Những “lời ru buồn” ở Tây Giang

Thứ bảy, ngày 13/04/2013 06:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở huyện miền núi khó khăn Tây Giang (Quảng Nam) giờ trường sở đã khang trang hơn, giáo viên có trình độ và tâm huyết hơn, nhưng vẫn không giữ được học sinh tới lớp, bởi học sinh lớp 7, 8 đã lũ lượt bỏ học lấy chồng.
Bình luận 0

Vấn nạn này ngày càng nghiêm trọng, vì sao không thể ngăn chặn? NTNN xin giới thiệu bài viết của chính giáo viên trong huyện lý giải thực trạng và đề xuất giải pháp.

img
Mới học lớp 8, lớp 9, nhiều em gái ở Tây Giang (Quảng Nam) đã nghỉ học để làm mẹ.

Nhớ bạn, nhớ trường

Hầu như năm học nào các trường THCS trên địa bàn huyện cũng có học sinh bỏ học giữa chừng để lấy chồng, lấy vợ. Năm học vừa qua là các em Bling Thị Khiên ở Anông, Tarương Tròng ở Atép 2, Arất Thị Dơi ở Avương đều đang học lớp 8 thì bỏ học lấy chồng. Hay năm học 2008-2009 là các em Bling Thị Acung, Alăng Đăng, Bnướch Thị Dinh ở Atép 2...

Đến thôn Atép 2, thấy cảnh em Bling Thị Bốn một tay bồng con, một tay giở quyển sách Ngữ văn 9 để đọc mà thấy thương. Em nghỉ học để lấy chồng khi đang học lớp 9. Giờ ở nhà nhớ bạn, nhớ trường nên lấy sách ra đọc cho đỡ nhớ.

Đáng thương hơn, em Bling Thị Khiên ở Anông đang học lớp 8 thì làm đám cưới với Tarương Tròng học lớp 9. Hai em tiếp tục đi học được vài tuần thì Khiên có thai, phải nghỉ học, còn Tròng bị tai nạn nằm một chỗ cả tháng trời...

Những đứa trẻ sinh ra từ những ông bố, bà mẹ trẻ con này hầu hết đều có sức khỏe không tốt, nhiều bé bị suy dinh dưỡng bởi sinh ra khi bố mẹ chưa đến tuổi trưởng thành, cộng với nghèo đói bao đời.

Hủ tục đè nặng

Hầu hết các em học chưa đến nơi đến chốn nên không có nghề nghiệp ổn định, tất cả đều phụ thuộc vào nương rẫy, sống phụ thuộc vào bố mẹ, bây giờ lại phải làm chủ gia đình nên trông các em đều già trước tuổi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em kết hôn sớm. Thứ nhất là do phong tục kết hôn sớm của đồng bào Cơ Tu từ xưa đến nay. Nhiều bậc phụ huynh bắt con cái phải lấy chồng, lấy vợ sớm để có người lao động, hoặc họ sợ con họ sẽ “ế”.

Như trường hợp của em Bling Thị Khiên ở Anông, khi hỏi bố mẹ chồng Khiên thì họ nói là nhà gái bắt ép cưới vì sợ con gái nhiều tuổi sẽ không ai bắt làm vợ. Thứ hai là do các em dậy thì sớm, cơ thể phát triển, lại không có kiến thức về giới tính nên gây ra các hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó còn do các cấp lãnh đạo thôn, xã còn vị nể, không có sự can thiệp kịp thời... Từ những thực tế đó, trước hết cần có sự phối hợp của các cơ quan ban ngành để tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe giới tính, sinh sản cho các bậc phụ huynh, để họ hiểu rằng cho con kết hôn sớm là ảnh hưởng tới sức khỏe và tương lai con cháu họ, để dần dần bỏ đi hủ tục tảo hôn ở đồng bào.

Ở nhà trường thì học sinh cần được giáo dục về kỹ năng sống, các kiến thức về tình bạn, tình yêu, về sinh sản để các em không mắc phải các sai lầm để phải nghỉ học giữa chừng. Đồng thời cần có biện pháp chế tài từ các cơ quan quản lý để xử phạt các trường hợp kết hôn không đúng độ tuổi, để bà con thực hiện nghiêm túc...

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc, Tây Giang, Quảng Nam.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem