Những đứa con của bản

Thứ bảy, ngày 07/04/2012 18:29 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bao năm nay, Đội xây dựng cơ sở số 5 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La) không chỉ giúp bà con xã Mường Cai (huyện Sông Mã) trong sản xuất mà còn giúp họ có cách sống tốt hơn, tránh được tệ nạn xã hội, đoàn kết bảo vệ biên cương...
Bình luận 0

Về với vùng biên

Đội xây dựng cơ sở số 5 đóng quân ở xã Mường Cai, chỉ cách trung tâm huyện Sông Mã (Sơn La) hơn 30km. Nhưng để đến được với đơn vị, chúng tôi mất đứt 2 tiếng đồng hồ đánh vật với những dốc cao, suối ngầm đầy đá hộc, ổ gà trên chiếc xe máy GL 125cc cứ gầm lên như máy cày bởi liên tục phải bò số 1.

img
Cán bộ Đội xây dựng cơ sở số 5 (Mường Cai, Sông Mã, Sơn La) thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất với dân bản.

Vừa tới đỉnh dốc Phiêng Bủng, đã thấy một chàng sĩ quan trẻ giơ tay vẫy chào: "Em là Miên ở Đội 5, được thủ trưởng giao ra đây đón các anh". Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, Miên giải thích: “Chúng em ở đây đã quen rồi. Có người lạ đến là nhận ra ngay. Với lại cánh nhà báo đi đâu cũng lỉnh kỉnh đồ nghề nên dễ phân biệt…”.

Đội 5 ở ngay giữa bản Phiêng Bủng, trong căn nhà 3 gian mái lợp fibro ximăng "mượn lại của ông Bí thư Đảng uỷ xã vì ông ấy ra trung tâm xã ở với con cháu"- trung tá Hà Thế Bằng- Đội trưởng cho biết.

Cũng theo anh Bằng thì huyện Sông Mã có nhiều đội xây dựng cơ sở nhưng chỉ có Đội 5 là chưa có nhà ở bởi địa bàn hoạt động của đội quá lớn, trải ra trên nhiều xã mà đội thì cứ liên tục phải thay đổi chỗ ở, bám bản, bám dân nên chưa kịp đầu tư. Tuy là ở tạm nhưng bước chân vào nhà đã bắt gặp sự gọn gàng, sạch sẽ của thói quen "nội vụ hàng ngày".

Trên nền sân láng xi măng ngay chái nhà, một đống ngô to được che chắn bởi tấm bạt dứa. Mấy chú lợn con chỉ nhỉnh hơn bắp chân đang tranh thủ ủi mõm cắp ngô, thấy có người vội co chân vọt thẳng ra vườn.

Trung tá Trần Văn Thanh - Đội phó Đội 5, bảo: Ngô, lợn đều là của đội tăng gia được đấy. Đi xây dựng cơ sở ở vùng khó khăn thì bộ đội phải là lực lượng tiên phong thoát được nghèo khó. Bởi thế, ở đâu chúng tôi cũng xin thầu đất trồng ngô, lúa, chăn nuôi gà, lợn, làm vườn rau xanh. Vụ ngô vừa qua đội thu được tới hơn 20 tấn ngô, vài tạ gà, hơn 30 đầu lợn… Mình làm không chỉ để tăng thu nhập mà cái chính là làm cho dân hiểu, dân tin, từ đó họ mới làm theo.

Trước khi bước vào bữa cơm tối, anh Bằng chỉ lên dãy mờ mờ mây phủ phía đầu nhà, bảo: "Trên ấy là bản Háng Lìa, Pá Vệ của đồng bào Mông, bên kia dãy núi là nước bạn Lào. Nhìn thì gần nhưng đến được với bản cũng mất cả buổi hành quân bộ đấy. Cứ nghỉ ngơi cho khoẻ, mai ta lên thăm bản, có nhiều cái mới lắm".

Dấu ấn trong lòng dân

Pá Vệ là bản của 21 hộ người Mông, nằm chon von trên dãy núi cao nên dù đã cuối xuân, nắng ấm nhưng tôi vẫn phải buông ống tay áo, cài cúc ngực cho "đỡ mát". Ông Giàng Chứ Sồng - Trưởng bản đang lúi húi xếp những bao hạt giống ngô vào mấy cái lù cở to.

Thấy khách, ông reo lên vui vẻ: "Cán bộ Đội 5 lên với bản à? May là mình chưa đi nương. Trưa nay ăn cơm ở nhà mình nhé! Mình cũng đang muốn gặp bộ đội để hỏi thêm mấy việc đây. Có vài con lợn trong bản bị ốm, mình chưa biết phải tiêm thuốc gì? Vụ ngô này bà con muốn hỏi có thể trồng giống ngô khác so với vụ trước không? Nếu cứ nắng gắt thế này, tra ngô có nảy mầm không nhỉ?...".

Thấy anh Bằng trả lời rành rọt từng câu hỏi của ông Sồng, tôi quay sang tìm lời giải thích từ Đội phó Trần Văn Thanh, anh bảo: “Bước chân vào đội xây dựng cơ sở, dù đóng ở địa bàn nào chúng tôi cũng phải tự tìm học những kiến thức, kinh nghiệm, nhất là trên lĩnh vực khuyến nông, khuyến lâm.

Chính việc tăng gia cải thiện đời sống hàng ngày tại đơn vị cũng đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều trong việc vận dụng kiến thức đã học được và thử nghiệm những cái mới. Nhờ thế, hầu hết những thắc mắc của dân trong sản xuất chúng tôi đều giải đáp được. Thấy bộ đội nói thật, làm thật nên dân rất tin. Nhà báo cứ hỏi dân bản, sẽ rõ cả thôi”.

Gãi gãi mái đầu đã lốm đốm bạc, ông Sồng gật gù: Không chỉ giúp dân trong sản xuất đâu, đội xây dựng còn giúp dân có cách sống tốt hơn, tránh được tệ nạn xã hội, tránh vi phạm pháp luật, đoàn kết bảo vệ biên cương. Ngày trước, đất này chỉ có đói nghèo, chuyên trồng cây thuốc phiện với những hủ tục lạc hậu.

Từ ngày bộ đội về, không ai tái trồng cây thuốc phiện; người nghiện hút cũng không còn. Cái ma không để lâu trong nhà, cỗ cưới không còn giết cả chục con bò, lợn nữa. Trẻ đến tuổi được đi học chữ, người ốm không còn cúng ma. Những nương thuốc phiện xưa giờ là nương lúa, nương ngô và cây rừng đấy. Bản giờ chỉ còn mấy hộ nghèo, chắc sẽ thoát nghèo trong vài năm tới. Bình quân mỗi hộ đã có gần 4 con trâu, bò rồi. Con dê, con lợn, con gà cũng có nhiều hơn nhờ biết cách tiêm phòng dịch bệnh. Người dân Mường Cai biết ơn Bộ đội Cụ Hồ lắm đấy…

Đến với UBND xã Mường Cai, anh Sùng A Vừ- Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Sự có mặt của Đội xây dựng cơ sở số 5 tại địa bàn là rất quan trọng, các anh đã giúp xã và nhân dân rất nhiều. Đội thường xuyên đề xuất, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về các lĩnh vực công tác, nhất là công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Chủ động tham mưu giúp xã xây dựng kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ trụ sở, bảo vệ an ninh trật tự trong các dịp lễ, tết, ngày trọng đại của đất nước.

“Nhà mình đã có 8 con bò rồi đấy. Mình cũng phải phấn đấu để làm giàu thôi. Trên bản Háng Lìa có ông Sồng Pả Động đã có tới 30 con trâu, bò, và mỗi năm thu tới 50 tấn ngô, thóc đấy”.

Ngoài ra, đội còn tích cực tham mưu cho xã củng cố, kiện toàn Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã, phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, chiến sĩ tuyển chọn và vận động thanh niên nhập ngũ, đảm bảo chỉ tiêu được giao. Riêng trong năm 2011, đội đã tham mưu cho xã và phối hợp với các đoàn thể của xã thành lập được 1 chi bộ bản và kết nạp được 10 quần chúng ưu tú vào Đảng, trong đó có 4 quần chúng ưu tú là dân quân tự vệ…

Trên đường rời khỏi Mường Cai, chúng tôi bắt gặp lão nông Hoàng Văn Sang ở bản Nà Kham trong xã đang cùng con, cháu vận chuyển hơn 1 tấn phân bón NPK từ nhà lên nương. Ông Sang tâm sự: Trước đây cũng đất này, ruộng này nhưng làm mãi vẫn nghèo vì năng suất thấp lắm. Nay bộ đội bảo cách làm cho thu nhiều lúa, nhiều ngô hơn; nuôi gia súc, gia cầm có lãi nên chúng tôi đỡ khổ nhiều rồi.

Bây giờ dân Nà Kham trồng cây là có bón phân; nuôi con lợn, con gà là cho ăn, tiêm phòng chống dịch nên chẳng lo đói cơm, thiếu áo nữa đâu. Thiếu vốn thì Nhà nước cho vay, Hội Nông dân giúp đỡ; còn thiếu kinh nghiệm làm ăn, chưa hiểu biết cái hay, cái mới của văn hoá, xã hội thì cứ tìm bộ đội mà hỏi. Bộ đội vẫn đến với dân thường xuyên như đứa con của bản thôi mà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem