Những người trẻ tỏa sáng ở thành phố mang tên Bác

Hứa Phương - Hữu Ký - Thuận Hải Thứ bảy, ngày 30/04/2016 06:53 AM (GMT+7)
Trẻ, năng động, được đào tạo tốt lại dám nghĩ dám làm, những người trẻ ở thành phố mang tên Bác đang là niềm hy vọng mới cho tương lai của thành phố. Người Sài Gòn thế hệ trẻ - một thế hệ mới với nhiều điều kiện thuận lợi để tỏa sáng và phát triển.
Bình luận 0

Giữa phố thị mà yêu nông nghiệp

Một thời gian dài, thanh niên các tỉnh lũ lượt rời bỏ quê nhà, bỏ nghề nôngtìm về phố thị với mong muốn đổi đời trong những ngành công nghiệp hiện đại. Việc trồng trọt, chăn nuôi chân lấm tay bùn là nỗi ám ảnh của nhiều bạn trẻ. Ấy thế mà, khi đã được học hành tử tế, được tiếp xúc với thế giới hiện đại, công việc nhà nông lại trở nên hấp dẫn lạ kỳ đối với nhiều bạn trẻ ở TP.HCM.

img

Anh Nguyễn Văn Đức (ngụ phường An Phú Đông, Q.12, TP.HCM) giới thiệu cho khách hàng các sản phẩm rau sạch của anh. Ảnh: T.H

Đang làm Giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn với mức thu nhập ổn định, thế nhưng Nguyễn Phương Lan (31 tuổi, ngụ phường 1, quận 11, TP.HCM) đã bỏ ngang công việc để thực hiện giấc mơ nông nghiệp đô thị giữa chốn Sài Gòn phồn hoa.

Với số vốn ban đầu 30 triệu đồng, Phương Lan thành lập Công ty CP Enjoy Life VN, chuyên cung cấp hệ thống trồng rau sạch theo mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp thủy canh (hay còn gọi là Aquaponics). Khó khăn tiếp nối khó khăn, mô hình làm ra nuôi cá bị chết, rau gieo xuống không mọc khiến hai người bạn “chia lửa” nản chí rồi bỏ cuộc. Một mình Phương Lan tiếp tục mày mò và tìm hiểu thêm tài liệu nước ngoài, đến khi mô hình thành công thì cô gái vừa đóng vai Giám đốc công ty, nhân viên tiếp thị, thậm chí cả lắp đặt hệ thống…

Phương Lan chia sẻ, ưu điểm của hệ thống này sử dụng chất thải từ cá nhờ sự chuyển hóa từ các loài vi sinh vật thành chất dinh dưỡng cần thiết và đầy đủ cho sự phát triển của cây. Ngược lại, thay vì xả nước ra môi trường, Aquaponics sử dụng cây trồng để làm sạch nước và trả lại cho bể cá.

“Cái mình cần là sản phẩm thực phẩm sạch cho người dân thành phố hằng ngày bận rộn nhưng lại không an tâm về thực phẩm ngoài thị trường. Hiện nay công ty đã lắp đặt hơn 800 hệ thống trên cả nước và có doanh thu khoản 2 tỷ đồng/tháng. Không chỉ thị trường trong nước, chúng tôi còn đang chuẩn bị để đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài” - chị Lan nói.

Hay như anh Nguyễn Văn Đức (ngụ phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM), vốn là một cử nhân kinh tế nhưng lại có niềm đam mê làm nông dân. Sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, anh Đức quyết định theo nghề trồng rau sạch.

 “Em hy vọng sẽ tạo được nhiều mạng lưới làm việc tốt để có thể kết hợp nguồn lực giữa Việt Nam và Singapore, từ đó tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho ngành giáo dục nước nhà”.

Anh Nguyễn Quang Phúc

Năm 2013, anh Đức lập ra Công ty CP Maya Farm để vừa sản xuất vừa kinh doanh rau sạch. Nhờ đam mê và chịu khó học hỏi kinh nghiệm nên việc trồng rau sạch của anh nhanh chóng thành công. Điều này giúp anh thêm tự tin để thuê đất trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi (TP.HCM), Đà Lạt (Lâm Đồng) để trồng rau theo quy trình hiện đại. Các vườn rau của anh đều được ứng dụng các kỹ thuật mới nên cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sản phẩm rau sạch của anh Đức đã xuất khẩu được sang Mỹ và Canada.

“Em sẽ về Sài Gòn”

Không chỉ những người sinh ra và lớn lên ở thành phố mang tên Bác, nhiều bạn trẻ từ khắp nơi trên đất nước đã chọn nơi đây là chỗ gắn bó, lập nghiệp. Cũng có những người đi khắp phương trời rồi chỉ muốn về Sài Gòn với trái tim cháy bỏng nhiệt huyết.

img

Nguyễn Phương Lan (31 tuổi, ngụ phường 1, quận 11, TP.HCM) với mô hình sản xuất

nông sản sạch.   Ảnh: H.K

Đã tròn 10 năm từ ngày Phạm Hữu Nghĩa (28 tuổi, quê gốc Thái Bình) vào Nam tìm đường lập nghiệp. Hữu Nghĩa được rất nhiều bạn trẻ Sài thành biết đến với bút danh Thái Việt, là sáng lập viên của CLB Truyền thông REC miền Nam (đứng đầu danh sách các CLB mạnh trong trường đại học), là CEO của nhãn hiệu Khăn rằn ứng dụng. Đây là chiếc khăn choàng đặc trưng của người Nam Bộ, bao đời gắn liền với người nông dân, nay được Hữu Nghĩa xây dựng thành hình tượng chiếc khăn của giới trẻ yêu cuộc sống “xê dịch”.

Điều đặc biệt nhất của chàng trai trẻ này là tình yêu lớn với TP.HCM, nơi anh gắn bó, vấp ngã và trưởng thành trong hơn 10 năm qua. Hữu Nghĩa cho rằng, sinh ra và lớn lên ở đất Bắc nhưng Sài Gòn mới là nơi anh được sống hết mình với tuổi trẻ, với những đam mê, cống hiến, xây dựng…

Hoặc như chàng trai trẻ tài năng Nguyễn Quang Phúc (ngụ phường 14, quận 10, TP.HCM), dù được sống, học tập và làm việc qua nhiều quốc gia, mong ước cháy bỏng trong Phúc vẫn là “trở về Sài Gòn, phục vụ quê hương”.

Tốt nghiệp Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong danh giá của TP.HCM, Phúc được học bổng toàn phần của Chính phủ Singapore để theo học ngành Khoa học máy tính tại Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Chàng trai trẻ cũng trau dồi qua nhiều chương trình, dự án liên quan tới lĩnh vực giáo dục và công nghệ thông tin.

Đầu tháng 4.2016, Phúc cùng một nhóm bạn trẻ từ Singapore về Việt Nam tham gia cuộc thi Edtech Asia Hackathon 2016 và đoạt giải nhất. Cuộc thi với sự tài trợ của hai “ông lớn” là Google và Facebook, lại từng trải qua việc học tập, công tác ở nhiều quốc gia nên Phúc càng có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp ở nước ngoài.

Ấy thế mà, trả lời câu hỏi về những dự định trong tương lai, Phúc khẳng định: “Em chắc chắn sẽ về Việt Nam làm việc! Đi đâu rồi thì em cũng muốn về Sài Gòn thôi”.

Phúc chia sẻ, yêu cầu của Chính phủ Singapore trong việc hỗ trợ kinh phí cho việc học của anh là phải bắt buộc làm việc 3 năm cho các công ty Singapore. Do đó, tính tới thời điểm hiện tại,  Phúc vẫn còn nửa năm nữa mới có thể tự do thực hiện ước mơ lập nghiệp ở quê nhà.

“Em luôn muốn làm việc trong lĩnh vực “trồng người”. Đó là lý do em luôn theo dõi sát sao sự phát triển của nền giáo dục trong nước. Em cũng muốn tham gia phong trào khởi nghiệp sôi động ở Việt Nam. “Em hy vọng sẽ tạo được nhiều mạng lưới làm việc tốt để có thể kết hợp nguồn lực giữa Việt Nam và Singapore, từ đó tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho ngành giáo dục nước nhà” - Phúc chia sẻ.

Cán bộ trẻ tạo sức bật mới

Sau Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, TP.HCM có thêm nhiều lãnh đạo rất trẻ tham gia Thành ủy, có những người còn dưới 40 tuổi. Đó là niềm hy vọng về một sức bật mới của TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, từng chia sẻ với báo chí sau Đại hội rằng Đảng bộ TP.HCM chăm chút từng ly từng tí để có một đội ngũ cán bộ trẻ, kế thừa lớp người đi trước, qua rèn luyện, giáo dục, bồi dưỡng, có giao nhiệm vụ để thử thách và họ đã trưởng thành.

“Mọi người hỏi cơ hội nào cho cán bộ trẻ? Tôi nghĩ rằng nhìn vào những người trẻ của thành phố hôm nay các bạn trẻ sẽ tự thấy mình có cơ hội trong đó, mọi người sẽ biết mình phải làm gì, làm như thế nào để chúng ta nắm bắt lấy cơ hội đó để cống hiến cho đất nước, cho thành phố” - bà Tâm chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem