Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km, cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20 km. Đây là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Ảnh: Thủy Nguyên.
Thánh địa từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm, hoàng thân, quốc thích. Hiện Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á, và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Ảnh: Thủy Nguyên.
Điểm lạ tại đây là hầu hết các tượng đều mất đầu. Có rất nhiều giả thuyết cho điều này. Được tán thành nhiều nhất là giải thích những người dân Chăm Pa cổ khi quyết định rời khỏi vùng đất này đã mang đầu của các bức tượng đến nơi định cư mới để thờ cúng. Ảnh: Thủy Nguyên.
Bình Định nổi tiếng với 8 cụm di tích gồm 14 tháp, trải trên ba huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. Ảnh: Đào Tiến Đạt.
Các cụm tháp được xây dựng cách nhau không xa và xoay quanh thành Đồ Bàn (nay là
thành Hoàng Đế ở Nhơn Hậu, An Nhơn). Hầu hết tháp được xây dựng từ thế kỷ 10-11. Ảnh: Dulichbinhdinh.
Đặc trưng của các cụm tháp tại đây là hoa văn, phù điêu bằng đá được trang trí trên các vòm cửa. Các bức phù điêu chạm khắc hình vũ nữ nhảy múa, tượng thần Silva, Ganesa bằng đá; tượng nữ thần Uma, tượng thần Bhama bằng đồng. Ảnh: Mytour.
Tháp Poklong Garai thuộc phường Đô Vinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, cách trung tâm thành phố 5 km về phía Tây Bắc. Tháp được người Chăm xây trên đỉnh Đồi Trầu vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14 để tưởng nhớ Poklon Giarai, vị vua đã có công trong việc dẫn thuỷ, hạ điền của địa phương. Ảnh: Mygola.
Quần thể tháp hiện còn 3 tháp là tháp Cổng, tháp Lửa và tháp Chính (khi xây dựng là 5 tháp). Tháp Chính cao hơn 21 m, mỗi cạnh dài 10 m, gồm 4 tầng, tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, tận cùng bằng một linga đá. Ảnh: Trekearth.
Khu di tích Tháp Bà Ponagar, thuộc TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là một trong những quần thể kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm Pa quy mô nhất còn lại ở miền Trung. Tháp được xây dựng từ khoảng thế kỷ 12-13. Ảnh: Nhatrangsensetravel.
Tháp Bà Ponagar là ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50 mét so với mực nước biển. Tổng thể kiến trúc của Ponagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp, ngang mặt đất bằng là tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa. Tầng giữa gọi là Mandapa (tức là nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Tầng trên cùng là nơi các ngọn tháp tọa lạc. Ảnh: Datvietdl/worldpress.
Tháp Nhạn nằm trên đỉnh núi Nhạn và là hình ảnh tiêu biểu của du lịch tỉnh Phú Yên. Nhìn từ xa, núi rất giống hình chim nhạn đang thu mình chuẩn bị bay lên. Ảnh: Tuoitretour.
Tháp được dựng lên từ vào thời chúa Nguyễn Hoàng khoảng từ năm 1578-1580. Kiến trúc của tháp gồm ba phần mà theo quan niệm của người Chăm tượng trưng cho trần tục, tâm linh và thần linh. Trải qua biến động và thời gian, tháp bị hư hại khá nhiều. Tuy nhiên, những hoa văn trên tháp vẫn còn sắc nét, thể hiện trình độ kiến trúc điêu luyện của người xưa. Ảnh: Panoramio.
(Theo An Huỳnh/Zing news)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.