Những “cơn lốc” trầm, kỳ và nhánh rẽ trầm hương

Thứ tư, ngày 06/07/2011 16:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thay vì nối gót cha anh tiếp tục lên núi bòn trầm, nhiều thanh niên, nông dân ở thị trấn Trung Phước, huyện Nông Sơn, Quảng Nam giờ lại rẽ theo một hướng khác: Trồng dó bầu- tạo trầm, làm trầm thủ công mỹ nghệ.
Bình luận 0

Với nghề mới, họ đã và đang giàu lên một cách bền vững...

Nghiệp trầm

Trung Phước, Nông Sơn- nhắc đến địa danh này, "dân trầm" cả nước, thậm chí ở các nước chuyên thu mua trầm hương, kỳ nam trong khu vực đều biết đến. Nếu những năm 80 của thế kỷ trước, nơi đây xuất hiện nhiều thợ trầm kiệt xuất, từng băm nát rừng già để khai thác hiệu quả trầm hương từ rừng tự nhiên, thì bây giờ, ở thị trấn Trung Phước, huyện Nông Sơn (vừa chia tách từ huyện Quế Sơn, Quảng Nam) lại nổi trội trên "bản đồ trầm hương" VN về việc trồng dó, tạo trầm và chế tác thành công trầm thủ công mỹ nghệ.

Nhiều thợ trầm đã bỏ rừng, cặm cụi trồng dó vườn, tạo trầm rồi chế tác hàng mỹ nghệ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Họ từng bước trở thành tỷ phú, làm giàu bền vững từ nghiệp trầm...

“Cựu” thợ trầm Trương Văn Mẫn ở Trung Phước giờ đã là một đại gia tầm cỡ, có tiền tỷ nhờ bán trầm mỹ nghệ và có phân xưởng lớn nhất của vùng miền núi này. Xưởng chế tác của ông Mẫn đã tạo được công ăn việc làm, thu nhập cao cho 20 thanh niên tại địa phương.

img
Xưởng chế tác trầm mỹ nghệ của Trương Thanh Hiền.

Ông Mẫn tâm sự, trầm, kỳ là tài nguyên vô cùng quý hiếm, nhưng nó khó tái tạo và không nhiều như các loại tài nguyên, khoáng sản khác. Cả dãy Trường Sơn rất ít rừng có cây dó. Rừng có dó thì không phải cây nào cũng cho trầm. Cả hàng ngàn cây dó thì may ra mới có 1 cây có trầm. Hàng chục ngàn cây có trầm thì mới có 1 cây có kỳ nam. Song sự khai thác của con người thường mang tính tận diệt. Nếu khu rừng nào đấy "chẳng may" có trầm, kỳ, lập tức các đoàn người tứ xứ kéo đến, sắp hàng ngang mà đào bới tung từng cm để tìm.

Vì vậy, hơn 20 năm làm địu, thấy rõ vận may ở thời buổi này là rất ít nên ông Mẫn tính đến việc chuyển nghề. Theo ông Mẫn, ngoài hàng loạt các công dụng đặc biệt của trầm trong chữa bệnh, tinh chế sản phẩm công nghiệp... thì trầm hương còn là hàng mỹ nghệ thuộc dạng xa xỉ, có giá trị cao.

Vì vậy, chế tác và buôn bán mặt hàng thiên về nghệ thuật này sẽ là hướng giải quyết tốt trong bối cảnh nguồn trầm hương tự nhiên đã cạn kiệt. Mặt khác, việc chế tác trầm mỹ nghệ không đòi hỏi phải từ dó, trầm tự nhiên mà có thể dùng cây dó vườn, trầm nhân tạo nên nghệ nhân, thợ thủ công chủ động được nguồn nguyên liệu. Nhiều thợ trầm ở Trung Phước bỏ rừng nhưng không bỏ trầm là nhờ hướng đi này.

Bán dạo xuyên quốc gia

Chỉ riêng ở thị trấn miền núi nhỏ bé Trung Phước, hiện có trên 30 cơ sở sản xuất, chế tác hàng thủ công mỹ nghệ từ dó bầu, trầm hương. Mỗi xưởng có một ưu thế riêng về mẫu mã, tính nghệ thuật, cách tìm kiếm khách hàng và thị trường. Nhưng xưởng nào cũng ăn nên làm ra. Nổi bật nhất là ông chủ trẻ Trương Thanh Hiền.

Sau khi tốt nghiệp hạng khá ở Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, thay vì ở lại thành phố, lập nghiệp như nhiều thanh niên khác ở nông thôn, Hiền đã về quê, nối nghiệp cha anh, mở xưởng chế tác trầm hương mỹ nghệ. Không uổng phí công sức hơn 4 năm đèn sách ĐH.

Theo Trương Thanh Hiền, nghề tạo trầm và chế tác hàng mỹ nghệ từ trầm gần như chỉ có ở Trung Phước, Quảng Nam là điêu luyện. Tuy vậy, hiện nay một số địa phương khác như Bình Định, Phú Yên, TP.HCM cũng xuất hiện việc trồng dó, chế tác hàng mỹ nghệ trầm và buôn bán các sản phẩm này.

Hiền tỏ ra sắc sảo trong việc tìm giải pháp hoạt động kinh doanh hiệu quả. Từ việc tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi của chính quyền, ngành công thương, nông lâm nghiệp để phát triển rừng dó trồng, mở phân xưởng, tuyển lao động trẻ... Hiền đã mạnh dạn mang hàng đi tham gia hàng loạt các hội chợ lớn nhỏ trên cả nước để giới thiệu, bán hàng.

Với sự năng nổ, dám nghĩ dám làm như vậy Hiền đã tạo dựng một cơ ngơi sản xuất khang trang. Nhưng với khí phách bạo dạn của thợ rừng, Hiền không dừng lại ở thành công ấy. Ông chủ trẻ này còn phối hợp với một số anh em đồng nghiệp ở các xưởng khác, mang hàng sang tận Nam Ninh, Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc) rồi cả Tokyo (Nhật Bản) để... bán dạo.

Món trầm, kỳ và các sản phẩm từ hàng đặc biệt này được người Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản rất ưu chuộng. Giá của hàng nghệ thuật thì cũng vô chừng, tuỳ sự hứng thích của khách.

Nhưng hầu hết đều bán được nhiều tiền hơn so với giá trị thực của sản phẩm. Vì vậy, nhiều chuyến xuất ngoại, nhóm bán rong này đã mang về thu nhập cao đến bất ngờ, giống như địu trầm gặp lộc trời ở quê nhà vậy.

Hiện nay ngoài Đại Lộc, Trung Phước, Hiệp Đức, Phước Sơn là những địa phương có rừng dó trồng hàng chục ngàn cây thì huyện Tiên Phước (Quảng Nam) cũng có số lượng dó vườn lên đến hàng trăm ngàn cây. Đặc biệt có nhiều nông hộ có dó đã trăm tuổi. Vì vậy, tạo trầm, chế tác hàng mỹ nghệ từ trầm là một hướng đi mới, khả thi và hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Bài cuối : Nghịch lý bảo tồn

Với giá cả cao đến không tưởng, trong khi hiểu biết về giá trị của trầm, kỳ còn thấp, cộng cơ chế quản lý lỏng lẻo... đã khiến tài nguyên quý giá này đã bị tận diệt. Tuy nhiên vẫn còn các giải pháp để bảo tồn, tái tạo loại tài nguyên quý giá này...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem