Những “cô Tấm” của bản

Thứ năm, ngày 13/03/2014 10:09 AM (GMT+7)
Không có mấy nơi các cô giáo lại vất vả đến nhường ấy. Ngoài việc dạy học, các cô giáo ở điểm Trường Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè (Lai Châu) phải lo cả chuyện tìm quần áo, giặt giũ, vệ sinh, cho đến chăm sóc học sinh lúc ốm đau…
Bình luận 0
Vừa là cô giáo, vừa là bố mẹ

Xã Bum Nưa chỉ có một bản Nậm Củm duy nhất của người Mảng, còn lại là các bản người Thái, nằm cách trung tâm xã chưa đến 5km. Thế nhưng người dân bản Nậm Củm vẫn lạc hậu như cái thời sống trong rừng, nhặt, hái, lượm để sống qua ngày.

Mỗi sáng thứ Hai, cô giáo đều tắm rửa, vệ sinh cho cho các em học sinh.
Mỗi sáng thứ Hai, cô giáo đều tắm rửa, vệ sinh cho cho các em học sinh.

Điểm Trường Nậm Củm nằm ngay giữa trung tâm bản và là nơi khang trang, sạch sẽ nhất cả bản. Cả điểm trường có 3 giáo viên tiểu học và 3 giáo viên mầm non. Trước sân, cô giáo lớp mầm non Lò Thị Quê đang lau, rửa cho các cháu. Mặt mũi, tay chân, quần áo đứa nào cũng đen nhẻm.

Cô Quê bảo: “Cứ sáng thứ Hai ra đến lớp, việc đầu tiên các cô phải làm là vệ sinh, thay quần áo cho các cháu. Rồi lại mang quần áo bẩn đi ngâm để hết giờ dạy, mang ra suối giặt”. Đem chuyện này trao đổi với Trưởng bản Nậm Củm - ông Lò Y Van, ông thủng thẳng nói: “Bố mẹ chúng nó không nghiện rượu thì cũng nghiện thuốc phiện. Con cái đẻ ra, cứ vất đấy, chẳng nuôi nấng gì”.

Với chế độ hỗ trợ của Nhà nước, mỗi em học sinh mầm non được 15.000/bữa, các em tiểu học 10.000/bữa, hàng ngày các cô giáo thay phiên nhau nấu cho các em 2 bữa trưa và chiều. Lớp tiểu học có 20 em, mỗi ngày với 200.000 đồng, để xoay xở cho các em đủ no, đủ chất cũng thật khó khăn cho các cô giáo. Các cô thường xuyên phải thêm tiền của mình vào để các em có một bữa ăn đầy đủ hơn. “Các em học sinh ở đây, em nào cũng bị suy dinh dưỡng. Có em học lớp 4 rồi nhưng chỉ nặng có 11kg”. Cô Tống Thị Hương- giáo viên lớp 2 thổ lộ.

Chỉ nghe lời cô giáo

Mấy ngày nay bà Lò Thị Tiêm bị mọc một ổ nhọt to ở cổ, ai nhìn cũng sợ. Nhưng ai bảo bà lên trung tâm y tế xã chữa trị, bà cũng không nghe. Thấy vậy, cô giáo Lý A Hơn mới bày cho bà một bài thuốc của người Hà Nhì. Bôi thuốc được vài ngày, vết thương khô dần, cơn đau cũng giảm bớt.

"Các hộ dân ở đây nhiều khi tôi nói họ không nghe, thế mà các cô giáo nói lại nghe đấy”.

Trưởng bản Lò Y Van

Bà Tiêm cũng đã bắt đầu đi lên rừng hái chít, nhặt củi. Cô giáo Hơn bảo: “Em dạy ở đây đã được hơn 3 năm thành ra quá quen với những tình huống như vậy rồi. Ở đây, ít người bị bệnh đi bệnh viện lắm. Biết được cái gì, chúng em giúp như thế. Còn các em học sinh bị ốm thì chúng em toàn mua thuốc về cho uống, chứ không là bố mẹ các em cứ để cho ốm”.

“Ở đây, họ còn hay tin vào những chuyện ma quái. Chuyện gì cũng đổ tại ma quỷ. Cách đây 1 tháng, có hai đứa trẻ sơ sinh lọt lòng mẹ được mấy ngày thì mất do bố mẹ không quan tâm chăm sóc, cứ để các cháu giữa trời lạnh, không giữ gìn gì. Các cháu mất rồi thì bố mẹ lại bảo là có ma cà rồng, do con ma bắt đi. Cán bộ, trưởng bản giải thích mãi không thấm vào đâu. Bọn em ở quen trong bản, dần dần thuyết phục bà con mới tin là không phải do ma…”- cô Hơn kể.

Trưởng bản Lò Y Van bảo: “Có các cô giáo ở đây cũng đỡ hơn nhiều, các cháu được ăn uống, vệ sinh sạch sẽ. Các hộ dân ở đây nhiều khi tôi nói họ không nghe, thế mà các cô giáo nói lại nghe đấy”.
Lê San (Lê San)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem