Những chuyến phà nhớ thương

Huỳnh Dũng Nhân Thứ hai, ngày 15/02/2021 08:00 AM (GMT+7)
Tôi biết đến những chuyến phà đầu tiên khi theo gia đình từ Hà Nội vào Sài Gòn tháng 9 năm 1975...
Bình luận 0

Ngày ấy, sau khi vào Sài Gòn được mấy ngày, ba tôi đã đưa tôi về quê nội ở Bến Tre. Hình ảnh đáng nhớ nhất trong chuyến về quê nội sau 20 năm sống trên đất Bắc của tôi là những chuyến phà mà hồi ấy người ta gọi là bắc: Bắc Rạch Miễu, Bắc Cần Thơ, Bắc Vàm Cống...

Âm hưởng đọng lại

Tôi thấy ngạc nhiên và lạ lẫm là phải. Những chiếc phà (Bắc) ở Rạch Miễu với tôi thực sự là những chiếc tàu, trông rất bề thế và to như toà nhà hai tầng. Phà có buồng lái nằm trên nóc phà. Trong lòng phà có thể chở trên dưới 20 chiếc xe ôtô lớn nhỏ cùng cả trăm chiếc xe máy. Nghe nói những chiếc phà này còn lớn cả trăm tuổi. Phà Rạch Miễu là chuyến phà chở tuổi 20 của tôi về quê nội Bến Tre. Tôi tò mò tìm hiểu và được biết: Phà Rạch Miễu là một tuyến phà nằm trên Quốc lộ 60 nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre với bờ phía Tiền Giang đặt tại phường 6, TP. Mỹ Tho và bờ phía Bến Tre đặt tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành.

Thủy trình qua sông Tiền của phà Rạch Miễu dài khoảng 3,2km, đi vòng qua Cồn Phụng và Cồn Thới Sơn. Thời gian vượt sông của phà loại 100 tấn khoảng 25-30 phút, phà tốc hành 50 tấn khoảng 13-14 phút và phà 60 tấn gần 20 phút.

Những chuyến phà nhớ thương - Ảnh 1.

Phà Rạch Miễu nối hai bờ Bến Tre và Tiền Giang. Đ.B

Có thể phà Rạch Miễu vẫn chưa xong "nhiệm vụ" của mình. Nếu đề xuất của UBND tỉnh Bến Tre được chấp thuận, tới đây lại có cơ hội nhìn thấy những chuyến phà hối hả vượt sông Tiền nối Tiền Giang và Bến Tre.

Bến phà Rạch Miễu đóng vai trò là cửa ngõ chính vào tỉnh Bến Tre (hai cửa ngõ còn lại là bến phà Đình Khao nối với Vĩnh Long qua Chợ Lách và bến phà Cổ Chiên nối với Trà Vinh qua Mỏ Cày). Phà Rạch Miễu gắn liền với bao sự kiện lịch sử của đất nước trong gần 100 năm cần mẫn nối hai bờ sông nước. Khi cầu Rạch Miễu được đưa vào sử dụng vào giữa tháng 1/2009, bến phà Rạch Miễu chính thức ngừng hoạt động.

Cách phà Rạch Miễu không xa, có một bến phà láng giềng mà người dân miền Tây không một ai không biết. Đó là phà Vàm Cống. Phà Vàm Cống quy mô nhỏ hơn, được xây từ thời Pháp thuộc, bên bờ TP.Long Xuyên (An Giang) và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Từ chỉ 4 phà quy mô nhỏ, đến lúc ngừng hoạt động phà Vàm Cống có 10 phà, với 167 cán bộ, nhân viên. Bình quân mỗi ngày phà vận chuyển 5.500 ôtô và 12.000 xe máy qua lại sông Hậu...

Tôi ấn tượng bến phà Rạch Miễu không chỉ vì những chiếc phà hiện đại mà còn vì cung cách người ta quản lý, điều hành các chuyến phà. Trên bờ thì từng đoàn xe xếp hàng trật tự. Dưới phà thì đầy những người bán vé số, bán hàng rong với những cách mời chào rôm rả và những tiếng rao hàng đặc sệt âm hưởng Nam Bộ. Mỗi khi xe xuống phà, mấy anh lơ xe luôn miệng dặn bà con hành khách không được ném rác xuống phà, vì chỉ một cái vỏ trái cây vô tình liệng xuống phà thì nhà xe sẽ bị phạt rất nặng.

Và đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác phải đi bộ qua phà, cứ vội vàng hối hả, nhớn nhác tìm đúng chuyến xe của mình khi qua bờ bên kia mà leo lên. Tôi nhớ có lần bị lỡ xe nhưng nhà xe cho anh lơ xe quay lại tìm. Tôi nhớ có lần thấy cả một chiếc xe đò mất thắng (phanh) từ phà xuống bờ đã lao luôn xuống sông. Tôi còn nhớ mỗi lần qua phà là vội vàng chạy đi tìm nhà vệ sinh nếu không muốn nhảy vào những cái cầu tõm bên rìa bến phà...

Tuy bến phà điều hành khá tốt và những chiếc phà to lớn hiện đại nhưng tình hình khó khăn lúc đó làm giao thông ùn tắc. Muốn qua được phà nhanh lắm cũng mất hai, ba tiếng đồng hồ... Nhưng mỗi khi lên được phà rồi, tôi thường leo lên tầng hai, đứng nhìn qua cửa sổ phà nhìn xuống dòng sông phù sa nâu thắm, nhìn mải mê hai bờ xanh mát bóng cây cối và những chiếc ghe xuôi dòng chạy qua mà cứ ngỡ mình đang đi du lịch trên miền sông nước.

Nỗi nhớ, niềm thương

Từ Tiền Giang qua phà Rạch Miễu là Bến Tre, từ Bến Tre qua phà Hàm Luông là Trà Vinh. Đi theo Quốc lộ 1 thì qua chiếc "bắc" Mỹ Thuận nổi tiếng là đến Vĩnh Long, từ Vĩnh Long qua bắc Cần Thơ vào Tây Đô, đi ngã Sa Đéc qua phà Cao Lãnh đi Cao Lãnh, Hồng Ngự... Đi ngã Lấp Vò qua phà Vàm Cống đến Long Xuyên, từ An Giang qua bắc An Hòa tới Kiên Giang... Đó là chưa kể hàng chục chiếc phà nhỏ nối những cù lao và đất liền, như phà Mỹ Hiệp qua một nhánh sông Tiền nối liền làng Mỹ Hiệp trên Cù Lao Giêng của huyện Chợ Mới (An Giang) với làng Hòa An bên thị tứ Cao Lãnh.

Những chuyến phà nhớ thương - Ảnh 3.

Những chuyến phà cuối cùng của Cụm phà Vàm Cống đưa rước khách qua sông Hậu – nối hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang, trước khi dừng hoạt động tháng 6/2019. Ảnh: Duy Thanh

Hay như ở TP.HCM vẫn còn phà lớn Bình Khánh qua sông Nhà Bè sang huyện Cần Giờ. Phà Dần Xây giờ cũng đã hoàn thành nhiệm vụ trao trọng trách nối hai bờ vui cho cây cầu Dần Xây trẻ trung hiện đại.

Chỉ mới hơn mươi năm nay thôi, bến phà Thủ Thiêm ngay gần cột cờ Thủ Thiêm cũng đã kết thúc cuộc hành trình hàng chục năm nối quận 1 với quận 2. Bến Bạch Đằng bỗng nhiên trở nên trống vắng, buồn bã.

20 tuổi của tôi là 20 năm sống ở Hà Nội trong thời Mỹ ném bom miền Bắc. Bây giờ nhớ lại, tôi cảm thấy thương những chiếc phà nhỏ bé, cũ kỹ, già nua... trên đất Bắc vô cùng. Chiếc phà lớn nhất cũng chỉ chở được khoảng 6 chiếc xe là cùng. Mà đó là những chiếc phà giống như cái sà lan, phải có một chiếc ca nô nổ máy phành phạch phun khói mù mịt kè một bên, dìu nó qua sông. Lại có những chiếc phà nhỏ hơn nữa chẳng có canô mà kèm mà đẩy, nó qua sông là nhờ có công nhân còng lưng kéo những sợi cáp chăng ngang sông...

Những chuyến phà gian khổ của thời chiến trên đất Bắc ấy đã tạo ra những người công nhân bến phà anh hùng, tạo ra những kỳ tích khi vận chuyển trùng điệp bộ đội cùng xe pháo vào Nam đánh trận.

Sau này, khi cầu Rạch Miễu bắt đầu háo hức khởi công và cả khi cầu Rạch Miễu long trọng khánh thành, tôi đều nhận trọng trách lái xe đưa ba tôi về dự lễ. Lúc này ba tôi đã là một ông già hưu trí cao tuổi. Ba tôi đứng trên cầu tần ngần nhìn về phía bến phà Rạch Miễu cũ và nhớ lại thời thơ ấu của ông. Hồi đó ba tôi từ thị xã Bến Tre đi bộ qua phà Rạch Miễu để đi học ở Mỹ Tho. Có lần ba tôi qua phà bị kẻ gian móc túi mất hết tiền ông nội cho để đóng tiền học. Kể lại, ba tôi vẫn rưng rưng nước mắt. Sau này, mỗi lần qua phà Rạch Miễu tôi lại nhớ câu chuyện này và thấy thương ba tôi, thương cả những chuyến phà nghèo khổ thời xa xưa ấy. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem