Sống trên cánh đồng
Sau ngày đất nước thống nhất vào năm 1975, điện ảnh VN có thêm chi nhánh phía Nam, đó là Xưởng phim Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh với những bộ phim ghi nhiều dấu ấn như “Pho tượng”, “Mùa gió chướng”, và đặc biệt là “Cánh đồng hoang” – bộ Phim đã đoạt Bông sen Vàng Việt Nam và Huy chương Vàng Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva 1981.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2012/images/2012-01-21/1436324235-tet_50_canh-dong-hoang.jpg) |
Cảnh trong phim “Cánh đồng hoang”. |
“Cánh đồng hoang” không kể một câu chuyện to lớn kỳ vĩ về chiến tranh, chỉ là một gia đình có 3 thành viên của anh du kích Ba Đô với người vợ trẻ xinh đẹp và đứa con trai mới gần tuổi thôi nôi. Cuộc sống của gia đình nhỏ ấy trong chiến tranh vừa khắc nghiệt lại vừa thi vị khiến người xem phải kinh ngạc và cảm động. Nó dai dẳng, mãnh liệt như thứ cây cỏ mọc lan ra trên những cánh đồng mùa nước nổi, khi thì họ phải cho con vào túi nylon, nhận chìm xuống nước để tránh máy bay Mỹ, khi thì đứa bé bị người mẹ lơ đễnh làm rớt tòm xuống sông, ống kính nhà quay phim Đường Tuấn Ba đặt ngang mép nước, giống như thể đang ghi lại những hình ảnh của một bộ phim tài liệu, chân thực đến độ bàng hoàng.
“Cánh đồng hoang” được kể bằng ngôn ngữ sắc bén trong nghệ thuật điện ảnh, đã được đạo diễn NSND Hồng Sến thể hiện một cách tài tình từ kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, được đánh giá là đạt tới sự chuẩn mực về tính hình ảnh, độ hàm súc. Tính cách nhân vật được tác giả ấn định một cách khá chủ quan, không cần tới sự minh họa dài dòng, và bối cảnh cho những nhân vật trong phim xuất hiện đượm chất thơ trữ tình với một chút màu sắc huyền thoại, đó là cánh đồng, vừa là chỗ chở che, vừa là nơi nương náu để chống lại những kẻ địch muốn cướp đi quyền sống của họ.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2012/images/2012-01-21/1436324235-tet_50_canh-dong-bat-tan.jpg) |
Cảnh quay trong phim “Cánh đồng bất tận”. |
“Cánh đồng bất tận” cũng là câu chuyện của một gia đình, nhưng tất nhiên, ở thời điểm 35 năm sau hòa bình, họ có những bí bách khác. Người vợ bỏ chồng con ra đi bởi không chịu nổi cuộc sống nay đây mai đó. Người chồng ở lại với 2 đứa con đang tuổi hình thành nhân cách, gá tạm vào với một cô gái điếm lang thang. Cả 4 người đều có một vết sẹo trong tâm hồn khiến họ không dễ dàng chấp nhận nhau. Trên cái nền là những cánh đồng mênh mang mùa nước nổi hay mùa lúa chín, họ giống như những dấu chấm nhỏ bị tạo hóa bốc lên rồi thả xuống, xô dạt rồi lại tách ra khỏi nhau. Những biến cố, những bi kịch đều góp phần làm người xem phải suy nghĩ nhiều hơn về tình người và thân phận con người.
Ngôn ngữ ám ảnh
Nếu nhận xét về sự thành công của một tác phẩm điện ảnh, người ta hay nói về tính dân tộc và hiện đại của tác phẩm đó. Tính dân tộc biểu hiện ở chỗ nó khiến cho bộ phim không tách rời đất nước mình, mang hơi thở của cuộc sống, mang suy nghĩ, khát khao và ước mơ của những người tạo ra nền điện ảnh đó. Còn tính hiện đại nằm ở chỗ, nó phải nói được vấn đề chung của nhân loại, để bất cứ khán giả nào cũng có thể tìm được sự đồng cảm với bộ phim, cho dù quốc tịch của họ là gì.
“Cánh đồng hoang” khiến khán giả quốc tế sửng sốt về một góc nhìn trực diện cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. Đó không phải là cuộc chiến giữa hai đội quân hùng mạnh được trang bị vũ khí ngang tài ngang sức mà trăm phần thiên lệch.
Bên trên bầu trời là máy bay hiện đại của Mỹ trút xuống hàng vạn tấn bom hủy diệt, bên dưới cánh đồng hoang là ngôi nhà trơ trọi nhưng đầy sức sống và chiến đấu ngoan cường của những người nông dân, là người mẹ, người cha quyết giành giật lấy phần sống về cho mình và cho đứa con nhỏ bé của mình. Và việc phải chiến đấu với những người nông dân chất phác điềm nhiên trồng lúa, bắt cá ăn và miệt mài hoàn thành nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông giữa vùng căn cứ với mặt trận này là một nỗi hổ thẹn cho những kẻ thù của họ.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2012/images/2012-01-21/1436324236-tet_50_canh-dong-bat-tan1.jpg) |
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2012/images/2012-01-21/1436324236-tet_50_canh-dong-bat-tan2.jpg) |
Cảnh quay trong phim “Cánh đồng bất tận”. |
“Cánh đồng bất tận” khi ra rạp cũng làm nảy sinh một cuộc tranh cãi bất tận về tính hiện thực và hư cấu của tác phẩm điện ảnh này. Những người yêu mến tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư không chấp nhận bộ phim. Trái lại, cũng có ý kiến cho rằng bộ phim đã là một tác phẩm độc lập với nguyên tác văn học và nói lên được vấn đề của nó.
Từ những mùa sen mênh mang trong “Cánh đồng hoang” và “Cánh đồng bất tận”, khán giả vẫn có quyền hi vọng về những mùa sen vàng cho điện ảnh nước nhà trong tương lai...
Khó có thể đòi hỏi hết tất cả mọi điều, mọi tầng lớp nghĩa trong một tác phẩm điện ảnh như tác phẩm văn học, thế nên “Cánh đồng bất tận” có thể làm cho khán giả cùng khóc, cùng cười với những nhân vật trong phim cũng có thể được xem như một thành công của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình và dàn diễn viên trong phim. Gương mặt Nương hay Điền trong phim còn mãi ám ảnh, để lại nhiều cảm xúc cho khán giả và khiến họ phải suy nghĩ nhiều hơn đến thân phận con người.
Trên cánh đồng mùa nước nổi ở miền Tây, bao nhiêu đời nay, những mùa sen mênh mang vẫn miệt mài thắp lên những cảm xúc đẹp đẽ, và tại sao lại không mơ tới những mùa sen Vàng cho điện ảnh VN từ những bộ phim thế này.
Phương Lan
Vui lòng nhập nội dung bình luận.