Những ngõ ngách dọc ngang như "địa đạo" giữa phố cổ Hà Nội

Kim Thư Thứ sáu, ngày 30/06/2023 14:18 PM (GMT+7)
Du khách không phải "người bản địa" rất dễ bị lạc trong những ngõ ngách ngang dọc như "địa đạo" giữa lòng phố cổ Hà Nội.
Bình luận 0

Video khám phá "địa đạo" giữ lòng phố cổ. Thực hiện: Kim Thư.

Đi dọc phố Hàng Buồm, Ngõ Gạch, Hàng Chiều, Hàng Đường... không khó để bắt gặp những con ngõ nhỏ với lối đi chật hẹp, chiều rộng chỉ vừa 1 người qua. Thậm chí, người dân phải luồn lách để đi vào.

Mất điện, chỉ với ánh sáng của chiếc điện thoại chúng tôi - những vị khách lạ, phải mất 10 phút mò mẫn trong "địa đạo" tại địa chỉ 96, Hàng Buồm mới có thể tìm thấy lỗi ra.

Ngõ sâu hun hút ở phố cổ Hà Nội

Thấy một vài đoàn khách du lịch vào ngõ 96, nhưng hồi lâu không thấy họ quay lại. Thắc mắc điều kì lạ này với những người đang uống trà đá gần đó phóng viên được chính người "bản địa" giải đáp.

Tiết lộ những điều ly kỳ xoay “địa đạo” giữa phố cổ Hà Nội - Ảnh 2.

Ngõ 102, phố Hàng Buồm quanh năm không có ánh sáng mặt trời. Ảnh: Kim Thư.

Mua nhà, sống hàng chục năm trong con ngõ 96, Hàng Buồm ông Quyền ví con ngõ như "địa đạo". "Thỉnh thoảng vẫn có những đoán khách du lịch đến khám phá. Nếu không phải người "bản địa" hoặc hướng dẫn viên du lịch thì ít ai biết ngõ 96 tối tăm đó là lối đi thông từ phố Hàng Buồm sang phố Ngõ Gạch", ông Quyền nói.

Bước chân vào ngõ sâu hoắm là cảm giác lành lạnh. Lạnh bởi lối đi vừa hẹp vừa tối. Tối đến mức, người ta phải thắp bóng điện suốt 24/24 giờ. Thậm chí, những nơi ánh sáng của đèn điện không phủ đến phải bật điện thoại lên để soi đường.

Mới đầu nhìn, ai cũng nghĩ chỉ có một hộ gia đình ở, nhưng không phải vậy. Trong con ngõ vừa tối vừa hẹp này là hàng chục căn nhà cũ kĩ, chật chội, ẩm thấp, chẳng bao giờ nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Lòng vòng trong con ngõ ngoằn nghèo, tối đen như mực một lúc lâu mới thấy thấp thoáng người qua lại trên phố Ngõ Gạch qua ánh sáng lọt giữa 2 căn nhà cao tầng cuối đầu kia.

Tiết lộ những điều ly kỳ xoay “địa đạo” giữa phố cổ Hà Nội - Ảnh 3.

Ngõ 96, phố Hàng Buồm được xem như "địa đạo" thông giữ phố Hàng Buồm và phố Ngõ Gạch. Ảnh: Kim Thư.

Là người phố cổ, bà Nguyễn Thị Mơ cho biết, căn nhà vợ chồng bà đang sống là căn nhà của bố, mẹ chồng để lại. Bà Mơ kể, trước đây quanh những phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Bồ... có nhiều ngõ, ngách, đường đi thông từ nhà này sang nhà khác, phố này sang phố khác. "Nhiều đến mức người lạ đi vào lạc như chơi", bà Mơ nói.

Người dân sống trong ngõ nhỏ thành quen 

Khó có thể hình dung trong những ngõ tối đen như mực ấy lại là đất sinh sống của hàng chục hộ dân cư thuộc phố cổ bao đời nay. Cuộc sống phía trong những ngõ tối thật nhiều điều khác biệt.

Tiết lộ những điều ly kỳ xoay “địa đạo” giữa phố cổ Hà Nội - Ảnh 4.

Không có ánh sáng tự nhiên, hơn chục hộ dân sinh sống trong ngõ 96 phải nắp đèm điện, bật cả ngày lẫn đêm. Ảnh: Kim Thư.

Ông Quyền cho biết, những "công dân" sống trong "địa đạo nổi" này quanh năm không nhìn thấy ánh mặt trời nếu không bước chân ra khỏi ngõ. Quả thật, ở trong con ngõ này nếu không nhìn đồng hồ thì khó mà biết được buổi sáng hay chiều, theo cách nói của ông Quyền là "ngày cũng như đêm".

Thế nhưng, ông Quyền vẫn sống trong "địa đạo" vì, đây là căn nhà kỉ niệm của vợ, chồng ông. "Mà giờ bán thì ai mua, ai lại chui vào những cái ngõ tối om trông phía ngoài tưởng ngõ cụt làm gì", ông nói.

Không giống gia đình ông Quyền, gia đình bà Tha (em dâu bà Nguyễn Thị Mơ) đã phải mua một căn nhà khác để tiện cho việc sinh hoạt. Hàng ngày bà vẫn phải đạp xe vào khu nhà cũ trên phố Ngõ Gạch vì gia đình bà vẫn còn một sạp hàng nhỏ ở đây.

Tiết lộ những điều ly kỳ xoay “địa đạo” giữa phố cổ Hà Nội - Ảnh 5.

Ngõ 14, phố Ngõ Gạch chỉ vừa rộng chỉ vừa 1 người qua. Ảnh: Kim Thư.

Trước đây, vợ chồng bà Tha cùng 2 người con trai sống trong căn nhà hơn 10m2 trong ngõ 96, Ngõ Gạch do bố mẹ chồng chia cho. 

Nhớ lại cuộc sống sinh hoạt bất tiện trong con ngõ chật hẹp, bà Tha nói: "Con ngõ tối om, xe còn chẳng vào được. Mỗi khi có người mất, chỉ có thể dùng chiếu khiêng mỗi người một đầu". Bất tiện trong sinh hoạt, nhất là khi các con lớn cần không gian riêng nên ông bà đã quyết mua nhà ở nơi khác để sinh sống.

Theo người dân "bản địa", trước đây các ngõ nhỏ không chỉ có 1 lối thông giữa 2 phố mà còn thông sang nhiều phố. Về sau dân cư sinh sống đông đúc nên đã lấn ra, bịt kín lại.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem