Đây là thành tích đáng nể của 2 trong số 10 gương mặt xuất sắc được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2012.
Nữ tướng của 32.000 quân
Nói đến sản phẩm mây tre lá Ba Nhất (tỉnh Bình Dương), nhiều người nghĩ ngay tới hình ảnh bà Nguyễn Thị Cúc - “nữ tướng” đã ngoài tuổi “cổ lai hy”, tóc bạc phơ, chuyên giao tiếp với khách Tây bằng tiếng Anh, lãnh đạo hơn 3 vạn công nhân, nắm hàng trăm tỷ đồng trong tay, nhưng vẫn giản dị, chất phác. Bà Cúc – giống như những sản phẩm mà bà và hàng vạn công nhân đang nỗ lực làm nên: Đẹp tinh tế, khiêm nhường, nhưng ẩn chứa những giá trị lớn lao, sâu sắc.
|
Bà Nguyễn Thị Cúc hướng dẫn lao động làm sản phẩm mây tre. |
Từng bán nhà để khôi phục HTX, từng mặc áo bà ba, đội nón lá sang nhiều nước châu Âu, châu Á để tìm hiểu thị trường, bà thay đổi tư duy về sản phẩm “tre lá thô sơ, mộc mạc, giản dị” bằng các sản phẩm hữu dụng nhưng mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao. Không chỉ là các sản phẩm nhỏ, đơn giản như chùm đèn, giỏ, túi xách, khay, đĩa… HTX của bà còn sản xuất các vật dụng lớn và cầu kỳ như giường, salon, bàn ghế, kệ, tủ… Bà đến các khách sạn lớn tại các thành phố “năn nỉ” họ cho trang trí miễn phí bằng sản phẩm của mình. Bằng cách đó, bà đã nhanh chóng tiếp thị sản phẩm đến các đối tác nước ngoài.
Hiện nay, Ba Nhất đã có hơn 1.000 mẫu sản phẩm, xuất khẩu tới 32 nước trên thế giới, với nhiều thị trường khắt khe như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hà Lan… Năm 2011, Ba Nhất đạt doanh thu gần 10,5 triệu USD. Lao động làm gia công thu nhập cũng đạt hơn 3 triệu đồng/tháng.
Điểm đặc biệt hơn cả là bà Cúc đã bao dung nhiều lao động là người nhiễm HIV, sau cai, mãn hạn tù, học viên tại các trung tâm giáo dục xã hội… Trong thời kinh tế khủng khoảng, bà Cúc luôn cố gắng giữ thị trường ổn định, không để công nhân mất việc, giảm thu nhập. Bà nói đơn giản: “Xóa đói là đừng để người ta thất nghiệp. Còn giảm nghèo là chăm lo đời sống cho họ”. Theo bà, nếu không đảm bảo được những điều này thì khó có thể hô hào những người khó khăn không “ngựa quen đường cũ”.
“Con tằm” vàng
Chỉ loanh quanh trong xưởng máy mà mỗi ngày, chị Trần Kim Oanh (47 tuổi) – công nhân Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hà Nội phải đi bộ ít nhất… 10km để “quản lý” hơn 4.400 cọc sợi (cho 8 máy dệt), xe được hơn 400kg sợi. Năng suất đó của chị được tất cả các thợ dệt trong cả nước “ngả mũ kính nể” bởi người bình thường chỉ đứng được tối đa 3-4 máy. Không chỉ đi lại nhiều, đôi mắt chị phải cực tinh để canh cho các cuộn chỉ không đứt, tay thoăn thoắt nối chỉ...
20 giờ tối 19.10, sẽ diễn ra lễ trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2012 cho 10 cá nhân và 6 tập thể có thành tích xuất sắc trong mọi lĩnh vực, đại diện cho mọi tầng lớp phụ nữ. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV2.
Chị Oanh vào nghề năm 1984, nhưng nhờ phấn đấu, học hỏi liên tục, chị đã liên tục đạt thành tích cao trong các cuộc thi thợ giỏi. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, chị đã đạt đến “đỉnh” 6/6 – bậc cao nhất của công nhân công nghệ sợi cho đến nay.
Có tới thăm nơi chị làm mới hiểu sự nỗ lực đặc biệt của người nữ công nhân duy nhất được vinh danh năm nay. Khu vực sản xuất của chị là nơi nóng nhất trong gian máy, không phải ai cũng có đủ sức khỏe để trụ vững 8 tiếng/ngày.
Vậy mà khi đồng nghiệp ốm đau, chị kiêm nhiệm luôn máy của họ, đôi bàn chân lại guồng thật nhanh, mắt lướt, còn tay múa lên như con thoi dệt cửi. “Ngày nào tôi cũng trở về nhà với đôi chân nặng trĩu, đôi tay mỏi rời, mắt cay xè. Nhưng càng làm càng ham” – chị Oanh cho biết. Với thành tích làm việc, chị Oanh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2008.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.