Những người “vì da cam”

Thứ bảy, ngày 10/08/2013 12:59 PM (GMT+7)
Thái Bình là tỉnh có hơn 3 vạn nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Nhờ có những tấm lòng thơm thảo, nhiều nạn nhân đã được hỗ trợ chữa bệnh, xây nhà...
Bình luận 0
Chuyện của người lập hội

Tới giờ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình đã là mái nhà chung của nhiều mảnh đời bất hạnh vì chất độc. Nhưng ít ai biết, để giúp đỡ được các nạn nhân, những người vận động thành lập Hội phải trải qua chặng đường dài.
Chị Khuất Thị Xuyên tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam tại Thái Bình ngày 9.8.
Chị Khuất Thị Xuyên tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam tại Thái Bình ngày 9.8.

Cách đây 10 năm, thời điểm Hội mới thành lập, nhân sự chỉ vẻn vẹn 2 người: Chủ tịch Hội, đại tá, Anh hùng Nguyễn Đức Hạnh, nguyên là Tỉnh đội trưởng chuyển sang và Chánh văn phòng là anh Hồ Sĩ Hải (3 con đều bị câm, năm 2006 anh tham gia đoàn đại biểu Việt Nam sang Mỹ đòi công lý cho nạn nhân Việt Nam bị ảnh hưởng chất dioxin). Sau gần nửa thế kỷ để cả tuổi trẻ trong chiến tranh nay tóc đã hoa niên, một lần nữa các anh lại đứng trước thử thách mới: Phải lo chèo chống, chăm sóc, tìm công ăn việc làm cho hơn 3 vạn nạn nhân chất độc da cam của Thái Bình với hai bàn tay trắng. Trong số 3 vạn nạn nhân, có nhiều gia đình cả mấy thế hệ đều bị “da cam” hoặc 3-4 con bị tật không thể tự chăm sóc bản thân.

Nhớ lại những năm tháng gian nan ngày đầu thành lập Hội, đại tá, Anh hùng Nguyễn Đức Hạnh kể: “Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, đời sống bà con còn nghèo, không đủ sức cưu mang nạn nhân. Bù lại, chúng tôi có rất nhiều người Thái Bình làm ăn ở các tỉnh, thành phố khác, cần khơi gợi nguồn lực này”. Vào một ngày đầu thu, hai anh lên đường vào thành phố mang tên Bác với một ước mơ: Làm sao giúp cho người bị nhiễm chất độc da cam đỡ khổ. Ông Hải kể: “Đến TP.HCM, chúng tôi đã tổ chức được rất nhiều cuộc gặp mặt những nhà hảo tâm… Nhiều người đến dự, nghe chúng tôi nói chuyện về hoàn cảnh thương tâm của các cháu, đã xúc động chảy nước mắt, sẵn sàng chung tay giúp đỡ. Đồng bào mình ở đâu cũng vậy. Máu chảy ruột mềm”.

Từ bước chân của các anh, những chuyến hàng, nhiều đồng tiền đẫm mồ hôi của người lao động đã được gửi về Thái Bình để trợ giúp xây nhà tình nghĩa, chữa trị bệnh cho nạn nhân, nhằm bớt đi khổ đau của họ. Tham gia đóng góp có nhiều cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tăng ni phật tử… Trong đó Báo Nông Thôn Ngày Nay cũng nhiều lần mang quà về huyện Thái Thụy. Ông Hạnh nói: “Sau 10 năm chúng tôi đã tiếp nhận 40 tỷ đồng, giúp nạn nhân xây được 310 căn nhà tình nghĩa. Ngoài ra còn nhiều quà tặng khác”.

Nơi hội tụ những tấm lòng thơm thảo

Nhờ sự vận động của các anh, nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình đã có 2 mái nhà mới để giúp họ chữa bệnh, có nghề nghiệp và việc làm. Đó là trung tâm dạy nghề và trung tâm tẩy rửa chất độc. Trong đó, trung tâm tẩy rửa chất độc là dự án được tiếp nhận từ Bộ Quốc phòng và được xây dựng đầu tiên ở Thái Bình với công nghệ của Mỹ. Tại đây bệnh nhân da cam được vận động theo các bài tập bắt buộc, uống thuốc và xông hơi tẩy rửa trong bồn. Ở trung tâm có phòng ở và bếp ăn cho những người bệnh trong thời gian chữa trị. Trung tâm được khởi công tháng 10.2010 và đến nay đã có hơn 800 nạn nhân được tẩy độc.

Tại trung tâm này, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Minh (ở xã Tân Lập) bị mất trí nhớ. Sau 25 ngày tẩy độc, chị đã khỏe trở lại và đi làm bình thường…

Riêng trung tâm dạy nghề thì hiện đang dạy nghề cắt may và làm đồ trang sức. Mỗi đợt sau 3 -4 tháng huấn luyện được 35 cháu và trung tâm gửi đi xin việc.
Thái Bình là tỉnh đầu tiên có chi hội da cam xuống tận cấp thôn. Ngoài nhà tình nghĩa, 10 năm qua, nạn nhân da cam ở Thái Bình đã được tặng hơn 60.000 gói quà, 110 chiếc giường, 150 cái quạt, 400 xe lăn, 120 máy trợ thính, hàng nghìn suất thuốc bổ…

Bên cạnh các tổ chức, không hiếm các cá nhân đồng cảm với nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam đã cùng chung tay giúp đỡ họ. Năm 2006, một tỷ phú người Mỹ đã xin đóng góp xây 100 căn nhà tình nghĩa tại đây. Đặc biệt, có những gia đình thường xuyên mang quà đến cho nạn nhân như bà Đỗ Thị Được ở thôn Phúc Lộc, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, bà đã tặng nạn nhân chất độc da cam hàng trăm triệu đồng. Năm nay, nhân dịp “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, con gái bà là chị Khuất Thị Xuyên cùng gia đình đã mang đến 150 suất quà cho nạn nhân, thể hiện tấm lòng thơm thảo của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Nguyễn Thiên Việt (Nguyễn Thiên Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem