Trở lại làm người
Đã gần 10 năm kể từ khi mang gương mặt hình hài “con người”, 3 người trong số 5 chị em bị “quỷ ám” đã dựng vợ, gả chồng. Một hạnh phúc tưởng chừng giản đơn với bất kỳ ai, nhưng khi là những người bất hạnh mang gương mặt “quỷ”, cả 5 chị em đều không dám mơ tưởng tới.
Bác sĩ Bảo khám cho Lục Thị Hai sau khi mổ xong. Ảnh: D.L
Mùa xuân này, con trai của Lục Thị Hai đã gần 5 tuổi. Khi sinh, Hai đã gọi điện xuống cho bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo – Trưởng khoa Ngoại đầu cổ (Bệnh viện Bạch Mai) để nhờ bác sĩ đặt tên cho con mình. Chị Hai bảo, bố mẹ cho chị cuộc đời nhưng bác sĩ Bảo – ông Bảo đã “phù phép”, tái sinh ra chị lần nữa. Bác sĩ Bảo đã đặt tên con chị là Lý Thiên Ân, như một lời cảm tạ trời đất.
"Mùa xuân này, con trai của Lục Thị Hai đã gần 5 tuổi. Khi sinh, Hai đã gọi điện xuống cho bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo – Trưởng khoa Ngoại đầu cổ (Bệnh viện Bạch Mai) để nhờ bác sĩ đặt tên cho con mình. Chị Hai bảo, bố mẹ cho chị cuộc đời nhưng bác sĩ Bảo – ông Bảo đã “phù phép”, tái sinh ra chị lần nữa. Bác sĩ Bảo đã đặt tên con chị là Lý Thiên Ân, như một lời cảm tạ trời đất.
|
Bác sĩ Bảo kể lại, năm 2007, một người cha khắc khổ, gương mặt đau đớn đã dẫn 5 người con đến tìm ông. Người bố là Lục Văn Quân (người Sán Dìu, trú tại xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, Thái Nguyên). Cả năm đứa con (4 gái, 1 trai, tuổi từ 10 đến 20) đều bị u mặt, khiến mặt bị biến dạng toàn bộ.
Lục Thị Hai (SN 1979) có u to nhất, chiếm toàn bộ nửa mặt bên trái, mắt bị đẩy lên tận trán, lồi khỏi hốc mắt, to cỡ quả dưa hấu 4-5kg. Kỳ lạ là mắt lại không bị hỏng mà vẫn có thể chớp chớp và nhìn từ trên trán xuống.
Lục Thị Mói (SN 1978) thì bị u cả hai bên mặt, hai mắt cũng bị đẩy sang hai bên, híp lại. Muốn nhìn phải cúi đầu xuống. Lục Văn Cường (SN 1985). Em út Lục Thị Linh (SN 1996) có u nhỏ hơn nhưng nếu không can thiệp 3-4 năm nữa, u cũng sẽ chiếm toàn bộ mặt. “Chẩn đoán cho thấy cả 5 chị em đều bị ca loạn sản xơ sinh xương. Đây là ca u “gia đình” rất hiếm gặp, thậm chí trên thế giới cũng chỉ có 1 gia đình 3 anh em bị u xơ mặt như vậy” – TS Bảo cho biết.
Ông Quân chia sẻ, 5 đứa con ông sinh ra đều khoẻ mạnh, xinh đẹp nhưng đến lúc 6-7 tuổi bắt đầu xuất hiện các khối u nhỏ trên mặt, sau đó lớn dần. Dân làng trong xóm đã hắt hủi, xua đuổi các con ông, cho rằng các con ông bị quỷ ám, nếu sống trong xóm sẽ khiến dân làng gặp chuyện không may. Để con không bị xua đuổi, mắng chửi, vợ chồng ông đã phải làm lán ở trong rừng cho các con ở, sống kiếp “người rừng”. Ông cũng nhiều lần dẫn con đến các bệnh viện ở Hà Nội để tìm cách cứu chữa nhưng không nơi nào nhận. Vợ chồng ông tuyệt vọng nhìn khuôn mặt các con ngày càng biến dạng, ông lo sợ khối u lớn hơn có thể mắt con ông cũng sẽ bị “nổ”, mù loà.
Bác sĩ Bảo đang khám cho Lục Thị Hai trước khi mổ. Ảnh: D.L
Khi bác sĩ Bảo làm các chiếu chụp, kết luận có thể mổ được, ông Quân đã run rẩy bật khóc. Bác sĩ Bảo cho biết, tuy là u lành nhưng vì các u đã “ăn” tới các tổ chức xương nên rất dễ động chạm đến các động mạch, có thể gây chảy máu ồ ạt, nguy hiểm đến tính mạng.
10 năm trước, chưa có kỹ thuật chụp cắt lớp nên bác sĩ Bảo đã phải chỉ đạo chụp hàng chục phim CT 64 dãy, sau đó dựng hình cảnh các khối u, các mạch máu như một “kiến trúc sư” để lường trước mọi rủi ro nếu động dao kéo. Chuẩn bị kỹ càng, bác sĩ Bảo đã mổ cho bệnh nhân Hai đầu tiên – bệnh nhân có khối u to nhất. Vấn đề quan trọng là xương nửa mặt đã bị khối u “ăn” hết, nếu khoét u đi thì lấy gì đắp vào chỗ trống? Nếu không xử lý được về mặt thẩm mỹ thì mặt bệnh nhân Hai vẫn “quái dị” như cũ.
Cuối cùng, bác sĩ Bảo vẫn khoét u, giữ lại tổ chức da bên ngoài, sau đó lấy da ở cân cơ thái dương để đắp vào chỗ khuyết hở, tái tạo thành công khuôn mặt cho bệnh nhân Hai, thậm chí đưa mắt từ trán về vị trí bình thường, vẫn giữ được thị giác của cả 2 mắt, mũi môi cân đối. Để hoàn chỉnh, bệnh nhân Hai còn phải trải qua thêm 4 lần phẫu thuật nữa.
“Nín thở” phẫu thuật thành công ca đầu tiên, bác sĩ Bảo đã tự tin hơn để xử lý u cho 4 chị em khác của Hai. Sau 7 năm phẫu thuật, cả 5 chị em đều không bị tái phát u. “Vốn bị hắt hủi, đẩy ra ngoài cuộc sống, cả 5 chị em đã có thể về sống trong nhà với bố mẹ, có thể xin việc, đi làm, dựng vợ gả chồng – sống tiếp những mùa xuân hạnh phúc.
Đám cưới trong ngày phẫu thuật
Cùng vợ đón mùa xuân thứ 3 nhưng chú rể Hà Văn Thơm (26 tuổi, dân tộc Thái, Văn Chấn, Yên Bái) vẫn nhớ “đêm tân hôn” đầy cảm xúc vui buồn, lo lắng trong bệnh viện năm ấy.
Chị Hà Thị Hom (29 tuổi) cho biết, từ lúc 15-17 tuổi chị đã thường xuyên bị khó thở, kiệt sức, ốm yếu, suy nhược. Dù vẫn có nhiều trai làng đến dạm hỏi nhưng chị Hom cảm thấy mình không đủ sức gánh vác trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, Hom đành chôn chặt giấc mơ tình yêu, hạnh phúc trong lòng. Gia đình cô có 6 chị em gái, Hom là con thứ 3. Hai chị Hom và 1 cô em gái đã lấy chồng, con cái đông đúc. Hai em gái khác của Hom cũng đang học để thi đại học, tung tẩy với giấc mơ tuổi thanh xuân. Chỉ còn Hom loanh quanh ở nhà với bố mẹ, buồn tủi khôn xiết.
Đến tận năm 25 tuổi, Hom mới gặp Thơm – một cậu em vừa xuất ngũ. Hai người yêu nhau sau vài tháng làm quen. Sự chăm sóc tỉ mỉ, tình yêu chân thành đã lay động trái tim Hom, thổi bùng lên khát khao được sống yêu thương của cô. Hom kể, ngay khi nhận lời yêu nhau thì sức khỏe của cô lại suy sụp thêm. Cô nhiều lần phải đi viện, nhưng thay vì quay lưng, Thơm lúc nào cũng ở bên cạnh người yêu, chăm sóc chu đáo. Thơm làm thợ cơ khí tại xã, mỗi tháng kiếm được 2-3 triệu đồng, đều dùng để mua thuốc cho người yêu. Ngày tết, khi cô nhập viện, Thơm cũng bỏ hết hội hè, gia đình, tận tâm chăm hom trong bệnh viện.
Năm 2014, hai người quyết định làm đám cưới, định ngày tổ chức là 24.4. Nhưng trước ngày cưới vài hôm, Hom lên cơn đau ngực, không thở nổi. Hai vợ chồng đưa nhau lên Bệnh viện Bạch Mai khám thì được chẩn đoán: Hom bị khối u to bằng quả trứng vịt ở tim, nếu không mổ gấp thì Hom có nguy cơ tử vong. Bác sĩ khẩn cấp xếp lịch mổ nhưng vô tình lại rơi đúng vào ngày cưới.
“Khối u to, cần mổ gấp, nhưng anh Thơm lại nhất định xin hoãn mổ. Điều dưỡng gặng hỏi mãi mới biết, dù hai vợ chồng đi khám bệnh nhưng ở quê khách đã mời, cỗ đã đặt nên gia đình vẫn tổ chức đám cưới đúng ngày. Vì vậy, hai vợ chồng không muốn đối mặt với sống chết vào ngày đó, bố mẹ ở nhà cũng sợ hãi, mất vui” – bác sĩ Dương Đức Hùng (Đơn vị Phẫu thuật tim mạch khoa C8 –Viện Tim mạch Quốc gia) nhớ lại.
Biết được tin, các bác sĩ, điều dưỡng khoa C8 đã chuyển lịch mổ sang ngày hôm sau và khẩn trương mua bánh kẹo, hoa quả, tổ chức một lễ cưới nhỏ cho Thơm và Hom ngay tại bệnh viện. Khách mời đám cưới cũng chính bác y bác sĩ và bệnh nhân trong khoa. Ngày ấy, Thơm cho biết: “Cho dù chỉ có hai vợ chồng ở bệnh viện, nhưng em cảm thấy không lẻ loi, được yêu thương và chia sẻ. Đám cưới này có lẽ sẽ đặc biệt hơn cả đám cưới đông đủ họ hàng ở quê”.
“Đêm tân hôn”, Thơm đã ngồi bên giường bệnh của vợ, nắm chặt tay vợ và thủ thỉ những dự định mà anh muốn cùng vợ làm trong tương lai. Chính đám cưới giản dị, bất ngờ, ấm áp đã tiếp thêm cho vợ chồng Thơm niềm tin vào sự thành công của ca phẫu thuật.
Các bác sĩ đã giữ lời hứa, thực hiện ca phẫu thuật thành công. Hai vợ chồng ra viện sau 10 ngày phẫu thuật. Sức khoẻ của Hom đã bình phục. Sau hơn 10 năm hít thở một cách khó khăn, không thể chạy, không thể vui chơi thoải mái, giờ đây, Hom đã có thể sống một cuộc đời tràn đầy sức sống.
Sau 6 tháng, Hom có thai. Hiện nay, con trai của anh chị đã gần 3 tháng tuổi, khoẻ mạnh, bụ bẫm. Chia sẻ qua điện thoại, Thơm nghẹn ngào cho biết, vợ chồng anh mong muốn có một dịp nào đó quay trở lại bệnh viện để cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng khoa C8- những người đã giúp vợ anh có mùa xuân mới tràn đầy hạnh phúc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.