1. Chúng tôi cứ ấn tượng với những gương mặt mười tám đôi mươi Đặng Ngọc Vũ, Phạm Giai Nhân, Nguyễn Thiện Nhân… Trẻ trung, yêu đời, hóm hỉnh, tuổi hai mươi của các em là giữa trùng khơi sóng, giữa kỷ luật sắt của quân đội. Đặng Ngọc Vũ sinh năm 1995, đang học dở Trường cao đẳng Công thương, đến kỳ tuyển nghĩa vụ quân sự, Vũ bảo lưu kết quả, làm đơn xin ra Trường Sa. Hai năm xa nhà, mỗi lần thư mẹ gửi là vài tháng, mỗi lần đọc thư là ngân ngấn nước mắt như một thói quen. Nhưng nhắc tới nhiệm vụ, Vũ quả quyết: “Năm nay hết nghĩa vụ, em về bờ học tiếp, khi nào đảo cần em sẵn sàng có mặt”.
Phạm Giai Nhân có cái tên như... người, răng khểnh cười duyên như con gái, ra đảo chuẩn bị qua mùa Tết thứ hai, hỏi nhớ nhà không, chỉ cười không nói. Ra đảo quen, nỗi nhớ cũng lặn vào trong. Văn Phước, Văn Biển ở Nam Yết, khi cần cũng múa phụ họa dẻo không kém cô vũ công nào: “Tay em cầm súng mà vẫn múa được đấy chị”, Phước bảo. Buổi tối khi xong nhiệm vụ, mấy anh em thường tập trung luyện tập với nhau, Đảo Nam Yết có hẳn một đội văn nghệ, chỉ cần thông báo là cả chục tiết mục hát múa đầy đủ sẵn sàng góp mặt. Đảo Sơn Ca còn thành lập được cả một đội bóng FC Trường Sa, tên các cầu thủ in trên áo không giống ai, từ Minh Cà lăm, Cường Kòi…
Hoàng hôn trên đảo.
Vẫn những gương mặt ấy, mỗi khi tập luyện, làm nhiệm vụ, “lì” không ai bằng. Tối hôm trước khi tàu rời đảo Sơn Ca, thấy Minh Cà lăm ngồi ôm đàn, đập thì thùng hát hết bài nọ đến bài kia. Chuyến này Minh về bờ, chia tay anh em, dù không nói ra nhưng ai cũng chùng lòng xuống. Đến cả cậu bạn đang làm nhiệm vụ gác ngoài chốt, thấy anh em hát, cũng liếc mắt qua một tí thôi, hít một hơi thật dài rồi lại nhìn về phía trước.
2. Một người rất đặc biệt trong chuyến đi của tôi trên con tàu HQ 571 là anh Trần Văn Huy. Anh Huy là người từng có mặt trên tàu Kiểm Ngư 22 - con tàu xuất hiện ngay sau khi giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Anh Huy đã cùng tàu Kiểm Ngư có mặt ngay từ ngày 2.5 đến ngày 17.7.2014, đấu tranh ròng rã không rời mục tiêu suốt 74 ngày đêm liền. Cho đến khi giàn khoan Hải Dương - 981 rút khỏi vùng biển Việt Nam thì Trần Văn Huy mới cùng tàu Kiểm Ngư 22 trở về đất liền.
Trong 74 ngày, tàu Kiểm Ngư 22 đã 268 lần tiến sát vị trí mục tiêu giàn khoan Hải Dương - 981 để làm nhiệm vụ kiểm tra canh giữ và bảo vệ chủ quyền hợp pháp, tàu đã bị phía tàu Trung Quốc đâm va và phun vòi rồng nhiều lần, trong đó có tám lần bị tiến công làm tàu và kiểm ngư, thuyền trưởng bị thương nặng.
Thế nhưng, anh em trên tàu cơ động khắc phục, chữa trị người và tàu, kiên quyết bám vị trí, “Chúng tôi biết rằng Biển Đông dậy sóng thì trong lòng của người Việt cũng bão nổi, và đó là sức mạnh vô song mà bất cứ kẻ thù nào, dù lớn mạnh và hung bạo đến mấy cũng khiếp sợ. Chúng tôi vững tin không chỉ vì ta có chủ quyền hợp pháp, ta có công luận ủng hộ, ta có lực lượng kiểm ngư, hải quân của ta đang mạnh lên, mà cốt yếu là ở lòng dân ta. Lòng yêu nước nồng nàn, yêu từng tấc đất và vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của nhân dân ta chính là điểm tựa, là sức mạnh mà chúng tôi mang theo mỗi khi ra biển” - anh Huy nói ra điều ấy với tôi nghe giản dị như chuyện quê nhà!
3. Ở đảo Đá Đông B và Đá Đông C, hai điểm đảo chìm trong cụm đảo chìm Đá Đông (A, B và C), lúc chúng tôi đến gió cấp 6, giật cấp 7, những con sóng bạc đầu dâng cao từ 2 đến 3 mét. Tàu phải dừng cách đảo chìm khoảng bốn hải lý để thả nổi vì độ nước sâu, không thể thả neo. Hôm đó là ngày đảo Đá Đông C đón ba niềm vui lớn.
Thứ nhất, đảo được đón đoàn công tác đất liền và quà Tết Ất mùi; thứ hai, có ba đồng chí được bổ nhiệm chức vụ mới: Thượng úy Đặng Văn Thương được bổ nhiệm Chính trị viên, thượng úy Quách Văn Huỳnh được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng, trung úy Đào Hồng Nguyên bổ nhiệm Chỉ huy phó. Thứ ba, Trung úy Nguyễn Doãn Kháng, quê xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương vừa nhận được tin vợ ở quê nhà sinh con gái đầu lòng ngay sáng sớm 9.1. Cán bộ chiến sĩ đảo Đá Đông C cho biết cả đảo “vui như Tết” ngay từ khi mới thức dậy.
Trước quá nhiều tin vui, nét rạng rỡ hiện rõ trên những khuôn mặt dạn dày sương gió, Nguyễn Doãn Kháng ôm chầm lấy chúng tôi và sung sướng cho biết sáng nay cả đảo đã ngồi lại cùng dự kiến sẽ đặt tên cho nàng “công chúa đảo” là Nguyễn Võ Trâm Anh. Vợ của Kháng là Võ Thị Sáu, dược sĩ ở xã Thanh Thủy. Chúng tôi cũng vui mừng cho Kháng, vui hơn nữa là ở đảo mà vẫn có tin đất liền từng ngày, từng giờ, từng phút.
4. Nằm ở cực Nam của quần đảo Trường Sa, đảo An Bang là đảo khó khăn và vất vả nhất. Đảo từng được mệnh danh là “lò vôi thế kỷ” bởi sự khắc nghiệt của thời tiết, nhưng có vẻ như danh hiệu không mong muốn đó đang dần "mai một" bởi bàn tay lính đảo. Mùa mưa, nước đầy bể, trong vắt. Và hàng chục thùng xốp đang được phủ non mướt bởi những ngọn rau xanh. Rau muống, rau cải, rau thơm và cả rau mầm. “Đến mùa khô, anh em vẫn có thể có nước để sử dụng, dù khó khăn hơn”, Chỉ huy trưởng đảo An Bang, thiếu tá Đặng Ngọc Nam cho biết thế. Anh Nam ở đảo đã 30 tháng, ăn ba cái Tết trên hòn đảo nổi danh đầu sóng ngọn gió này.
Giờ về lại đất liền, nỗi nhớ Trường Sa của chúng tôi nhiều lúc cụ thể là nhớ từng gương mặt đã gặp và đã quen. Có những chiến sĩ dạn dày nắng gió, có những tân binh còn non nớt, những gương mặt người dân đảo hiền hậu, có cả những em bé mới sinh ra trên đảo. Cứ hình dung ra mầu xanh Trường Sa, nơi có những mầm xanh bé nhỏ yêu thương sinh tồn và lớn lên như những kỳ tích của Biển Đông.
Đoàn Phúc Quy Sa là công dân mới toe của Song Tử Tây. Quy - lấy tên theo của một người ông hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, còn Sa là Trường Sa. Quy Sa sinh non hai tháng, chỉ nặng 1,3 kg, bé xíu lọt thỏm trong vòng tay của mẹ, không có cả lồng kính để nằm như những em bé đất liền. “Người ta bảo khéo rồi con em không sống được”, mẹ Sa nhớ lại. Đó là chuỗi ngày chờ đợi và âu lo khủng khiếp của người mẹ trẻ.
Vườn rau trên đảo Song Tử Tây.
Nhưng mầm xanh bé nhỏ của Trường Sa sinh tồn và khỏe mạnh vững vàng như một cây phong ba giữa trùng khơi. Bảy tháng, Sa mắt tròn xoe, hiếu động không ai bằng. Mẹ bé bảo ở đảo không khí trong lành, từ dạo sinh ra đến giờ trộm vía Sa chưa ốm thêm lần nào. Chiều nào bé cũng được bồng ra biển, theo anh trai cùng hướng về những con tàu. Một ngày không xa, bé sẽ tiếp tục reo hò: “Tàu này là của con” như các anh chị, sẽ theo các anh chị đến Trường tiểu học Song Tử Tây - ngôi trường đang chuẩn bị khánh thành.
Tết Ất Mùi này, bé Quy Sa được ăn cái Tết đầu tiên trong đời, trong tình yêu thương của đất liền, của Trường Sa thân yêu!
(Theo Ngày nay)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.