Hai "nút thắt" lớn doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt

Thái Nguyễn Thứ sáu, ngày 17/02/2023 11:02 AM (GMT+7)
Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản đối diện hàng loạt khó khăn, với hai “nút thắt” lớn nhất liên quan đến pháp lý và nguồn vốn.
Bình luận 0

Những khó khăn lớn doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do: Khó tiếp cận được các nguồn vốn (tín dụng, trái phiếu,...); lãi suất, tỉ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; không bán được sản phẩm;... dẫn đến nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (cá biệt có doanh nghiệp bất động sản giảm đến 50% lực lượng lao động).

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới;... Khó khăn của thị trường bất động sản kéo theo khó khăn của nhà thầu, cung ứng vật liệu và nhiều ngành nghề khác ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Doanh nghiệp bất động sản đối mặt 2 khó khăn lớn về pháp lý và nguồn vốn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Bộ Xây dựng, có 4 nhóm nguyên nhân điển hình bao gồm vướng mắc về thể chế, quy định pháp luật; nguồn vốn; tổ chức thực thi pháp luật của các địa phương và sự lan truyền các thông tin tiêu cực.

Do đó, Bộ Xây dựng kiến nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Chứng khoán...

Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, nghị định quy định trình tự, thủ tục triển khai các dự án và trình Chính phủ xem xét thông qua các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong đó tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục giao đất, phát triển quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư, quyền lợi của chủ đầu tư, xác định giá bán, giá cho thuê, cũng như đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản là pháp lý và nguồn vốn

Trong bài tham luận gửi tới hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, có thể nói 2022 là năm "khó khăn khắc nghiệt nhất" và năm 2023 là năm "quyết định sống còn" đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Đáng chú ý, trong tổng số 1.571 ngành kinh tế thì bất động sản là một trong 21 ngành kinh tế cấp 1, quan trọng nhất của nền kinh tế nước ta. Do vậy, thị trường bất động sản gặp khó khăn thì tác động bất lợi dây chuyền lan sang nhiều lĩnh vực kinh tế và cả vấn đề an sinh xã hội cho người yếu thế trong xã hội.

Đặc biệt, 2 khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay, về vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản. Tiếp đó, là khó khăn về nguồn vốn, trước hết là vốn tín dụng ngân hàng, kế đến là vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn từ thị trường chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng.

Doanh nghiệp bất động sản đối mặt 2 khó khăn lớn về pháp lý và nguồn vốn - Ảnh 2.

Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với 2 khó khăn lớn nhất về pháp lý và nguồn vốn.

Do đó, HoREA kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép "nới tiêu chí" nhưng không phải là "hạ chuẩn tín dụng" để doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn, giữ nguyên nhóm nợ, được "khoanh nợ xấu" đối với một số khoản nợ "nhóm 2, nhóm 3" để có thể được vay vốn tín dụng mới đối với dự án bất động sản có đầy đủ pháp lý, có tài sản bảo đảm, có tính khả thi, được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng trả lãi, trả nợ gốc.

Bên cạnh đó, kiến nghị Tổ công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương khẩn trương xem xét giải quyết các dự án có nguồn gốc "đất công", "đất do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước" hoặc dự án thuộc diện rà soát pháp lý, phải thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Cũng tại hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes phản ánh, thị trường bất động sản hiện nay có những vướng mắc nổi cộm về thủ tục pháp lý, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được… Trong khi đó, bất động sản là lĩnh vực quan trọng liên quan đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của người lao động, đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước…

Hiện nhu cầu sở hữu nhà của người dân còn rất lớn và tương lai còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Tuy vậy, nguồn cung lại quá thấp, chưa đáp ứng được thị trường. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp bất động sản lại có hạn.

"Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có những giải pháp kịp thời thì nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung trên thị trường đã thiếu lại còn thiếu hơn. Chính phủ, các Bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chung tay, giúp sức nhằm hồi phục thị trường bất động sản, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, nhà nước, doanh nghiệp bất động sản", ông Phạm Thiếu Hoa chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem