Chỉ có ở hòn đảo Lý Sơn này mới có một phong tục kỳ lạ như vậy...
Ông Toại năm nay đã 73 tuổi, có khuôn mặt khá hiền lành, rất khác với những gì mà tôi hình dung về một ông thầy pháp. Nhưng khi nghe ông kể về công việc nặn hình nhân thì toàn bộ con người ông toát lên một vẻ bí ẩn.
|
Cha con ông Toại làm thuyền giấy “tặng” Thuyền trưởng Võ Minh Tân. |
Cha truyền con nối
Có lẽ hơn 50 năm làm công việc chẳng đặng đừng này, lại hay “nối mạng” với người cõi âm qua các bài văn tế mỗi khi hành lễ, ông Toại có lúc như “thoát xác”, nhất là những khi ông đề cập đến những binh phu hy sinh mất xác ngoài Hoàng Sa mà cụ kỵ dòng họ nhà ông đã từng nặn hình nhân cho họ.
“Cái chết, hay sự hy sinh đều đồng nghĩa với mất mát. Nhưng chết mà mất cả xác thì không một nỗi đau nào lớn hơn dành cho người ở lại. Tôi muốn góp một chút công sức của mình để xoa dịu nỗi đau ấy cho người thân của những ai xấu số” - ông Toại thổ lộ.
Đến ông Toại là đời thứ 8 của dòng họ Võ ở đảo Lý Sơn làm công việc nặn hình nhân này. Họ Võ là một trong 7 tộc họ lớn của đảo Lý Sơn. Võ Văn Khiết từng làm cai đội, dẫn quân ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền cách nay hơn 200 năm.
Dòng họ Võ ở thôn Đông này làm hai nghề chính là trồng hành tỏi và đi biển. Thế nhưng, “nhánh” Võ nhà ông Toại lại rẽ sang một “nghề” ít ai chọn - nghề nặn hình nhân. Ngay cả 6 người con của ông Toại thì chỉ có một người theo nghiệp cha - anh Võ Nhành, 41 tuổi.
“Không ai chọn nghề này đâu, song đó như là số phận mà cả hòn đảo này đã phó thác cho mình” - anh Nhành lý giải vì sao anh lại nối nghiệp cha. Có thể đó như là số phận đã chọn lựa dòng họ Võ của ông Toại. Là bởi, khi nào còn những binh phu hôm qua và những ngư phủ hôm nay của đảo Lý Sơn dong buồm ra Hoàng Sa là còn có những người ngã xuống trong lòng biển và việc nặn hình nhân để thay cho thân xác họ sẽ vẫn mãi trường tồn.
Cây thiêng, đất thiêng
Công việc nặn hình nhân không quá nặng nhọc như nghề trồng hành tỏi hay đi biển, nhưng rất kỳ công và tỉ mẩn. Ngày trước, Đội Hùng binh ra Hoàng Sa là đồng nghĩa với những mất mát, hy sinh. Hành trang mà người lính thuở ấy mang theo, ngoài lương thảo cho 6 tháng ăn, mỗi người còn mang một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây và một tấm thẻ có ghi tên họ, bản quán để khi hy sinh, đồng đội sẽ bó xác lại và thả xuống biển với hy vọng người trong đất liền sẽ vớt được xác và biết được lai lịch. Tuy nhiên, không một người lính nào hy sinh ngoài Hoàng Sa có thể tìm được xác. Vì vậy, việc nặn hình nhân “thế mạng” cho họ là chuyện đương nhiên.
Sau 3 tháng người đi biển bặt vô âm tín, người nhà bắt đầu lập bàn thờ. Việc đầu tiên là đến nhờ thầy Toại (thời lính Hoàng Sa thì nhờ cụ kỵ nhà ông) nặn hình nhân. Đất sét được lấy trên miệng núi Giếng Tiền - 1 trong 5 miệng núi lửa của Lý Sơn, trộn với bông gòn và giã thật nhuyễn.
Ông Toại lý giải: “Nó là miệng của núi lửa, được coi như đất thiêng. Mà phải chọn đúng nơi nào cỏ không mọc được thì mới lấy”. Bông gòn có tác dụng làm chất kết dính đất sét, để hình nhân không bị nứt ra. Xương cốt của hình nhân được làm bằng thân cây dâu. Vì vậy mới có chuyện lạ là dân Lý Sơn không nuôi tằm dệt vải mà cây dâu vẫn tồn tại trên đảo như một lẽ đương nhiên. Đó cũng là một loại cây thiêng luôn song hành với những thăng trầm cùng người dân trên đảo suốt mấy trăm năm qua.
Gọi hồn về
Suốt mấy trăm năm khai phá đảo Lý Sơn cùng những chuyến hải hành ra Hoàng Sa của Đội Hùng binh để bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, đã có biết bao người con của đất đảo Lý Sơn phải nằm lại giữa lòng đại dương. Họ lưu dấu với hậu thế bằng những hình nhân trong lòng những ngôi mộ gió. Còn xác của họ đã hóa thân thành những cột mốc giữa trùng khơi.
Tôi ra Lý Sơn đúng vào lúc cha con ông Toại đang làm chiếc thuyền bằng giấy để “tặng” cho Thuyền trưởng Võ Minh Tân. Anh Tân cùng 5 ngư phủ khác của đảo mất tích khi hành nghề hái rau chân vịt ngoài Hoàng Sa hồi cuối năm rồi. Chiếc thuyền bằng giấy ấy có nhiệm vụ “chở” cả 6 linh hồn trên tàu anh Võ Minh Tân cùng trở về.
Sau khi nặn xong hình nhân cho Thuyền trưởng Võ Minh Tân, “truyền nhân” đời thứ 9 của dòng họ Võ là anh Võ Nhành bắt đầu các thủ tục của lễ gọi hồn.
Ba mẹ con chị Việt - vợ Thuyền trưởng Tân, đầu trắng khăn tang, nghiêm cẩn nghe thầy pháp gọi hồn chồng, cha mình. Cả một thủ tục nhiêu khê chẳng kém nhập khẩu trên dương gian thời bao cấp.
Giọng đọc bài tế gọi hồn của anh Nhành quyện với tiếng sóng biển ì ầm, càng nghe càng não ruột. Rồi hồn cũng về và nhập vào hình nhân. Hình nhân được bỏ vào áo quan rồi mang ra nghĩa trang của làng để chôn cất. Thêm một ngôi mộ gió mọc lên giữa đảo.
Tôi đã đọc trong đôi mắt của người đàn bà vừa mới mất chồng đang ánh lên một niềm tin, rằng hình nhân vô tri kia chính là xác của chồng mình. Có lẽ đó là điều an ủi nhất đối với cha con ông Toại.
Hà Nhiên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.