Những bà Chúa Kho này có sự tích, nguồn gốc xuất thân, có tên hiệu và được thờ ở các đền miếu khác nhau; có vị là thiên thần, có vị là nhân thần, có vị truyền tích rõ ràng nhưng có vị lại mờ ảo về xuất xứ, lai lịch.
Về thiên thần: Có một bà chúa Kho tên là Hoàng Lệ Dung, hiệu là Bạch Ngọc phu nhân, vốn là một thần nữ coi giữ kho vàng ngọc ở thiên đình. Vì có công diệt trừ yêu quái nên Bạch Ngọc phu nhân được Ngọc Hoàng Thượng đế phong làm Tây Cung Bạch Ngọc phu nhân. Về sau cho giáng trần làm thần núi Tượng ở phía Bắc thành Thăng Long, kiêm chức Chưởng quản vàng bạc châu báu ở nhân gian do vậy dân gian tôn gọi là Chưởng khố công chúa (Công chúa cai quản kho tàng) hoặc gọi là “bà Chúa Kho”.
Trước đây nơi thờ chính vị thần này là đền Thuỷ Thiên Quang (phố Hàng Bún, Hà Nội) và một số nơi thờ khác bên bờ Hồ Tây như miếu thôn An Ninh, hoặc tại đền Quán Thánh còn có cả tượng thờ gọi là Bạch Ngọc Thần Pháp tượng. Nay nơi thờ Bạch Ngọc phu nhân chỉ còn thấy ở đền Am (cũng ở cùng phố, là số 15 Hàng Bún, Hà Nội) và ở đình Yên Định (18 Cửa Bắc, Hà Nội).
Về nhân thần: Số lượng các bà chúa Kho khá nhiều và đa dạng về xuất xứ, có vị là nhân vật lịch sử, có vị lại là con người nửa lịch sử nửa huyền thoại, có vị thì gần như là huyền thoại. Có thể kể ra dưới đây một số vị được tôn xưng là bà chúa Kho:
- Bà chúa Kho làng Cổ Mễ: Tương truyền rằng, bà xuất thân trong một gia đình nghèo khó nhưng từ nhỏ đã nổi tiếng là người thông minh, chăm chỉ, khi trưởng thành đã là một thiếu nữ đoan trang, xinh đẹp. Nghe tiếng đồn về nàng, vua Lý đã cho đón vào cung lập làm hoàng hậu.
Dù sống cảnh nhung lụa sung sướng nhưng hoàng hậu vẫn quan tâm đến đời sống người dân. Bà xin vua cho về quê chiêu dân khai hoang mở đất, lập được 72 trại ấp, lại hướng dẫn người dân cách trồng cấy. Thóc gạo thu được sau mỗi vụ mùa ngày càng nhiều, không chỉ giúp dân no đủ mà còn bổ sung cho kho lương cho triều đình.
Tại làng Cổ Mễ ở xã Vũ Ninh, đất Thị Cầu (nay thuộc khu phố Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), triều đình đã cho lập một số kho lương thực và hoàng hậu được giao nhiệm vụ quản lý, trông coi.
Năm Đinh Tị (1077), quân Tống kéo sang xâm lược nước ta, tại phòng tuyến sông Như Nguyệt, hoàng hậu đã đốc suất quân dân bảo vệ kho lương, cung cấp thóc gạo đảm bảo hậu cần phục vụ quân lính đánh giặc. Bản thân bà còn trực tiếp tham gia chiến trận và đã trúng tên của giặc mà mất trong một trận đánh bảo vệ kho lương vào vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tị (1077). Triều đình thương tiếc đã lập đền thờ và sắc phong làm phúc thần, hiệu là Chủ khố linh từ.
- Bà chúa Cỏ: Tên gọi là Hương Thảo quê ở làng Bích Tràng (nay thuộc huyện Ân Thi, Hưng Yên). Bà tham gia cuộc khởi nghĩa chống giặc Hán do Hai Bà Trưng lãnh đạo vào năm Canh Tý (40) và trở một vị nữ tướng.
Bà Hương Thảo được giao nhiệm vụ trông coi các kho trại chứa cỏ khô dùng làm lương thực cho voi trận, ngựa chiến vì thế bà còn được gọi là “bà chúa Kho” hay “bà chúa Cỏ”. Tại chùa Cỏ ở làng Bích Tràng có ban thờ bà.
- Bà chúa làng Qủa Cảm: Theo truyền thuyết và tư liệu dân gian ở địa phương thì bà họ Trần quê ở làng Qủa Cảm (nay thuộc xã Hòa Long, TP.Bắc Ninh). Người dân tôn bà làm Thành hoàng làng, còn gọi là Đức vua Bà, đức Giáp Ngọ, bà chúa làng Qủa Cảm hay bà chúa Lẫm (kho lẫm).
Theo bản thần phả về bà chúa Qủa Cảm thì bà xuất thân trong gia đình làm ruộng và buôn bán. Khi lớn lên nổi tiếng và tài sắc, vua Trần Anh Tông nghe tiếng cho đón về kinh đô phong làm Đệ tam cung phi và được hưởng bổng lộc của 72 trang ấp, trong đó có trang Qủa Cảm.
Ảnh minh hoạ - Nguồn Internet
Bà chúa có công lớn giúp dân làm ruộng, trồng cấy, tạo dựng đời sống no ấm, sung túc nên sau khi bà mất nhà vua thương tiếc truy tặng làm hoàng hậu, an táng núi Hoàng Đệ ở Qủa Cảm và cho dân chúng thờ làm phúc thần.
Có địa phương nơi ghi dấu tích của bà chúa vì thế còn có tên gọi gắn với sự tích của bà, như làng Thượng Đồng còn có tên là làng Lẫm (làng Kho). Một số tài liệu ở các làng xã khác thuộc xứ Kinh Bắc như làng Viêm Xá, làng Hữu Chấp… thờ bà và coi là thủy tổ của quan họ.
- Bà chúa Ngừ: Tên thật của là Trần Thị Dung, tên tục là Ngừ, quê ở làng Lưu Xá (nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Bà trở thành vợ Thái tử Lý Sảm vào năm Kỷ Tị (1209), khi Thái tử lên ngôi vua (tức Lý Huệ Tông) đã phong cho vợ làm Hoàng hậu Kiến Vũ vì thế sau này dân gian còn gọi là bà chúa Ngừ hoặc bà chúa Phù Ngự .
Thời Lý Chiêu Hoàng ở ngôi, bà đứng vai trò là Thái hậu cho đến khi nhà Lý chấm dứt, triều Trần thành lập giáng bà xuống làm Thiên Cực công chúa và gả cho Trần Thủ Độ. Vì có công trong việc gây dựng nhà Trần và thành tích trong thời gian kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, Trần Thị Dung được vua Trần Thái Tông phong là Linh Từ quốc mẫu.
Trong thời gian quân dân nhà Trần tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, Linh Từ quốc mẫu lo việc hậu cần, đặc biệt là tổ chức các kho vũ khí, quân lương để đánh giặc nên cũng được coi như một “bà chúa Kho”.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có viết: “Khi người Nguyên sang xâm lấn, kinh thành thất thủ, Linh Từ ở Hoàng Giang giữ gìn hoàng thái tử, cung phi, công chúa, vợ con của các tướng thoát khỏi giặc cướp, lại khám xét thuyền của các nhà có chứa giấu đồ quân khí, đều lấy hết đưa đến quân. Nói về phần giúp đỡ nội trị cho nhà Trần thì Linh Từ có nhiều công to”.
- Bà chúa Kho làng Giảng Võ: Theo thần phả bà tên là Lý Thị Châu Nương, người ở phường Võ Trại (nay là khu vực Giảng Võ). Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ nhất bà đã giả trai theo chồng đánh giặc và chỉ huy việc bảo vệ kho lương hỗ trợ hậu cần cho binh sĩ. Sau đó được vua Trần phong chức “Quản trưởng quốc khố” (Coi giữ kho tàng quốc gia).
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 bà chỉ huy việc chuyển kho, bảo vệ của cải, lương thực cất giấu an toàn. Sau khi bà mất, triều đình phong là “Anh linh hiển ứng kho nương công chúa”, “Giám chưởng Quốc khố công chúa” và tước “Quốc khố đại vương phu nhân Thánh mẫu”, sai làng Giảng Võ lập đền thờ, còn người dân tôn gọi là “bà chúa Kho”.
- Bà Cả Đỏ: Tương truyền bà tên là Cả Đỏ làm nghề chài lưới, quê ở làng Cảnh Thụy (nay thuộc xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Bấy giờ vào thời Trần, cùng với người dân cả nước, bà Cả Đỏ đã góp phần công sức chống giặc, bà không chỉ dò tìm tin tức quân giặc để cung cấp cho quân triều đình mà còn đứng ra quyên lương thực, thóc gạo. Số lương thực có được, bà Cả Đỏ phân chia vào các kho lương mễ rồi cho chuyển đi cung cấp cho cho quân lính nhà Trần.
Hiện nay tại các địa phương quanh vùng vẫn còn các dấu tích địa danh liên quan đến bà Cả Đỏ như Ao Gạo là nơi xưa kia quyên thóc gạo, khu Vườn Voi xưa là bãi để luyện voi và cũng là nơi voi nghỉ sau khi vận tải lương thực… Sau này khi bà Cả Đỏ mất, người dân lập đền thờ ở làng Cảnh Thụy gọi là “đền bà Cả Đỏ” hay “đền vua Bà”. Trong tâm thức người dân, bà Cả Đỏ cũng được coi như một bà chúa Kho.
- Bà chúa Kho đồn Vĩnh Ty: Theo thần tích bà tên là Lê Bạch Nương, thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Lê, giỏi văn chương, tinh thông võ nghệ. Bà được triều đình sai phụ trách kho ngân khố tại Vĩnh Ty đồn (tên gọi trước kia của Phố Hiến). Bấy giờ có nạn giặc dữ, bà Bạch Nương đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ ngân khố quốc gia và tử trận.
Triều đình thương tiếc cho lập đền thờ và ban mỹ tự cho ngôi đền là “Thiên Phủ linh từ” (Nơi cất giữ báu vật) rồi “Thiên phủ chư tích” (Nơi trữ tích ngân khố). Ngôi đền này có tên chữ là “Thương Tỉnh Linh từ” nhưng người dân quen gọi là đền bà Chúa Kho hay còn gọi là đền Gốc Sanh (nay thuộc phường Quang Trung, TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên).
- Bà chúa Bầu: Tên thật là Vũ Thị Ngọc Anh quê gốc ở huyện Gia Phúc, xứ Hải Dương (nay thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Bà là người đã giúp tướng Vũ Văn Mật phụ trách quân lương hậu cần nhiều năm ở đất Thu Vật (nay thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) để chống lại nhà Mạc ủng hộ sự phục hồi quyền lực của nhà Lê.
Ngoài ra bà còn có công rất lớn trong việc hướng dẫn người dân cách khai hoang ruộng nước, canh tác, trồng bông dệt vải, tích trữ lương thảo… nên được gọi là “Bà Chúa lương”, “Bà Chúa kho”, “Bà Anh thần nông”, “Bà Bụt” và do các đời kế cận Vũ Văn Mật đều được gọi chung là chúa Bầu mà bà Ngọc Anh lại là phó tướng nên còn được gọi là “Bà Chúa Bầu”. Đền thờ bà ở huyện Lục Yên có tên là đền Đại Cại.
- Bà chúa Kho thành Nam: Bà tên thật là Nguyễn Thị Trinh, con gái quan Vệ úy Nguyễn Kế Hưng coi kho lương ở thành Nam Định (thời Nguyễn còn gọi là Thành Nam), sau kiêm nhiệm cả việc coi giữ kho khí giới. Bà là người tính tình cương nghị, giỏi võ nghệ, luôn kề cập giúp cha trong việc quản lý lương thực, khí giới.
Tháng 12 năm 1873, quân Pháp tấn công đánh chiếm thành Nam Định, thành thất thủ nhưng quân dân vẫn chống đánh quyết liệt. Bà Nguyễn Thị Trinh đang canh giữ kho quân lương, khi nghe tin cha đang bị giặc vây tại Cột Cờ bèn truyền cho một toán thuộc hạ chốt chặt các cửa kho, sau đó dẫn toán quân còn lại tiến ra trợ chiến rồi bà tử trận tại đây.
Khi vua Tự Đức xét công lao đã truy phong bà là “Giám thương Công chúa” (Công chúa coi kho) và lập đền thờ bà ngay dưới chân Cột Cờ nên được gọi là đền Cột Cờ (nay thuộc TP.Nam Định) và bà được gọi là “bà Chúa Cột Cờ”, “bà chúa Kho”.
Ngoài các nhân vật được suy tôn hoặc được coi là “bà chúa Kho” theo tín
ngưỡng, quan niệm được nói ở trên, có một số nữ thần được thờ phụng ở
vùng Kinh Bắc mà lý lịch xuất thân, truyền thuyết đều gắn với việc giúp
đỡ hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng được gọi là “bà chúa Kho” như bà
chúa Sành, bà chúa Thóa,…
Bên cạnh đó, một số nơi thờ tự cũng có ban thờ
bà chúa Kho hoặc có am miếu thờ riêng, có nơi như miếu thờ bà Chúa Kho
(phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) là nơi thờ vọng bà
chúa Kho Cổ Mễ, nhưng cũng có nơi như tại đền Yên Thành (28 phố Phan Huy
Ích, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội) thờ Lý Chiêu
Hoàng, có một ban thờ bà chúa Kho, nhưng đây là bà chúa Kho nào thì
không ai biết rõ.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.