Những cơn mơ sông Đáy

Thứ hai, ngày 07/02/2011 07:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tôi là một kẻ may mắn được sinh ra và lớn lên bên cạnh một dòng sông. Việc nhận ra sự may mắn này không phải ngay khi tôi nhìn thấy dòng sông mà chỉ khi tôi có một chuyến đi thật xa tới một vùng đất bên kia bán cầu.
Bình luận 0

Đó là một đêm mưa ở xứ người, tôi vô tình nghe có tiếng gọi đò đâu đó vọng về. Cách nói này có vẻ sáo mòn nhưng đó là một sự thật. Và nó là sự thật da diết của chính tuổi thơ tôi. Đó là một chiều mưa mùa đông khi tôi chừng bảy tuổi. Mẹ tôi sang sông ăn giỗ bên quê ngoại mẹ về muộn. Mấy anh em tôi ra bến sông đợi mẹ. Ngày ấy, sông Đáy rộng lạ kỳ.

 img
Sông Đáy đang bị biến thành sông rau muống. Ảnh: Xuân Trường

Bờ bên này và bờ bên kia là cả một thế giới. Ngày đó, tôi nghĩ tôi sẽ chẳng bao giờ sang được bờ bên kia. Và bờ bên kia đã trở thành miền đất của những bí ẩn đối với tôi. Chiều đông ấy mưa bay mờ bến sông. Tôi chỉ thấy bờ bên kia là một dải mờ xanh bởi mưa bay phủ lên những lùm dứa dại. Bỗng từ chốn mờ xanh bí ẩn ấy vang lên tiếng gọi đò. Chúng tôi không nhìn thấy người gọi đò nhưng nhận ra đó là tiếng mẹ tôi. Rồi từ cõi mờ xanh con đò hiện ra cùng mẹ tôi.

Sau này đi xa, thi thoảng tôi chợt nghe tiếng gọi đò ở đâu đó trong ký ức vẳng về. Tôi nhớ mẹ và sông Đáy nôn nao. Rồi mẹ tôi mất. Mỗi lần qua sông hay đi dọc triền đê mỗi khi về quê cuối tuần, trong tôi lại vọng về tiếng gọi đò ấy. Khi tôi bắt đầu viết văn, dù viết gì thì ngòi bút tôi cứ như kẻ bị phép thôi miên đưa về sông Đáy.

Vào cấp III, tôi sang sông học ở trường Mỹ Đức B bên kia sông. Thường thì tôi đi đò qua sông. Nhưng mùa đông tôi thích lội qua sông cho dù nước sông buốt cắt thịt cắt da. Mùa đông, giữa sông nổi lên những doi cát. Bọn trẻ biết rất rõ con đường dưới đáy sông để đi qua sông mà không phải cởi áo. Đó là những doi cát ngầm mà bọn trẻ chúng tôi nhận biết bằng trí nhớ sau nhiều lần tìm đường lội qua sông mùa cạn. Khúc sông đó gọi là bến Lội.

Có lẽ chữ Lội xuất phát từ việc người ta có thể lội qua sông. Và chính ở bến Lội này, trong những năm kháng chiến chống Pháp đã diễn ra một trận đánh lừng lẫy. Đó là trận bộ đội kết hợp với du kích địa phương phục kích và tiêu diệt một tiểu đoàn lính Pháp. Chúng hành quân từ Miếu Môn và vượt sông Đáy ở khúc sông cạn gọi là bến Lội ấy. Nhiều năm trước, một nhóm chuyên gia lịch sử quân sự đã về bến Lội để xem lại địa danh ấy trước khi quyết định xây một đài kỷ niệm chiến thắng. Nhưng rồi nhóm chuyên gia không trở lại nữa.

Làng tôi đợi mãi cái quyết định của một cấp nào đó để xây đài kỷ niệm chiến thắng nhưng vẫn chẳng thấy gì và có lẽ sẽ không bao giờ thấy nữa. Rất ít những đứa trẻ chúng tôi sau này lớn lên hiểu được kỹ lưỡng ý nghĩa của chiến thắng đó mà chỉ nhớ những câu chuyện đồn đại về xương lính Pháp lẫn trong cát dưới đáy sông mà những người cào hến vẫn thường thấy, những mẩu xương lính Pháp lẫn trong hến và những câu chuyện về ma lính Pháp vẫn hiện lên tìm cách dìm chết những ai qua khúc sông đó vào những buổi trưa thanh vắng hoặc trong đêm tối.

Bây giờ bến Lội không thể lội qua được nữa. Nhiều năm nay, người ta bắt đầu khai thác cát. Những chiếc sà lan hút cát suốt ngày đêm. Bến Lội bây giờ sâu thăm thẳm. Nhưng ở những đoạn sông khác lại cạn như ruộng. Do đời sống khó khăn, người ta đã thả rau muống bè ở sông Đáy. Thế là cứ năm này đến năm khác, những bè rau muống khổng lồ kín cả mặt sông như hút cạn nước con sông. Bây giờ, nhiều lúc đứng bên bờ sông tôi cứ nghĩ đó không phải là một con sông như tuổi thơ tôi từng biết nữa.

 img
Sông Đáy thơ mộng sắp chỉ còn là ký ức? Ảnh: Xuân Trường

Nó giống như một con mương nhỏ chạy qua cánh đồng chỉ cần nhún chân là nhảy qua. Một lần, tôi đưa mấy người bạn về quê chơi, đứng nhìn dòng sông "rau muống", một người bạn tôi khẽ thốt lên: "Sông Đáy chết rồi". Đúng là như vậy. Sông Đáy đang có nguy cơ chết theo nhiều nghĩa. Tôi nhớ mẹ tôi kể trước kia người ta đi Chùa Hương bằng thuyền dọc sông Đáy.

Họ lên thuyền vào buổi chiều và thuyền đi suốt đêm. Sáng sau tỉnh dậy thuyền đã đến đoạn sông Đáy gần Chùa Hương. Suốt đêm, người chèo thuyền kể cho khách nghe những câu chuyện về đời sống cư dân dọc hai bờ sông. Tôi cũng đã từng nghe bà và mẹ tôi kể một số câu chuyện như thế. Sau này tôi đã viết lại những câu chuyện đó như "Mùa hoa cải bên sông", "Hai người đàn bà xóm Trại", "Bầy chim chìa vôi", "Tiếng gọi cuối mùa đông"...

Hầu hết những câu chuyện này đã được dựng thành phim và đều được Giải Vàng trong các Liên hoan phim truyền hình toàn quốc và thế giới như "Lời nguyền dòng sông" (từ truyện ngắn "Mùa hoa cải bên sông", đạo diễn Khải Hưng), "Thời gian của dòng sông" (từ truyện ngắn "Hai người đàn bà xóm trại", đạo diễn Bạch Diệp, "Tiếng gọi bên sông" (từ truyện ngắn "Tiếng gọi cuối mùa đông", đạo diễn Cường Việt)...

Có một thời gian, tôi định ngồi viết một cuốn sách về các món ăn dân dã dọc hai bờ sông Đáy và những cái chợ bên bến sông quê. Nhưng thời gian cứ trôi đi với đủ thứ việc kiếm sống và hão huyền làm tôi không thực hiện được ý muốn giản dị đó. Ví dụ như món chả cá thè be. Người ta bắt cá thè be vào tháng Bảy có mưa và nước sông dâng lên tận bãi ngô bằng những cái vó như vó tôm. Cá thè be rửa sạch cho vào cối đá giã thật nhuyễn.

Người ta đã và đang giết chết những dòng sông. Người ta đang giết chết những vẻ đẹp lộng lẫy và những bí ẩn kỳ diệu của đời sống mà không hay biết. Người ta chỉ thấy đời sống mỗi lúc một căng thẳng hơn, nặng nề hơn và gấp gáp hơn. Người ta không còn có những buổi chiều đi dọc triền sông để gió thổi bới tung mái tóc lên và để chìm vào tiếng gọi đò từ một chốn mờ xanh bên kia sông như tiếng gọi của một thế giới khác lạ kỳ và quyến rũ. Dòng sông đang chết bởi đời sống tinh thần của chúng ta đang chết.

Khi giã người ta cho ớt vào giã cùng. Khi giã xong, người ta trộn lá thìa là vào và lấy lá nghệ bánh tẻ bọc chả và áp trên chảo gang. Đã bao nhiêu năm nay, tôi không còn thấy cá thè be ở sông Đáy vào những ngày mưa mùa hạ nữa. Tôi hỏi bọn trẻ con làng tôi về cá thè be nhưng chúng nhìn tôi ngơ ngác. Chúng không biết đến loài cá ấy và cũng không biết đến món ăn ấy. Rồi có đến cả trăm món ăn dân dã như thế cũng đang ngày một mất đi. Dòng sông cũng mất dần đi sự kỳ vĩ và bí ẩn của nó. Thiên nhiên đang trở nên vô cảm trước mắt con người.

Trong một bài thơ tôi viết về sông Đáy có câu: Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy/Cho hai hốc mắt tôi như hai ổ cá bống được giàn giụa nước mưa sông. Hai câu thơ đó là hai câu thơ vụng. Nhưng đó là hiện thực của đời sống tinh thần tôi.

Tôi có thể viết mãi, viết mãi về biết bao điều trong đời sống dọc hai bờ con sông như nước trong dòng sông kia trôi mãi và trôi mãi. Viết như được sống, được mang những cơn mơ về dòng sông ấy, viết như nỗi lo sợ về những điều kỳ diệu và bí ẩn dọc hai bờ sông kia đang mỗi ngày một rời xa chúng ta, viết như một tiếng kêu cứu trước sự vô cảm và lòng tham lam của con người.

Người ta sẵn sàng lấp cả con sông để bán đất, để xây nhà... nếu người ta được phép. Và tôi cam chắc rằng: Khi những con sông trên thế gian ngừng chảy thì đời sống của con người cũng dừng lại. Và trước khi đời sống ấy dừng lại thì bây giờ những cơn mơ đẹp của con người về thiên nhiên đêm đêm đang dần dần lụi tắt. Và đấy không có gì khác ngoài một sự thật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem