Những người “truyền lửa” cho ca Huế

Thứ sáu, ngày 08/04/2011 10:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Họ đến với nhau để thỏa khát khao được đàn, hát những làn điệu ca Huế và nhất là để chung tay giữ gìn và lưu truyền loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của vùng đất cố đô...
Bình luận 0

Chiều thứ Bảy hàng tuần, người dân ở đường Phạm Ngũ Lão, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế và du khách thường mê mẩn đứng nghe những làn điệu ca Huế do CLB ca Huế Nguyễn Thị Lợi thể hiện vọng ra từ ngôi nhà nhỏ bên đường của nhà văn Bửu Ý.

Nhiều người không cưỡng lại được sự quyến rũ của những tiếng đàn, điệu hát nên theo vào thưởng thức. Họ được nhà văn Bửu Ý đón tiếp vồn vã.

img
Một buổi sinh hoạt ca Huế của CLB ca Huế Nguyễn Thị Lợi.

Yêu ca Huế như máu thịt

Trong không gian ấm cúng, những ngón đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, tỳ bà, nhị, tam thập lục... của các nhạc công Trần Đình Khắc Du, Dương Tiến Cang, Nguyễn Ngọc Hùng, Thanh Vân... lúc khoan lúc nhặt khiến người nghe miên man.

Rồi những lời ca, điệu hát du dương, lúc vui tươi lúc ai oán của các nghệ nhân "gạo cội" Minh Mẫn, Thanh Hương, hay các ca sĩ không chuyên như các chị Diệu Huê, Diệu Bình... quyện với tiếng đàn đưa người nghe đến nhiều cung bậc cảm xúc. Ca sĩ, nhạc công say mê biểu diễn, còn những vị khách lặng lẽ thưởng thức và chiêm nghiệm.

CLB ca Huế Nguyễn Thị Lợi ra đời đến nay đã tròn 14 năm, do người vợ quá cố của nhà văn Bửu Ý là bà Nguyễn Thị Lợi - nguyên giảng viên đàn tranh của Trường ĐH Nghệ thuật Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế), một người hết mực yêu ca Huế, thành lập lúc sinh thời. Năm 2005, bà Lợi đi xa... Cũng với niềm đam mê ca Huế mãnh liệt, nhà văn Bửu Ý thay người bạn đời gánh vác việc duy trì và phát triển CLB.

Đến nay, CLB có sự tham gia đến 15 nghệ sĩ, nghệ nhân ca Huế, chưa kể nhiều người không chuyên đến đây để học nghề. “Ca Huế với chúng tôi đã trở thành máu thịt, cần thiết như cơm ăn, nước uống. Hàng tuần nếu không gặp nhau để cùng đàn hát chúng tôi thấy như thiếu một cái gì đó rất lớn” - nhạc công Nguyễn Ngọc Hùng tâm sự.

Truyền lửa

Trong số những nghệ sĩ, nghệ nhân ca Huế tham gia CLB, nhiều người đang ở tuổi "gần đất xa trời". Đã 85 tuổi, lại mang di chấn nặng sau lần bị ngã cách đây 3 năm, nên việc đi lại của nghệ nhân Minh Mẫn hết sức khó khăn. Sức khỏe suy yếu là vậy nhưng người được coi là "báu vật sống" của ca Huế vẫn đều đặn thuê xích lô chở đến CLB hàng tuần để sinh hoạt.

img CLB là nơi để các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế giữ gìn ngọn lửa đam mê, đồng thời là nơi truyền lửa cho các nhạc công, ca sĩ ca Huế mới vào nghề và tất cả những ai yêu ca Huế. img

Nhỏ hơn nghệ nhân Minh Mẫn 3 tuổi, cũng đã hom hem lắm, nhưng từ khi CLB ra đời đến nay, nghệ nhân Thanh Hương hầu như không vắng mặt buổi sinh hoạt nào, trừ những ngày lũ lụt. "Tuổi ngày càng cao nên chúng tôi đang chạy đua với thời gian để truyền nghề cho lớp trẻ" - nghệ nhân Thanh Hương cho biết.

Lòng yêu ca Huế mãnh liệt của lớp nghệ nhân già đã truyền ngọn lửa đam mê cho rất nhiều người. Làm nội trợ nhưng những khi gia đình có giỗ chạp đúng vào dịp sinh hoạt của CLB, chị Diệu Bình lại nhờ người làm giúp để không bỏ lỡ buổi học ca Huế nào. Chị tâm sự: "Nhờ được truyền dạy bài bản, nên sau một thời gian tham gia CLB, tôi đã ca được nhiều làn điệu ca Huế khá chuẩn".

Ngoài sinh hoạt hàng tuần, nghệ nhân, nghệ sĩ trong CLB còn dạy ca H uế cho trẻ em bất hạnh tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Xuân Phú TP.Huế. Đây là các lớp học ca Huế do nhà văn Bửu Ý đứng ra tổ chức và vận động tài trợ, gồm: Một lớp ca và 4 lớp đàn. Những đứa trẻ ở đây đã và đang được dạy ca Huế bài bản, để không chỉ hát được ca Huế, mà còn có thể kiếm sống bằng vốn ca Huế được chân truyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem