Những loại rau trước đây rẻ bèo, cho không ai ăn, nay “lên đời” OCOP, bán giá cao

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 16/10/2022 18:46 PM (GMT+7)
Từ những sản phẩm nông nghiệp dân dã, rau má Củ Chi, bưởi da xanh Bình Chánh, khô cá dứa, dừa nước Cần Giờ… đã trở thành sản phẩm OCOP cho giá trị cao.
Bình luận 0

"Lên đời" nông sản dân dã

Cùng với xoài cát, khô cá dứa, tôm thẻ, tôm sú, tôm khô, tổ yến…, mật dừa nước nguyên chất và mật dừa nước cô đặc của Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (Vietnipa) là hai trong số nhiều sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Cần Giờ nổi lên gần đây.

Dừa nước là loài cây dân dã, mọc ven kênh rạch và rất phổ biến tại Cần Giờ, vốn chỉ lấy lá để lợp nhà, cơm dừa dùng để ăn chơi. Thấy tài nguyên có sẵn nhưng giá trị kinh tế thấp, anh Phan Minh Tiến (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) đã học hỏi kinh nghiệm nhiều nước khu vực Đông Nam Á, tìm ra cách thu mật từ cây dừa nước. Bằng cách "mát-xa" cuống của buồng dừa là có thể thu được mật. 

Từ mật dừa nước nguyên chất, anh Tiến ứng dụng công nghệ để tiếp tục nâng cao giá trị bằng cách làm mật dừa nước cô đặc. Mỗi chai mật dừa nước cô đặc 250ml đang được bán trên thị trường giá 120.000 đồng, giá trị cao hơn rất nhiều so với chỉ dùng làm nước giải khát hoặc ăn chơi.

Nông sản dân dã “lên đời” OCOP giá trị cao - Ảnh 1.

Mỗi chai mật dừa nước cô đặc 250ml OCOP 4 sao có giá 120.000 đồng. Ảnh: Hồng Phúc

Đại diện các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp cho rằng, chương trình OCOP sẽ "chắp cánh" cho sản phẩm phát triển từ vùng nguyên liệu tại TP.HCM tiếp tục được người tiêu dùng tin cậy, mở rộng thị trường .

"Mật dừa nước có vị ngọt thanh mát, pha chút vị mặn tự nhiên của vùng duyên hải Cần Giờ. Mật dừa nước tươi bổ sung khoáng chất hiệu quả và làm thức uống điện giải rất tốt. Mật dừa cô đặc thì có thể thay thế đường để nấu ăn, giải khát và đặc biệt hoàn toàn từ thiên nhiên, phù hợp với người ăn kiêng" - anh Tiến nói.

Trong khi đó, trăn trở với việc nâng cao giá trị cho cây rau quê hương mình, chị Nguyễn Ngọc Hương (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) đã làm sản phẩm bột rau má sấy lạnh. Thấy được nhu cầu của thị trường, chị tiếp tục phát triển bột tía tô, bột diếp cá, bột lá sen và bột chùm ngây.

Các loại bột rau sấy lạnh mang thương hiệu Quảng Thanh của chị Hương cũng đã được công nhận OCOP 4 sao tại TP.HCM. Chị Hương cho biết cây rau bị cho là giá rẻ, đầu ra bấp bênh nhưng hiện mỗi hộp rau đóng gói tiện lợi có giá gần 100.000 đồng và được tiêu thụ tốt, xuất khẩu sang nhiều thị trường.

Tìm sản phẩm OCOP mới

TP.HCM hiện có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (6 sản phẩm 3 sao, 21 sản phẩm đạt 4 sao) và 1 sản phẩm đang đề xuất xếp hạng 5 sao cấp quốc gia. Trên quầy kệ nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm hiện nay đều có sự xuất hiện của mật dừa nước Cần Giờ, bột rau má sấy lạnh Quảng Thanh và nhiều sản phẩm OCOP khác của TP.HCM như mật ong rừng, hà thủ ô thương hiệu Cao Xuân Nguyên, cải ngọt, rau muống của HTX Phước An...

Chương trình OCOP được triển khai tại TP.HCM từ 2019. Các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp hầu hết đều phát triển các sản phẩm đã lâu và quyết định đăng ký công nhận OCOP. Theo họ, chương trình sẽ giúp sản phẩm phát triển từ vùng nguyên liệu tại TP.HCM tiếp tục được người tiêu dùng tin cậy, mở rộng thị trường...

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNN TP.HCM, cho biết thành phố đang tiếp tục tìm kiếm các sản phẩm OCOP. Đó là các sản phẩm có nguồn gốc địa phương, sản phẩm làng nghề nông thôn, dựa trên các thế mạnh về tự nhiên, nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa. Nhóm thứ hai là sản phẩm dịch vụ, gồm dịch vụ du lịch công cộng và điểm du lịch, dựa trên lợi thế tự nhiên, cảnh quan và văn hóa địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem