Thọ Ngọc và quá khứ lùi xa 35 năm ở xứ Thanh (Bài 5)

Hữu Dụng Thứ ba, ngày 27/08/2024 06:00 AM (GMT+7)
Năm 1989, do bất bình với các khoản thu vô lý, các vụ tham nhũng, chèn ép của cán bộ xã, người dân Thọ Ngọc đứng lên đấu tranh, dẫn tới xô xát với lực lượng bảo vệ chính quyền. Sau nhiều bài học, quá khứ lùi lại phía sau, Thọ Ngọc hôm nay đã thành xã nông thôn mới...
Bình luận 0
Thọ Ngọc và quá khứ lùi xa 35 năm ở xứ Thanh (Bài 5) - Ảnh 1.

Thọ Ngọc và quá khứ lùi xa 35 năm ở xứ Thanh (Bài 5) - Ảnh 2.

Thọ Ngọc và quá khứ lùi xa 35 năm ở xứ Thanh (Bài 5) - Ảnh 3.

Nằm bên con sông Hoàng, xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa vốn là một làng quê thuần nông, bình yên, người dân chất phác, chăm chỉ, cần cù. Vậy mà chính những người nông dân ấy, vào những ngày tháng 6/1989 đã đấu tranh chống lại các khoản thu phi lý, tố cáo các vụ tham nhũng, chèn ép của một số cán bộ xã khi đó. Khi lực lượng chức năng về địa bàn giữ gìn trật tự, một số đối tượng quá khích dẫn đến xô xát giữa lực lượng bảo vệ chính quyền và người dân... 

Kết quả, có 2 nông dân bị trọng thương; người dân giữ trái phép 3 cảnh sát và 2 cán bộ, nhân viên Viện Kiểm sát huyện. Sau đó, Trung ương cử một đoàn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng một số nhà báo về tìm hiểu tình hình, tâm tư của bà con, sau đó những người bị giữ trái phép được thả; những ai vi phạm phải chịu sự trừng trị của pháp luật.

Sau mọi giông bão, Thọ Ngọc dần trở lại bình yên.

Thọ Ngọc và quá khứ lùi xa 35 năm ở xứ Thanh (Bài 5) - Ảnh 4.

Làng Mỹ Hạt, xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa nhìn từ trên cao.

Hơn 30 năm sau, câu chuyện của một thời gian khó những năm đầu đổi mới có lẽ chỉ còn trong ký ức những người già trong làng nhưng thế hệ cán bộ, lãnh đạo của Thọ Ngọc hôm nay vẫn coi đó là một bài học để giữ vững nguyên tắc trọng dân trong tất cả mọi vấn đề của xã.

Chúng tôi tìm gặp ông Đỗ Đình Bộ (SN 1953) nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Ngọc (ông bộ làm Chủ tịch UBND xã từ năm 1992, về hưu năm 2013). Trong 21 năm công tác tại xã, ông Bộ đã chứng kiến toàn bộ câu chuyện đau lòng năm 1989 khi một số người dân vì quá bức xúc, thiếu tỉnh táo đã bắt giam 5 cán bộ huyện... 34 ngày.

"Sau sự kiện ấy, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân xã, Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc xã Thọ Ngọc đã rút ra được nhiều bài học quý giá. Để ổn định lại lòng dân, lúc bấy giờ đội ngũ cán bộ huyện, xã họp bàn rất nhiều, đề ra hàng loạt nghị quyết, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết những bức xúc trong nhân dân lúc bấy giờ như: Minh bạch các khoản thu chi, đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, xây dựng kênh mương phục vụ sản xuất. Đáng chú ý, để tạo sự đồng thuận ngay từ đầu, tất cả mọi chủ trương, nghị quyết của xã đều được lấy ý kiến nhân dân và triển khai họp Đảng bộ để thống nhất", ông Đỗ Đình Bộ nhớ lại.

Cũng theo ông Bộ, sau những mâu thuẫn, xác định lấy lại lòng tin của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định trật tự, khi lãnh đạo xã triển khai bất cứ công việc gì, Đảng ủy, UBND xã đều họp và đưa ra bàn bạc một cách công khai, dân chủ sau đó mới triển khai đến từng Chi bộ, đảng viên. Từ việc nhỏ nhất cán bộ cũng phải cùng làm với dân…

Thọ Ngọc và quá khứ lùi xa 35 năm ở xứ Thanh (Bài 5) - Ảnh 5.

Nói về bài học kinh nghiệm về sự gần dân, tạo niềm tin cho dân, ông Đỗ Đình Bộ cho rằng: "Sau 21 năm công tác, từ vị trí Chủ tịch UBND xã rồi làm Bí thư Đảng ủy đến khi về hưu, tôi đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm để được sự đồng thuận của người dân là: Phải đoàn kết trong nội bộ, cán bộ đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Được Đảng bộ đồng thuận thống nhất cao là động lực triển khai. Được Hội đồng nhân dân tán thành và cụ thế hóa. Được sự đồng thuận của nhân dân và cuối cùng là Bí thư Đảng ủy hay Chủ tịch UBND xã phải cùng bắt tay vào làm để theo dõi, sát sao công việc và tháo gỡ những khó khăn kịp thời của nhân dân".


Thọ Ngọc và quá khứ lùi xa 35 năm ở xứ Thanh (Bài 5) - Ảnh 6.

Tiếp nối thành quả của các thế hệ trước, chính quyền và nhân dân Thọ Ngọc hôm nay tiếp tục coi xây dựng nông thôn mới là động lực để đưa quê hương ngày một phát triển.

Ông Lê Hữu Hùng, Chủ tịch UBND xã Thọ Ngọc cho biết, thực hiện Nghị quyết 12-NQ/HU ngày 22/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn về tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với vận động nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, đến nay, xã Thọ Ngọc đã có 515 hộ dân hiến đất mở đường, với tổng diện tích 8.899 m2.

Thọ Ngọc và quá khứ lùi xa 35 năm ở xứ Thanh (Bài 5) - Ảnh 7.

Theo ông Đỗ Đình Bộ, bài học an dân luôn được xã Thọ Ngọc đặt lên hàng đầu.

Trước khi triển khai Nghị quyết 12-NQ/HU, xã Thọ Ngọc gặp nhiều khó khăn trong quá trình hiến đất, mở đường. Tuy nhiên, cách làm linh hoạt, sáng tạo và kịp thời đã giúp Thọ Ngọc đẩy lùi khó khăn, nhận được sự đồng thuận lớn của người dân. Quan trọng, lãnh đạo địa phương đã nhạy bén phát hiện vấn đề để tháo gỡ điểm khó.

Đơn cử như vấn đề hỗ trợ. Sau khi nhân dân hiến đất, xã sẽ hỗ trợ tấm lam, xi măng, di dời cột điện. Tuy nhiên, nhận thấy một số người dân ban đầu đồng ý hiến đất nhưng sau đó thay đổi quyết định nên xã tiếp tục hỗ trợ máy múc để phá dỡ tường rào.

"Hộ nào khó phải thuyết phục bằng được, không có chuyện nhà này không đồng ý hiến đất lại bỏ qua, sang nhà khác. Khi đã thuyết phục được thì máy múc sẽ thực hiện nhiệm vụ. Người đi trước, máy đi sau. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, tôi cho rằng, Nghị quyết đã thực sự đi vào lòng dân, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân", Chủ tịch UBND xã Thọ Ngọc cho biết thêm.

Thọ Ngọc và quá khứ lùi xa 35 năm ở xứ Thanh (Bài 5) - Ảnh 8.

Ông Lê Minh Hùng ( thứ 2 từ phải sang) ở thôn 8 là một trong những người đầu tiên hiến đất mở đường giao thông ở Thọ Ngọc.

Ông Lê Minh Hùng ở thôn 8, xã Thọ Ngọc, là một trong những người đầu tiên ở xã hiến đất mở đường giao thông, gia đình ông đã tự phá bỏ tường rào và hiến 74m2 đất ở để mở rộng đường. "Bản thân tôi nhận thấy, việc mở rộng đường giao thông là rất cần thiết nếu không ai chịu hy sinh một phần lợi ích của mình thì con đường này sẽ không bao giờ mở rộng được. Vì vậy, bản thân tôi đã tiên phong hiến đất trước, khi mình làm thì người dân trong thôn thấy đó sẽ hiến theo. Đường rộng, đẹp thì mọi người cùng được hưởng lợi. Đúng là mở đường... lợi đủ đường", ông Hùng cho biết.

Thọ Ngọc và quá khứ lùi xa 35 năm ở xứ Thanh (Bài 5) - Ảnh 9.

Đưa chúng tôi đi một vòng thăm xã, anh Nguyễn Văn Sơn, cán bộ văn phòng xã Thọ Ngọc giới thiệu, giờ đây xã Thọ Ngọc đã khoác lên mình bộ áo mới, các tuyến đường liên xã, liên thôn đều được thảm nhựa hoặc bê tông hóa. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên sát nhau, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thực tế, người dân xã Thọ Ngọc rất chịu thương, chịu khó, sống ôn hòa, tháo vát cần cù và ngược xuôi nhiều nơi buôn bán đủ nghề để mưu sinh.

Thọ Ngọc và quá khứ lùi xa 35 năm ở xứ Thanh (Bài 5) - Ảnh 10.

Một con đường được người dân thôn 9, xã Thọ Ngọc hiến đất để mở rộng đường.

Với sự đoàn kết, quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, diện mạo nông thôn Thọ Ngọc ngày càng khang trang, sạch đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên.

Hiện, xã Thọ Ngọc vẫn đang trong quá trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nỗ lực phát triển hạ tầng, xây dựng các mô hình sản xuất, phát triển các phong trào... Xác định đó là nhiệm vụ khó khăn, xã quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân trên địa bàn, tập trung thực hiện các biện pháp xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Thọ Ngọc và quá khứ lùi xa 35 năm ở xứ Thanh (Bài 5) - Ảnh 11.

Người dân thôn 8, xã Thọ Ngọc vui mừng trên con đường làng được mở rộng và bê tông hóa sạch đẹp.

Ngoài cơ chế hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và huyện thì xã cũng đã có nhiều cơ chế hỗ trợ như: đầu tư xây mới, tu sửa, nâng cấp, chỉnh trang các nhà văn hóa thôn, các đường trục chính trong xã; đầu tư cơ sở vật chất trường học; xây dựng hệ thống kênh tiêu trên trục đường, hỗ trợ xi măng cho các thôn mở rộng, nâng cấp đường, hỗ trợ vôi ve cho các thôn. Hiện, xã Thọ Ngọc chỉ còn 1,06% hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 56,9 triệu đồng/người/năm.

Chủ tịch UBND xã Thọ Ngọc ông Lê Hữu Hùng cho biết: Không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, những năm tới, xã Thọ Ngọc sẽ tập trung chỉ đạo nhân dân nâng cao chất lượng các tiêu chí; nhất là quan tâm chỉ tiêu phát triển kinh tế nâng cao đời sống cho người dân. Xã duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa - thể thao, công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

(Còn nữa)

Thọ Ngọc và quá khứ lùi xa 35 năm ở xứ Thanh (Bài 5) - Ảnh 12.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem