Những vụ lừa tiền bảo hiểm chấn động thế giới

Phương Đăng (tổng hợp) Thứ tư, ngày 24/08/2016 13:00 PM (GMT+7)
Theo số liệu điều tra của FBI, trung bình mỗi năm, các vụ lừa đảo để chiếm đoạt tiền bảo hiểm gây tổn thất lên tới 50 tỷ USD. Tuy nhiên, dù có dùng thủ đoạn tinh vi thế nào, những kẻ lừa đảo bậc thầy vẫn bị phát hiện.
Bình luận 0

1. Cưa đứt tay để đòi 15 tỷ tiền bảo hiểm  

Kẻ chủ mưu vụ việc tên là Gerald Hardin. Theo cáo trạng của công tố viên quận Nam Carolina, tháng 5.2008, Hardin và một nghi phạm khác đã sử dụng một chiếc cưa chuyên dùng để cắt cành cây để cắt đứt một bàn tay của một người thứ 3 tham gia vụ lừa đảo.

img

Kẻ lừa đảo Gerald Hardin

Sau đó, 3 người này báo cáo vụ việc là một tai nạn vô tình để đòi khoản tiền bảo hiểm lên tới 671.00 USD (tương đương 15 tỷ đồng). Tuy nhiên, âm mưu của nhóm bị phát giác nhanh chóng. Theo đó, Hardin, kẻ chủ mưu vụ lừa đảo tiền bảo hiểm đối mặt với bản án 20 năm tù giam và khoản tiền phạt 250.000 USD.

2. Giả là nạn nhân vụ tai nạn xe bus nghiêm trọng để lừa đảo bảo hiểm

Khi Ronald Moore tình cờ chứng kiến một vụ tai nạn xe bus mà anh ta cho là đặc biệt nghiêm trọng, anh ta lập tức nảy ra âm mưu làm giàu nhanh chóng. Theo đó, Moore cũng giả vờ là một hành khách trên xe bus bằng cách lao vào hiện trường vụ tai nạn, giả vờ quằn quại ôm lưng đau đớn. Moore sau đó tuyên bố bị chấn thương ở lưng và nộp khiếu nại đòi tiền bảo hiểm.

img

Ronald Moore

Tuy nhiên, không may cho Moore, toàn bộ màn kịch vụng về của anh ta đều bị một camera an ninh ghi hình lại.

"Màn kịch đó rất hài", trợ lý công tố viên Linda Montag bình luận về vụ việc. Moore cuối cùng bị phạt 2 năm quản chế và phải nộp khoản tiền phạt lên tới 1.000 USD.

3. Dàn dựng cái chết giả để đòi 27 tỷ tiền bảo hiểm

Theo FBI, tháng 8.2010, 4 phụ nữ, trong đó chủ mưu là nhân viên nhà xác Jean Crump, 67 tuổi ở Nam Los Angeles (Mỹ) đã dàn dựng một vụ chết giả mạo, tổ chức làm đám tang giả để đòi 1,2 triệu USD (27 tỷ) tiền bảo hiểm.

Theo đó, bà Crump và các đồng phạm Faye Shilling, 61 tuổi, Barbara Ann Lynn, 64 tuổi và Lydia Eileen Pearce, 35 tuổi đã làm chứng tử giả, tổ chức đám tang giả cho một người đàn ông cũng là "giả" được gọi là "Jim Davis" để chiếm đoạt tiền bảo hiểm nhân thọ từ các công ty bảo hiểm có chính sách trả chi phí tang lễ cho người đã khuất.

Khi 2 công ty bảo hiểm tiến hành điều tra, cả nhóm đào quan tài trống, bỏ vào đó một người nộm cũng như các bộ phận của bò rồi tiến hành hỏa táng và tuyên bố tro cốt của người đã khuất đã được rải xuống biển. Nữ nhân viên nhà xác Jean Crump đã trả cho một bác sĩ khoản tiền 50.000 USD để làm giả giấy chứng tử. Tuy nhiên, thủ đoạn của nhóm này cuối cùng vẫn không thể qua mặt FBI.

4. Nhân viên bán bảo hiểm lừa 4 triệu USD

Lợi dụng kiến thức và kinh nghiệm thu được sau nhiều năm làm việc trong ngành bảo hiểm, nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ Aaron Travis Beaird ở Enumclaw, Washington đã đánh cắp tới 2 triệu USD từ các tài khoản của khách hàng của anh ta.

Beaird còn thuyết phục một người bạn mua bảo hiểm nhân thọ trị giá tới 2 triệu USD rồi sau đó công bố người bạn đã chết để lấy tiền bảo hiểm, theo Seattle Post Intelligencer.

img

Aaron Travis Beaird

Khi cảnh sát tiến hành điều tra, Beaird lái xe hơi tới một cây cầu và để lại một lá thư tuyệt mệnh thừa nhận tội lỗi của anh ta ở đây. Tuy nhiên, sau đó Beaird bị phát hiện còn sống và phải trả giá cho các vụ lừa đảo của mình.   

5. Cảnh sát báo mất xe hơi để lừa hơn 200 triệu tiền bảo hiểm

Năm 2009, cảnh sát ở New Jersey, Suliman Kamara, 30 tuổi đã lừa bảo hiểm xe hơi bằng cách tuyên bố xe bị mất cắp.

img

Suliman Kamara.

Sau đó, Kamara được nhận 10.000 USD (222 triệu đồng) tiền bảo hiểm từ Liberty Mutual. Tuy nhiên, 3 năm sau vụ lừa đảo bị phát hiện khi một nhân viên từ công ty bảo hiểm tình cờ nhìn thấy một chiếc xe hơi giống hệt chiếc xe bị báo mất đỗ ngay trước nhà của cảnh sát Kamara.

Sau khi tiến hành điều tra, công tố viên kết luận, cảnh sát Kamara đã thay giấy tờ của chiếc xe rồi báo mất để lừa tiền bảo hiểm. Kamara bị kết án 5 năm tù và 15.000 USD tiền phạt.  

6. Giả chết để lừa 2 tỷ tiền bảo hiểm

Một cặp vợ chồng ở Texas đã dàn dựng một vụ chết giả để lừa 110.000 USD tiền bảo hiểm. Theo đó, Clayton Daniels, 27 tuổi đã đào trộm tử thi của một cụ bà 81 tuổi vừa qua đời, mặc quần áo của anh ta cho xác chết và đưa vào trong xe hơi rồi thiêu cái xác đến mức không thể nhận dạng.

Sau đó, vợ của Clayton là Molly Daniels, 25 tuổi tuyên bố chồng mình đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi và đòi 110.000 USD tiền bảo hiểm.

Tuy nhiên, khi cảnh sát tiến hành điều tra, họ phát hiện Clayton vẫn sống khỏe ở ngay trong nhà mình với một bộ tóc vừa được nhuộm lại. Molly bị kết án 30 năm tù năm 2005 vì là người ra mặt đòi tiền bảo hiểm.

7. Giả chết vì bệnh sốt não, thay tên đổi họ để lừa 29 tỷ tiền bảo hiểm

Năm 2011, bà Anju Kuamr ở Watford (Anh) tuyên bố chồng mình là John Darwin không may qua đời vì bệnh sốt não trong một chuyến thăm Ấn Độ. Bà Kuamr cho biết, chồng được hỏa táng tại đây ngày 22.11.2011 và đòi 5 công ty bảo hiểm phải chi trả khoản tiền tổng cộng lên tới 1 triệu bảng Anh (tương đương 29 tỷ đồng).

Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm không tìm thấy hồ sơ điều trị của chồng bà Kuamr tại Ấn Độ. Sau đó, các thám tử phát hiện ra rằng ông John lâm vào tình trạng nợ nần ngập đầu và đang gánh áp lực phải trả nợ. Các thám tử sau đó phát hiện bà Kuamr chuyển 1.500 bảng Anh sang Ấn Độ cho chồng vào ngày 27.11.2011 - 2 ngày sau khi bà tuyên bố chồng qua đời.

Ngày 17.8.2012, ông John bay về Anh với tên giả là Sanjay Vig và lập tức bị bắt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem