Chỉ nói đảm bảo, không nói bổ sung
Ngày 5/12/2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 31 (TT 31) quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường (CTSHD).
Trong TT 31, Bộ Y tế quy định, các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong CTSHD bao gồm sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng đáp ứng các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng.
Đáng chú ý, theo TT 31 các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong CTSHD phải bảo đảm đủ 21 vi chất dinh dưỡng với hàm lượng như canxi; sắt; các loại vitamin A, E, C, D3, B1, B2, B5, B3, B6, B7, B12…
Thông tin này ngay khi được công bố đã tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều về tác dụng của việc thêm vi chất.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, việc Bộ Y tế ban hành TT 31 là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu khoa học, có ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng.
Các vi chất được yêu cầu đảm bảo trong các sản phẩm sữa tươi dùng trong CTSHD theo TT 31 của Bộ Y tế.
Ông Trung cho biết, ngày 16/12 vừa qua, Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng đã có văn bản gửi đến các cơ quan hữu quan nêu rõ quan điểm của Hội về các quy định trong TT 31 của Bộ Y tế.
Theo ông Trung, TT 31 được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong CTSHD.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, tài liệu của Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) đã cho thấy trong sản phẩm sữa động vật như bò, trâu, dê, cừu có 10 loại khoáng chất và 15 loại vitamin.
Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam Trần Quang Trung
Như vậy, việc quy định các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong CTSHD tại TT 31 phải đảm bảo đủ 21 vi chất dinh dưỡng này là phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam do Bộ Y tế ban hành năm 2016.
Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, quy định trong TT31 yêu cầu đảm bảo đủ các vi chất trong mỗi hộp sữa, mục đích nhằm mang đến cho người dùng, đặc biệt là trẻ em đầy đủ nhất các vi chất trong mỗi hộp sữa được nhận.
“TT 31 đưa ra là yêu cầu phải đảm bảo đủ cái đó, chứ không nói bổ sung vào vì bản thân nó đã có rồi. TT 31 nói đảm bảo, vì có thể hàm lượng các vi chất có thể thay đổi, khi đưa ra thành dạng công nghiệp, hộp nào cũng như hộp nào thì phải đảm bảo đủ các vi chất đó” – Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam nói thêm.
“Như vậy là sai lầm”
Trái ngược với quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, TS.Nguyễn Văn Khải (hay còn gọi là ông già ozone) thẳng thắn nhìn thận với PV Dân Việt, việc làm đó “là sai lầm”.
Nêu quan điểm của mình, TS.Nguyễn Văn Khải nói ông phản đối việc thêm vi chất vào sữa dùng trong CTSHD.
TS. Khải phân tích, cũng giống như nước, nếu pha 1 chất vào gọi là dung dịch, sữa mà pha thêm vi chất vào, thì lúc ấy phải nói rằng đấy là hỗn hợp sữa. Trong các vi chất đó có thể có chất nhiều, chất ít, có thể công ty A pha chất này nhiều, công ty B lại pha chất này ít, hỗn hợp này không thể gọi là sữa tươi được.
Chuyên gia Nguyễn Văn Khải dẫn lại kiến thức, theo ông sữa tươi là chính là sữa của bà mẹ, con bò, con dê, con khỉ,… tạo ra; sữa nguyên chất là sữa cũng từ những nguồn sữa trên tạo ra mà không bị pha tạp; sữa tiệt trùng là khi sữa tươi hoặc sữa nguyên chất đưa ra, trong quá trình đó có thể có khuẩn này khuẩn kia, ta khử đi gọi là sữa tiệt trùng.
“Phải công bố các chất có trong sữa, tỷ lệ bao nhiêu %, bấy giờ các cơ quan chuyên môn mới xét là với các tỷ lệ ấy, các thành phần hoá học trong sữa có đảm bảo hay không.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải thẳng thắn, ông phản đối việc thêm vi chất vào sữa tươi.
Phải kiểm định là có tốt hơn sữa tươi hay không, có tốt hơn sữa nguyên chất hay không, và điều đặc biệt là phải đảm bảo tiệt trùng. Phải chứng minh được sữa đã pha vi chất đảm bảo phát triển sinh lý của trẻ em, không để lại tồn dư độc hại” – TS. Khải bộc bạch.
“Nếu sữa pha chất vào, tên nó khác. Phải chọn chất nào được pha thêm có khối lượng nhiều nhất trong sữa ấy mà gọi tên” – TS. Khải ví von.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS. Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng – RTCCD chia sẻ, không nên quy định cứng nhắc là bao nhiêu vi chất mà cho một khoảng “dao động” về số lượng vi chất để tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Vì ở mỗi một địa phương, hoàn cảnh kinh tế khác nhau thì nhu cầu về vi chất của trẻ cũng khác nhau.
Ví dụ như trẻ ở miền núi sẽ thiếu canxi, thiếu dinh dưỡng; trẻ vùng biển thừa canxi vì ăn cá tôm cua nhiều; trẻ ở thành phố sẽ thừa nhiều vi chất mà thiếu canxi do lười vận động ngoài trời; trẻ nông thôn sẽ thiếu i ốt, thiếu kẽm...
Theo TS.Trần Tuấn, trong chiến lược giải bài toán “sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ em”, khoa học đã chỉ ra “một đồng vốn bỏ vào giai đoạn đầu đời, đưa lại lợi ích gấp 4 - 9 lần” so với nếu bỏ vào các giai đoạn sau này.
Lợi ích cả về sức khỏe và kinh tế khi “can thiệp càng sớm càng tốt” là cơ sở cơ bản để toàn thế giới đang thúc đẩy giải quyết phòng chống bệnh tật nói chung và phòng chống bệnh tật liên quan tới dinh dưỡng nói riêng (suy dinh dưỡng, béo phì, rối loạn chuyển hóa do thiếu vi chất dinh dưỡng…) bằng “can thiệp sớm vì sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ trong 1000 ngày đầu đời”. Mà biện pháp cơ bản, hàng đầu, đặc biệt phù hợp với các nước nghèo, chính là thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ theo đúng khuyến cáo của WHO.
“Do đó, chúng ta cần có những giải pháp để khuyến khích người dân nuôi con bằng sữa mẹ. Đây mới là giải pháp chống suy dinh dưỡng tốt nhất và tiết kiệm tiền nhất” - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng – RTCCD nói.
Cho đến thời điểm này việc Bộ Y tế ban hành TT 31 quy định tiêu chuẩn quy định các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong CTSHD phải bảo đảm đủ 21 vi chất dinh dưỡng đã và đang tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Tuy nhiên, điều thực tế đang thấy hiện nay là các bậc cha mẹ học sinh có con trong độ tuổi uống sữa học đường có sự băn khoăn nhất định. Trong khi những tranh luận về việc có thêm hay không thêm vi chất vẫn chưa dừng lại, kể cả khi TT 31 của Bộ Y tế đã ban hành quy định rõ ràng, họ vẫn đang có một nỗi lo, con em họ có thực sự đang được sử dụng sản phẩm đảm bảo theo đúng tinh thần góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.