Những mạch ngầm của đất

Thứ sáu, ngày 22/06/2012 05:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thế hệ công nhân đi mở đất của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông Gia Lai đã được bù đắp một cuộc sống hơn cả điều mong ước.
Bình luận 0

Và niềm tin của họ, sự hy sinh của họ một thời gian khổ vẫn như mạch ngầm cuộc sống để thế hệ công nhân hôm nay tiếp bước...

Cơn mưa đầu mùa ào qua như một làn gió thoảng. Những lá non như được rắc một lớp bụi vàng dưới làn nắng quái. Miên man hồ tiêu. Những thửa hồ tiêu lô nhô bám lưng dốc, đuổi nhau đến tít bức tường cao su, hòa vào nhau trong một gam xanh bất tận. Đó là Đội 5 Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông…

Giấc mơ có thật

Ngôi nhà 2 tầng của vợ chồng Nguyễn Anh Tuấn - Nguyễn Thị Thoa nép mình giữa bốn “bức tường” cao su, hồ tiêu đang thời xanh sung mãn ấy… "Đương kim" Chủ tịch Công đoàn công ty lại là người thân với gia đình nhưng ông Lương Văn Quý cũng phải 2 lần gọi điện thì chị Thoa mới bỏ dở công việc về tiếp nhà báo. Không đôi hồi, câu chuyện đi thẳng vào chuyện làm ăn.

Tài sản gia đình: Hơn 20ha cao su, 3.000 trụ tiêu, 1ha cà phê. Năm 2011 thu hơn 1 tỷ đồng. Nhà tầng, ô tô du lịch đời mới. Tổng tài sản trị giá ngót nghét 15 tỷ đồng. 3 đứa con, 2 đứa đã học xong, có việc làm ổn định; cô út đang chuẩn bị ôn thi đại học. Năm ngoái đóng góp cho thôn 100 triệu đồng để làm đường. Hiện đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 9 lao động với lương tháng 3 triệu đồng/người… Ngỡ có một phép màu nào đó đến với đôi vợ chồng vốn rất nghèo này…

Năm 1985, từ quê hương Hà Nam, 2 người khăn gói vào Chư Prông. Nghe mơ hồ rằng "Tây Nguyên đất rộng người thưa" thì đánh liều đi chứ vốn liếng không, họ hàng thân thích cũng không. Tá túc nhờ khu tập thể của Đội 5 suốt 1 năm, rồi được nhận vào làm công nhân. Lúc đó, Đội 5 mới thành lập, mà tít xó rừng này, chỉ mỗi chuyện đi xay gạo ăn cũng đã là một cực hình…

Chật vật đến ngót 7-8 năm, năm 1993, trong thế đi lên, công ty chủ trương giúp các hộ công nhân phát triển cao su tiểu điền. Thời cơ không gì hơn thế, vợ chồng chị Thoa nhận luôn 15ha. Cũng lắm khó khăn, trầy trật, phải đắp đổi, vay mượn bên này bên kia, nhưng chí đã quyết rồi khó khăn cũng phải lùi bước…

Người xưa nói "có gan làm giàu" nhưng cái "gan'' ấy cũng phải có thời. Và "thời" ở đây là chủ trương đúng đắn của công ty. Chẳng riêng gì gia đình chị Thoa, Đội 5 có hơn 100 công nhân, phần lớn gốc Ý Yên, Nam Định. Từ xứ đất chật, người đông, vào đất mới với 2 bàn tay trắng, bây giờ tất thảy đều có đời sống khá. Lớp công nhân từ những năm 1985 trở về trước, ai cũng có vườn cao su, hồ tiêu. Xưa nói "nhà lầu, xe hơi" nghe cứ như một giấc mơ xa vời thì nay với không ít công nhân bây giờ, nó là thứ hoàn toàn trong tầm tay.

Niềm tin cuộc sống

… Năm 1976 khi tiến quân vào đất mới, Nông trường Cao su Chư Prông là một đoàn quân hùng hậu với 3.500 con người và hầu hết là thanh niên. Vậy mà đến năm 1981, người ta bỏ về chỉ còn 800 người… "Vào cái thời mà người ta đua nhau về, thậm chí "phá cho nó nát luôn rồi về" ấy, thực tình tôi cũng nao núng. Nao núng nhưng vẫn tin tưởng. Và chính niềm tin ấy đã giúp vợ chồng tôi đứng vững rồi dựng nên cơ đồ như hôm nay" - chị Thoa tâm sự.

Câu nói này khiến tôi liên tưởng đến số người trụ lại. Cuộc sống của họ bây giờ ra sao? Phải chăng gia đình chị Thoa chỉ là đôi điển hình hiếm hoi để "tuyên truyền"? Ông Lương Văn Quý bảo: Số "cựu trào" bây giờ đang công tác chỉ còn vỏn vẹn 6 người thì 5 người đang là cán bộ chủ chốt của công ty. Tuy nhiên, tôi đảm bảo trong số 717 người hiện còn ở đây không ai phải sống khổ.

Ngoài lương hưu, họ còn có kinh tế vườn, con cái được công ty ưu tiên bố trí việc làm. Số người có tài sản tiền tỷ như vợ chồng Tuấn - Thoa không hiếm. Chẳng hạn như gia đình Dương Xuân Nghiêm - Phạm Thị Na ở Đội 10. Với 10ha cao su, 3ha cà phê, hàng năm họ thu nhập trên 1 tỷ đồng. 3 đứa con thì 2 đang là công nhân công ty, 1 công tác tại TP.Hồ Chí Minh. Cuộc sống như thế tưởng chẳng còn gì phải mơ ước…

Ở Công ty Cao su Chư Prông, tôi có một gia đình đầy ân nghĩa - đó là ông bà Đào. Hồi những năm 1990, so trong đội không biết gia đình ông bà đã nghèo nhất chưa, nhưng với tôi thì họ nghèo lắm. Một căn nhà tranh đứng cheo leo bên sườn dốc trông xuống khúc suối cỏ lau rậm rịt. 5 đứa con, mà ông thì đau yếu, gánh nặng gia đình dồn hết lên vai bà…

Dễ đã gần 20 năm, tôi thấy dịp này cũng phải đến thăm ông bà… Phải định hình một lúc mới nhận ra ngõ cũ năm nào. Căn nhà ngói khang trang tọa lạc giữa khu vườn cà phê, hồ tiêu chi chít quả. Phương tiện sinh hoạt trong nhà chẳng thiếu thứ gì. Nhắc chuyện cũ, bà Đào cứ rưng rưng "Bây giờ thì hết khổ rồi chú ơi". Ba cô con gái đều đã trở thành công nhân công ty.

Mừng nhất là 2 con trai đều trưởng thành. Hiểu là Đội trưởng đội sản xuất, Hùng là đội phó. Mừng cho bà và chạnh nghĩ đến ông, đã không còn sống để hưởng niềm vui này… Cuộc viếng thăm đã cho tôi một chứng thực điều ông Quý nói. Lại ngẫm đến một chân lý giản dị rằng - nếu cuộc sống được nuôi bằng niềm tin thì hạnh phúc chỉ là điều sớm, muộn…

Hơn 700 con người ấy, họ đã trụ vững bằng niềm tin qua một thời gian khổ. Và bây giờ họ đã được quyền gặt hạnh phúc. Với công ty, họ là thế hệ "khai sơn phá thạch", là nền móng của cơ đồ hôm nay cần được tri ân... Với tôi, họ là những mạch ngầm của đất. Những mạch ngầm đã hóa giải đất dữ nên lành để cuộc sống hôm nay cắm rễ trên những mạch ngầm ấy…

Hơn 700 con người ấy, họ đã trụ vững bằng niềm tin qua một thời gian khổ. Và bây giờ họ đã được quyền gặt hạnh phúc. Với công ty, họ là thế hệ "khai sơn phá thạch", là nền móng của cơ đồ hôm nay cần được tri ân...

Trong danh sách 3 gia đình công nhân viên chức - lao động tiêu biểu của công ty được đi dự Hội nghị biểu dương toàn ngành cao su năm 2012 thì công nhân dân tộc Jrai đã chiếm 2. Ông Lương Văn Quý nói rằng đây là kết quả được bình bầu một cách khắt khe, nghiêm túc chứ chẳng vì một sự ưu tiên nào… Năm 1988 khi được tuyển vào công nhân, vợ chồng Rơ Mah Phiêu - Rơ Ma Kép còn gần như mù chữ. Một căn nhà tranh tả tơi gió và cái đói đeo đẳng là "tài sản" có thể kể được của đôi vợ chồng này…

Bây giờ thì Kép đã có trình độ lớp 6. Ánh sáng văn hóa đã đưa họ vượt lên những nghĩ suy cố hữu. Hai vợ chồng luôn đạt tay nghề khá giỏi, sản lượng mủ luôn vượt chỉ tiêu, 3 năm liền là lao động tiên tiến. Với mức lương bình quân 8 triệu đồng/tháng, kinh tế phụ đạt 30 triệu đồng, mỗi năm đôi vợ chồng này đã có thu nhập ngót 230 triệu đồng…

Hành trang vào công nhân không khác mấy vợ chồng Rơ Mah Phiêu là Kpah Hép - Siu Rép: Cũng mù chữ, cũng nghèo đến kiệt cùng. Vậy mà bây giờ bên cạnh thành tích và thu nhập hàng tháng ngang bằng vợ chồng Phiêu - Kép, họ còn nhỉnh hơn về khả năng làm kinh tế phụ: Có 500 cây cà phê, 2ha cao su, thu nhập mỗi năm hơn 240 triệu đồng…

Cuộc sống rộng lớn nhưng đôi khi cũng nhỏ bé hơn là ta vẫn tưởng - ấy là khi bất chợt gặp lại cái hữu hình mà ta vẫn tưởng vô hình trong cuộc sống của ta. Điều này có lẽ thế hệ công nhân đến sau của công ty như Rơ Mah Phiêu, Kpah Hép là người cảm nhận hơn ai hết…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem