ Bá Hạ thành xã Bá Hiến bây giờ. Bá Hiến cũng được coi là vùng đất có lịch sử văn hóa đa dạng với nhiều đình, đền có giá trị. Đặc biệt nhất, ở Bá Hiến còn lưu giữ hơn chục chiếc giếng đá cổ và đều là giếng vuông.

Người làng truyền miệng nhau, những chiếc giếng cổ đều do người Tàu để lại vì trên thành giếng có khắc chữ Tàu. Nhưng theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì giếng cổ Bá Hiến được đào từ thời vua Hồng Đức. Trong đó, giếng đá cổ nhất ở đây là giếng chùa Giao San ở làng Thích Chung và giếng làng Bá Hương được khai đào năm Hồng Đức 1490 (Hồng Đức nhị thập thất niên) còn khá nguyên vẹn từ tang giếng đến lòng giếng.

img
Chữ cổ khắc trên thành giếng

Cấu trúc các giếng đá Bá Hiến đều giống nhau. Không giống như các giếng đá ở các vùng quê Bắc bộ, giếng đá ở đây hình vuông, tang giếng (thành giếng) được ghép với nhau bằng bốn phiến đá sa thạch hình chữ nhật. Đá được xếp khít dựng đứng liên kết bằng các vết cắt vát và tạo lỗ mộng liên kết mà không cần đến vôi vữa. Trông xa tưởng như giếng đứng độc lập nhưng để ý kỹ, nó lại là một chỉnh thể rất quen thuộc tại các làng quê Việt Nam, đó là cây đa - giếng nước - sân đình.

Giếng chùa Giao San khắc dòng chữ “Hồng Đức nhị thập thất niên - Canh Tuất thập nguyệt thập ngũ nhật” (tức ngày 15 tháng 10 năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 27). Trên các tấm đá thành giếng còn có nhiều vết lồi lõm mà một số chuyên gia cho rằng, đó là vết tích của mài dao, kiếm để giữ làng từ nhiều đời trước.

Tại giếng Bá Hương, tang giếng ở phía đông bắc khắc dòng chữ “Hồng Đức nhị thập thất niên Canh Tuất thập nguyệt tam thập nhật” khởi tạo (tức ngày 30 tháng 10 năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 27). Còn giếng nhà ông Nguyễn Viết Bồng (Bá Hương) có dòng chữ “Bính Ngọ niên nhị nguyệt” (tháng 2 năm Bính Ngọ).

Giếng ở đây sâu trung bình từ 3 - 4m, kè giếng bằng đá được xếp chồng lên nhau từ trên xuống dưới. Đáy giếng được chặn hai tấm gỗ lim dày 10cm, rộng rộng 75cm, dài 1,5m. Một số giếng khác khi người dân dọn giếng còn thấy dưới lớp cát là lớp thân guột (họ dương xỉ) dày 10cm.

Vào ngày hội Lệ (hay còn gọi là hội Bách linh) 15.3 âm lịch hằng năm, người ta thường múc nước ở đây về tắm tượng. Đàn bà con gái đến kỳ kinh nguyệt tuyệt nhiên không được bén mảng lại gần giếng, ai bất tuân thì sẽ gặp tai ương...

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng ban Ban văn hoá xã Bá Hiến cho biết: “Hiện nay, xã còn lưu giữ được gần 20 giếng cổ miệng hình vuông nằm rải rác ở trong thôn. Các giếng cổ còn giữ được khá nguyên vẹn tang giếng bằng đá và tấm lót giếng bằng gỗ lim. Các giếng cổ của làng cũng trải qua không ít thăng trầm. Vào thời kỳ vận động xã viên vào hợp tác xã, người ta đã khuyến khích dân làng lấp các giếng cổ vì cho rằng đó là tàn tích của chế độ phong kiến để đào giếng mới. Thế nhưng, khi đào xong, những giếng mới đều cạn nước, không dùng được nên người dân lại tìm đến những giếng cổ để khơi đất lên lấy nước dùng.

Còn việc người dân đồn thổi về bóng người thiếu nữ mặc áo trắng ở khu vực giếng hằng đêm tôi cũng đã từng nghe. Theo tôi, có lẽ đó là do mọi người nghĩ nhiều đến tâm linh nên đã mường tượng ra và cũng có thể họ sáng tác ra những câu chuyện đó để truyền lại cho con cháu sự thiêng liêng, nhằm gìn giữ những chiếc giếng cổ mãi mãi trường tồn".

>> Bài 2: Huyền bí giếng "thần"

Theo Dòng Đời
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem