Những dự đoán khủng khiếp đằng sau vụ ám sát đại sứ Nga

Nhà báo Trương Anh Ngọc Thứ ba, ngày 20/12/2016 20:00 PM (GMT+7)
Năm 2016 này, với những sự kiện đã xảy ra ở Ankara, nhưng trước đó là vụ khủng bố ở Jordan, tiếp theo là các vụ tấn công ở Zurich và Berlin, ai mong muốn một cuộc Thế chiến?
Bình luận 0

Tấm ảnh về vụ ám sát ấy gây sốc, bởi thực tế phũ phàng mà nó tạo ra, trong một thế giới hàng ngày hàng giờ tràn ngập các thông tin về xung đột, chết chóc và những điều dễ gây stress: tên giết người trong bộ áo vest cầm khẩu súng ở tay, tay kia giơ lên và mồm hô những khẩu hiệu, mặt căng ra đầy cảm xúc cuồng nộ trong một vài tích tắc trước khi hắn bị bắn. Dưới đất, một người mặc áo vest khác đang nằm bất động từ nhiều tích tắc trước, sau khi bị thủ phạm bắn nhiều phát đạn từ phía sau.

Người ấy không phải ai khác mà là Andrey Karlov, Đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kì. Bài phát biểu khai mạc triển lãm ảnh về nước Nga trong mắt người Thổ của ông bị cắt đứt bởi một sự kiện bi thảm, khi cuộc nội chiến Syria mà Nga và Thổ Nhĩ Kì có dính líu vừa có một khúc quanh lớn liên quan đến Aleppo, thành phố mang ý nghĩa chiến lược ở Syria, giờ phần lớn trong tay các lực lượng chính phủ Assad do Nga ủng hộ.

img

           Đại sứ Nga Karlov.

Động cơ của vụ ám sát này là gì? Một hành động giết chóc “hùa” theo sự tức giận của Thổ Nhĩ Kì trước việc Nga hỗ trợ chính phủ Syria giải phóng Aleppo, duy trì mạnh mẽ hơn vị thế của chế độ Tổng thống Assad ở Damascus, điều Ankara vô cùng không thích? Vụ ám sát này có thể khiến cả Israel cũng hài lòng, bởi với việc Assad tại vị, ảnh hưởng trong khu vực của Iran mà họ thù ghét trở nên ngày càng lớn hơn? Hay hành động này có chủ ý gì đó nhắm đến Mỹ, do đó khoét sâu mâu thuẫn giữa Washington và Moskva, trong hoàn cảnh đã có những động thái xích lại gần nhau giữa Trump và Putin, khi một số nguồn tin Thổ Nhĩ Kì viết rằng, thủ phạm của vụ ám sát là thành viên của tổ chức khủng bố FETO, được tài trợ bởi giáo sĩ Gulen, người bị Ankara tố cáo là đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7, hiện được cho là đang sống ở Mỹ? Một giả thiết khác là vụ ám sát này nhằm phá hoại mối bang giao lỏng lẻo và mong manh mà Nga và Thổ Nhĩ Kì đã nỗ lực thiết lập được sau những căng thẳng bùng nổ xung quanh vấn đề Syria, với vụ Thổ Nhĩ Kì bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga tháng 11.2015.

Dù thế nào đi chăng nữa, sự kiện bi thảm này chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ. Tấn công vào nước Nga trên đất Thổ Nhĩ Kì, dù đằng sau kẻ thủ ác là bất cứ ai, chỉ có một mục tiêu duy nhất, như tên giết người đã nhắc tới: “Hãy nhớ đến Aleppo”. Aleppo không chỉ là một dấu hiệu cho thấy sự kết thúc của cuộc nội chiến ở Syria đang đến gần sau 5 năm, mà còn là một bước ngoặt vô cùng lớn liên quan đến vai trò địa chính trị của cả Nga và Thổ Nhĩ Kì trong khu vực.

Trận đánh Aleppo cho thấy vai trò quan trọng của Nga ở Trung Đông, một vị trí mà họ đã tìm kiếm và chiến đấu để giành được nó sau sự suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại đây, với bằng chứng là các thất bại trong chính sách can thiệp quân sự ở Iraq và Libya, trong khi Thổ Nhĩ Kì của Tổng thống Erdogan nhận thấy rằng, họ trở nên mắc kẹt trên bàn cờ địa chính trị trong việc bảo vệ lợi ích của mình. Một mặt, họ tìm cách ngăn cản sự ra đời của một nhà nước người Kurd bằng cách ủng hộ các thế lực muốn lật đổ Assad, mặt kia Ankara cố gắng tìm kiếm một vai trò lớn theo kiểu đế chế Ottoman mới, có ảnh hưởng đến toàn bộ Trung Đông, như tham vọng của Erdogan. Nhưng trong cuộc chiến ảnh hưởng này, Ankara đã thất bại. Roberto Toscano, một nhà bình luận chính trị người Italia cho rằng, vụ ám sát Đại sứ Nga là một cuộc trả thù của các lực lượng Hồi giáo quá khích vào Thổ Nhĩ Kì, vì thất bại ở Syria.

Theo Edward Turzanski, Giáo sư về khoa học chính trị của FPRI, Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại rất uy tín của Mỹ, thì cái chết này sẽ không dẫn đến những thay đổi trong chính sách của Nga ở Trung Đông, trong hoàn cảnh Nga trên thực tế bây giờ là một cường quốc lớn trong khu vực, có khả năng bảo vệ quyền lợi của mình cũng như các đồng minh của họ cả về ngoại giao lẫn quân sự. “Chính sách của Putin ở Syria rất rõ ràng và sẽ không thay đổi”, ông nói trên nhật báo Ý La Repubblica. “Moskva muốn duy trì các căn cứ quân sự của họ ở Trung Đông, duy trì chế độ Assad, sử dụng Iran như là phương tiện để dẹp bỏ các lực lượng cực đoan theo hệ phái Sunnite và trên hết là củng cố ảnh hưởng của Nga trên một khu vực rộng lớn, kéo dài từ bờ biển Iran cho đến Địa Trung Hải”.

     Rất nhiều người đã nhanh chóng so sánh những gì xảy ra ở Ankara với sự kiện Thế tử Ferdinand của đế chế Áo-Hung bị ám sát ở Sarajevo năm 1914, coi đó như một ngòi nổ cho những xung đột nghiêm trọng trên phạm vi thế giới trong năm tới hoặc những năm tới, giống như Thế chiến I đã nổ ra sau cái chết 102 năm về trước ấy. Những sự kiện bi thảm trong một chuỗi các sự kiện nghiêm trọng đang dần theo hướng leo thang có thể nảy sinh những cuộc Đại chiến không?

Nhiều nhà sử học, bằng các tác phẩm nghiên cứu của mình, từ những năm 1960 đã khẳng định rằng, Thế chiến I nổ ra không phải vì vụ ám sát ấy, vốn chỉ là cái cớ, mà vì nước Đức hồi đó muốn một cuộc chiến tranh để thoả mãn những tham vọng quyền lực của mình. Năm 2016 này, với những sự kiện đã xảy ra ở Ankara, nhưng trước đó là vụ khủng bố ở Jordan, tiếp theo là các vụ tấn công ở Zurich và Berlin, ai mong muốn một cuộc Thế chiến?

Đấy là một câu hỏi rất khó trả lời, bởi những mối quan hệ qua lại chằng chịt giữa rất nhiều phía, nhiều lợi ích đối lập, xuất phát từ một khu vực đã trở nên nóng bỏng và giằng xé bởi những cuộc xung đột đẫm máu trong những năm qua.

Đấy cũng có thể không phải là một cuộc xung đột về tôn giáo hoặc giữa những nền văn minh như Phương Tây đã luôn tìm cách giảm nhẹ vấn đề để tránh làm căng thẳng hơn nữa, nhưng thực tế nảy sinh từ những xung đột ở Syria và Bắc Phi hậu cách mạng mùa xuân Arab là bằng chứng cho thấy những cuộc chiến không tuyên bố nhằm cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Đông, ở đây là giữa Mỹ và Nga, và giữa các quốc gia có quyền lợi trong khu vực cùng những lực lượng được họ trang bị vũ khí và tài trợ về tiền bạc, là một cuộc Đại chiến trên quy mô nhỏ hơn, nhưng cũng đẫm máu và đầy bi kịch.

Nga và Thổ Nhĩ Kì trên thực tế chỉ là hai trong số rất nhiều các nhân vật chính của các mối quan hệ chằng chịt ấy. Tuy nhiên, bất kể vì vụ ám sát, việc họ xích lại gần nhau hơn nữa sau khi Moskva chìa tay cho Ankara sau vụ đảo chính bất thành cũng chưa chắc đem đến hoà bình ở Syria và Trung Đông, cái rốn của mọi rắc rối.

2017 là một năm như thế nào cũng là một câu hỏi khó trả lời nữa, nhưng chắc chắn sẽ không bình yên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem