Nick Út và bức ảnh “Em bé Napalm”: Giá trị của sự thật, lẽ phải
Nick Út và bức ảnh “Em bé Napalm”: Giá trị của sự thật, lẽ phải
Nhật Lệ
Thứ hai, ngày 02/05/2022 10:00 AM (GMT+7)
Những ngày cuối tháng 4/2022, tại TP.HCM, tôi tìm gặp “huyền thoại” nhiếp ảnh Nick Út. Năm nào cũng vậy, nhiếp ảnh gia chiến trường Nick Út lại về Việt Nam, đến các vùng xa ở miền Trung giúp đỡ người nghèo. Nhìn ông vẫn trẻ trung, hoạt bát và đầy xúc động khi kể về những trải nghiệm của mình trong các chuyến đi...
Là tác giả của bức ảnh "Em bé Napalm", Nick Út đã đi vào lịch sử nhiếp ảnh thế giới, gây chấn động toàn cầu vì tính chân thực ám ảnh về nỗi kinh hoàng và thân phận của trẻ em trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Phóng viên chiến trường huyền thoại
Em bé Napalm đã được bình chọn là bức ảnh có sức lay động nhất thế giới trong 50 năm qua. Bức ảnh cũng thay đổi cuộc đời của phóng viên chiến trường Nick Út cũng như nhân vật trong ảnh - cô Kim Phúc. Cả hai sau khi vượt qua những ám ảnh hậu chiến đã xích lại gần nhau với tình chú - cháu, cha - con gắn bó.
Về sau, không chỉ cựu Tổng thống Donald Trump tôn vinh Nick Út như một biểu tượng cống hiến cho nghệ thuật nhiếp ảnh, mà gần đây nhất, Đức Giáo Hoàng ở Vatican cũng muốn diện kiến ông nhân kỷ niệm 50 năm ra đời bức ảnh lịch sử. Báo chí, truyền hình ở Mỹ cũng muốn làm buổi lễ kỷ niệm về bức ảnh "Em bé Napalm" đã đi vào lịch sử, góp phần giúp thế giới nhận chân ra sự thật chiến tranh ở Việt Nam.
Với Nick Út, mỗi bức ảnh trên chiến trường là cách ông đứng về sự thật, lẽ phải, và người dân. Ông muốn thông qua những bức ảnh để thức tỉnh hòa bình, kêu gọi chấm dứt cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam.
Bận rộn như thế nhưng Nick Út vẫn không quên ghé đảo Hải Tặc (Thái Lan) nơi nhiều thuyền nhân Việt từng bỏ mạng, để làm phóng sự ảnh. Ông nói: "Gặp những nhân chứng của một thời, tôi rất sốc. Trong đó có cả cô gái năm xưa bị đánh đập, cưỡng hiếp rồi ép làm gái. May mà sau này cô thoát ra được động quỷ đó. Rồi những người đàn ông, đàn bà sống vật vờ trên đảo, không có việc ổn định. Thương họ mà không biết giúp cách nào... Rồi tôi có gặp một tỷ phú người Thái và đề nghị ông giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho họ, người này đã gật đầu".
Con người huyền thoại ấy đến nay dù đã nghỉ hưu vẫn đi khắp thế giới, làm những điều chưa ai làm. Ở nhà nhiếp ảnh này vẫn cháy lên ngọn lửa đam mê với nghề, vẫn trân trọng nghề săn ảnh của phóng viên chiến trường và không thôi trăn trở về chiến sự Nga-Ukraine.
"Chiến tranh luôn là nỗi ám ảnh, cho đến bây giờ tôi vẫn còn sợ hãi, không dám xem phim chiến tranh, đánh đấm. Có những đêm, tôi lăn từ trên giường xuống đất, vì mơ thấy bom đạn nổ quanh mình và trẻ em bị giết hại. Xem hình ảnh nhiều người bị thảm sát ở làng Bucha (Ukraine) mới đây mà lòng tôi đau đớn, bật khóc và càng muốn góp thêm tiếng nói hòa bình thông qua những chuyến đi và những bức ảnh của mình…" - Nick Út trầm ngâm giây lát.
Trở lại TP.HCM, cựu nhiếp ảnh gia chiến trường Nick Út tham gia triển lãm những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, nói chuyện, gặp gỡ, làm từ thiện, đến những vùng đất nghèo khó nhất ở miền Trung.
"Tôi đi nhiều nơi trên thế giới để mở mang tầm mắt và tiếp tục có lời cảnh tỉnh về chiến tranh, xung đột để nhân loại biết quý mạng sống của con người".
Nhiếp ảnh gia Nick Út
Con người Nick Út là thế. Với bạn bè, ông luôn giản dị, thân thiện, luôn nở nụ cười hiền lành. Nơi xảy ra chiến sự, ông luôn là người đi đầu, đến trước, xông pha còn hơn cả lính tráng, chỉ vì muốn có những hình ảnh chân thực nhất. Với những nhân vật trong các bức ảnh, ông thường có mối liên lạc kỳ lạ về sau như một mối duyên gặp gỡ, yêu thương và giúp đỡ họ khi cần. Trước cái ác, ông run lên vì giận dữ và chấp nhận đánh đổi để có những bức ảnh thức tỉnh cuộc chiến.
Còn trước cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông được xem như một anh hùng thời chiến đầy phẩm hạnh, khi nhận huân chương cao quý cho tác phẩm nhiếp ảnh "Em bé Napalm", điều mà không phải nhiếp ảnh gia nào trên thế giới có thể nhận được vinh dự này.
Bức ảnh thay đổi cục diện cuộc chiến
Nick cho biết, sau khi chụp bức ảnh "Em bé Napalm" và đăng lên báo, ông luôn bị chính quyền miền Nam hăm dọa, tìm kiếm. May mà để tên Nick Út nửa Tây nửa ta nên họ không biết người chụp là người Mỹ hay Việt.
Thấy vậy, ông không dám ở văn phòng của hãng ảnh nhiều mà đi miền Trung, đi hoài như vậy... "Ăn mặc đồ lính trông oai vệ, lính tưởng là... tư lệnh sư đoàn, có biết đâu tôi là dân… trốn quân dịch!" - Nick Út cười hóm hỉnh.
Nói về bức ảnh "Em bé Napalm", Nick Út trầm ngâm kể: "Hôm đó là 8/6/1972, tại Trảng Bàng, Tây Ninh, các nhiếp ảnh gia khác sau khi chụp hình khói đen bốc lên thì tản ra ngoài, không hiểu sao tôi còn nấn ná lại. Sau khi thấy một người lính ném lựu đạn khói màu chỉ điểm cho không quân bỏ bom thì tôi biết có chuyện rồi. Khói bốc lên màu vàng, rồi nghe tiếng phản lực cơ xẹt qua và thả 2 quả bom xuống. Tôi chụp lia lịa và không ngừng quan sát. Một chiếc sau đó bay rất thấp thả 4 trái bom, lúc đó không ai biết là bom napalm, lửa cháy bừng lên, khói đen rồi khói trắng lan rộng. Không ngờ lát sau, từ màn khói trắng chạy ra mấy đứa nhỏ, người dân, rồi cả đàn chó… Tôi chụp được hình người đàn ông và người đàn bà ẵm xác 2 đứa nhỏ chạy ra. Rồi một bà già (sau này tôi mới biết là bà ngoại Kim Phúc) chạy ra cầu cứu, tay ẵm đứa nữa bị lột phỏng da chân tay vì bỏng nặng.
Lúc đó, các nhà báo trong và ngoài nước đứng chặn hết đường lo chụp, bà không đi qua được, đành đứng cạnh họ. Tôi đưa máy lên chụp, mới chụp thì thằng bé nấc rồi tắt thở. Vừa chụp, tôi vừa liếc ở góc máy về hướng Cao Đài thì nhìn thấy một cô gái dang tay chạy đến, tôi chạy tới chụp liền, toán phóng viên cũng chạy theo.
Tới gần, thấy da cô bé tuột hết, lưng cũng cháy sém. Tôi nghĩ chắc cô bé sẽ chết mất vì đau đớn không chịu nổi, liền lấy nước tưới lên người cô đang cháy. Lúc đó tôi chỉ kịp nghĩ, nếu mình chỉ chụp thì cô ấy sẽ chết, phải cứu cô mới được. Một ông già mặc đồ trắng kiểu đạo Cao Đài, năn nỉ tôi đưa bọn nhỏ đi bệnh viện. Xung quanh, mọi nhà báo, lính tráng đều rút ra lộ rồi.
Tôi cho mấy đứa nhỏ lên xe trước rồi ẵm Kim Phúc lên, cho cô ấy ngồi trên sàn xe vì lưng cháy không thể ngồi dựa được. Trong xe, cô cũng liên tục nói với anh trai "chắc em chết". Sau đó, tôi mang nước cho cô bé uống. Một số bé trong hình tôi vẫn còn liên lạc được. Tới bệnh viện ở Củ Chi, lúc đầu họ không chịu nhận vì là bệnh viện quân y, tôi phải đưa thẻ nhà báo ra và "dọa" sẽ công khai chuyện này lên truyền thông, họ đành sơ cứu cho Kim Phúc và các cháu bé".
Nick chia sẻ, nếu cô Kim Phúc chết, có lẽ ông cũng sẽ tự tử vì day dứt không cứu được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.