Những người Nga gặt lúa ở Mai Châu

Thứ sáu, ngày 27/01/2012 06:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chờ đợi suốt cả năm để đến Mai Châu (Hòa Bình) vào đúng vụ mùa chiêm, Robert Kurilo - chàng trai người Nga yêu Việt Nam đến kỳ lạ, đã tổ chức cho những người bạn một chuyến đi gặt lúa trên cánh đồng ở bản Cha.
Bình luận 0

Tình yêu bắt đầu từ cánh đồng bản Văn

Theo chân Robert và những người bạn Nga đến Mai Châu vào một ngày giữa tháng Mười Một, lúc đó, cả thung lũng của người Thái đang ngập tràn trong hương sắc của vụ mùa chiêm. Mai Châu đẹp lạ thường với những cánh đồng lúa chín trải vàng bát ngát và những ngôi nhà sàn yên bình nép mình bên bóng núi. Nơi chúng tôi đến là bản Văn.

img
Những người bạn Nga trên cánh đồng Mai Châu.

Khi đặt chân đến, cảm giác đầu tiên của tất cả mọi người trong đoàn là lo lắng không còn lúa để gặt, bởi hai bên con đường dẫn vào bản là những cánh đồng lúa vừa gặt xong chỉ còn sót lại rơm, rạ. Chúng tôi ở trong ngôi nhà sàn của gia đình một phụ nữ Thái có tên là Phương - một người bạn lâu năm của Robert và những người bạn Nga này. Cô Phương hồ hởi khoe như để trấn an mọi người rằng, ở bản Cha, cách bản Văn chừng 1km, những cánh đồng bên đó vẫn tràn ngập lúa vàng, đang chờ được gặt.

Đây là lần thứ tư Robert Kurilo đến Mai Châu để gặt lúa, nhưng “chiến tích” của anh không thấm vào đâu so với một phụ nữ khác trong đoàn có tên là Natasha - một cô giáo Nga đã từng sống ở Việt Nam hơn 20 năm. Người dân bản Văn đã yêu mến đặt cho cô Natasha cái tên Việt thật giản dị: “Cô Na”.

img
Natasha đã có khoảng 50 lần lên Mai Châu vì bị vẻ đẹp của những cánh đồng quyến rũ...

Lần đầu tiên “cô Na” đến bản Văn là cách đây 18 năm và đã bị vẻ đẹp của những cánh đồng ở Mai Châu quyến rũ. Cô Na quen người phụ nữ tên Phương và họ đã lưu giữ tình bạn đẹp đó suốt 18 năm qua. Mỗi năm, đến mùa gặt, cô Phương lại nhắn tin về Hà Nội và cô Natasha lại tìm đường lên Mai Châu, năm thì gặt lúa, năm thì cày ruộng…cứ như vậy, cô Na đã có khoảng 50 lần lên Mai Châu để được phiêu diêu, thả hồn trên những cánh đồng dài bất tận và đặc biệt là được làm nông dân chính hiệu trên thung lũng của người Thái trắng.

Robert đến bản Văn gặt lúa lần đầu vào năm 2008 cũng nhờ “mối xe duyên” của cô Natasha. Sau lần đầu tiên đó, anh cũng yêu kỳ lạ những cánh đồng ở bản Văn và năm nay, anh lại “xe duyên mới” cho những đồng nghiệp của mình là gia đình ông Sergei, Lãnh sự quán Nga, chị Viko - nhân viên đại sứ quán Nga và Maxim - chuyên viên của Văn phòng đại diện Hãng Sukhoi tại Việt Nam...

Bên chung rượu cần và bữa cơm đón tiếp nồng hậu của chủ nhà, Robert say sưa kể cho mọi người nghe về những lần lên Mai Châu gặt lúa trước đó. Anh còn nhớ như in lần đầu lội xuống ruộng, lóng ngóng với chiếc liềm cong cong… rồi nhớ đến con trâu của gia đình cô Phương mới năm ngoái đã cùng anh bừa gần hết một thửa ruộng…

Làm nông dân… chính hiệu

Sáng sớm, sau khi ăn điểm tâm bằng những ống cơm lam nóng dẻo, chấm với muối vừng bùi bùi, những người khách Nga háo hức đi theo cô Phương đến cánh đồng bên bản Cha. Thửa ruộng của anh nông dân có tên là Viềng rộng chừng 1 sào rưỡi chỉ vừa mới gặt được dăm hàng lúa đã phải nhường lại cho những “nông dân Nga”. Anh Viềng niềm nở chỉ cách gặt lúa cho mọi người và ai nấy đều chăm chú nghe, như nuốt từng lời để hiểu được kỹ thuật gặt lúa bằng liềm của người Thái.

img
 

Đồng ở bản Cha lấp xấp nước bùn, không khô ráo như đồng bên bản Văn, nhưng dường như không phải là rào cản ngăn bước chân của những người “nông dân” da trắng. Họ thận trọng hỏi anh Viềng về những con đỉa và an tâm khi nhận được câu trả lời rằng, chúng đã bị tiêu diệt bởi những loại thuốc trừ sâu. Robert là người đầu tiên xắn quần lội xuống ruộng, theo sau anh là ông Sergei, Viko, Maxim, Tania và hai em bé người Nga xinh xắn.

Nước bùn ngập đến đầu gối của mọi người, song ai nấy đều thấy thích thú, đặc biệt với Sergei, người luôn mang vẻ “bí ẩn” của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, cũng trở nên hồn nhiên lạ thường khi được làm nông dân gặt lúa. Robert có vẻ thông thạo hơn cả, anh vừa gặt, vừa kể cho những người bạn của mình nghe về nền văn minh lúa nước của người Việt. Bằng những trải nghiệm của những năm tháng sống ở Việt Nam, Robert khẳng định rằng, nếu trên Trái đất, diện tích đất trồng lúa chiếm 11% thì tại Việt Nam khắp nơi đều trồng lúa, nhất là ở các miền đồng bằng. Và trên thế giới số người được sống bằng lúa gạo là 50% thì tại Việt Nam là 100%.

Ông lãnh sự Sergei và cậu con trai 11 tuổi vừa tỉ mẩn buộc chặt những bó lúa, vừa nhắc nhở con trai, quan sát kỹ cách gặt lúa để cậu bé sẽ viết được những bài văn hay về những ngày ở Việt Nam... Họ vừa làm việc, vừa trò chuyện rôm rả như vậy cho đến khi thửa ruộng 1 sào rưỡi của anh Viềng được gặt xong trong vòng hơn một giờ. Niềm vui lộ rõ trên những khuôn mặt trắng hồng lấm lem bùn đất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem