Niềm vui từ “lợn cắp nách”

Thứ năm, ngày 07/03/2013 07:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 300 phụ nữ tại tỉnh Lào Cai đã tìm được nhiều niềm vui từ một vật nuôi cũ là “lợn cắp nách” (hay lợn đen) – một giống lợn bản địa quý tại huyện Mường Khương.
Bình luận 0

Dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, chị Hảng Thị Chênh (dân tộc Mông ở thôn Sín Lùng Chải A, xã Lùng Khấu Nhin, Mường Khương) đã bán 2 con lợn to (mỗi con 1 tạ) để có thêm khoản tiền đáng kể sắm tết. Cặp “lợn cắp nách” của chị cũng đã đẻ thêm 4 con. Chị đã chuyển lại một con giống có cân nặng và chất lượng tương đương cho chị em phụ nữ cùng tổ để giúp người khó khăn hơn cùng nuôi lợn.

img
Chị em ở xã Lùng Khấu Nhin tập huấn về ủ phân vi sinh.

Không còn thả rông lợn như trước

Gia đình chị Chênh thuộc diện gia đình chính sách thương binh liệt sĩ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, khi có dự án hỗ trợ phụ nữ làm chủ kinh tế thông qua các tổ nhóm nuôi lợn đen (tháng 12.2011), chị Chênh cùng 29 chị em khác trong thôn đã quyết định tham gia.

Họ không chỉ được hỗ trợ lợn giống và một phần thức ăn chăn nuôi mà còn được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh thú y, xây dựng chuồng trại, cách ủ men vi sinh để xử lý chất thải, cách phòng bệnh cho lợn… đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng thịt khi xuất chuồng. Trước đây, các gia đình thường thả rông lợn nên không đảm bảo vệ sinh môi trường, lợn dễ nhiễm bệnh. Với việc xây chuồng nuôi lợn, điều này đã được cải thiện.

Các hoạt động của dự án tại thôn Sín Lùng Chải A là một phần trong chương trình sinh kế của Oxfam tại Lào Cai, trọng tâm là 2 huyện Bát Xát (các xã Trịnh Tường, Mường Hum) và Mường Khương (xã Lùng Khấu Nhin). Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường sự tham gia và vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, thông qua giải pháp thị trường có lồng ghép giới. Dự án cũng vận động cho việc lồng ghép các mục tiêu về nâng cao vai trò làm chủ kinh tế của phụ nữ trong các chiến lược phát triển của Lào Cai.

Bế con cho vợ đi họp

Từ khi chị Chênh tham gia sinh hoạt theo tổ nhóm, chồng chị đã chia sẻ công việc nhà với vợ. Khi vợ cho lợn ăn, anh xay ngô, khi vợ đi họp nhóm phụ nữ, anh bế con – điều ít thấy trước đây, khi người phụ nữ nơi đây chưa tham gia công tác xã hội, trách nhiệm chăm sóc con nhỏ ở nhà thường “dành” cho phụ nữ.

Lợn đen Mường Khương là một trong 3 giống lợn quý của miền Bắc. Khi trọng lượng của lợn nặng từ 15-20kg là đã có thể xuất bán, giá thường cao gấp đôi thịt lợn thường.

Cho đến tháng 10.2012, đã có 366 phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia trong 14 tổ nhóm phụ nữ chăn nuôi lợn đen. 150 lợn giống gồm cả lợn đực và lợn nái, đã được dự án giao về cho các tổ nhóm, từ đó các chị em sẽ cùng bàn bạc xem hộ nào sẽ được nhận lợn như một khỏan “đầu tư” cho chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ.

Khi lợn nái đẻ, các hộ nói trên sẽ trả lại cho tổ một con giống có chất lượng tương đương, để luân chuyển cho các chị em khác trong tổ. Chị em cũng đã tham gia các khóa tập huấn về chăn nuôi, quản lý và sử dụng tủ thuốc thú y, quản lý kinh tế hộ gia đình… Các thành viên trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong gia đình, sau khi tham gia các hoạt động truyền thông, chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức… về bình đẳng giới đã bước đầu có những thay đổi.

Từ chỗ lạ lẫm với cách làm mới, chị em đã dần tự tin hơn và mở rộng hoạt động của tổ nhóm. Dự án kỳ vọng đến cuối năm 2015 sẽ có hơn 1.000 chị em người Mông, Dao, Nùng, Dáy… ở 2 huyện Bát Xát và Mường Khương cùng hưởng niềm vui làm chủ kinh tế; phát triển thương hiệu “lợn đen”. Đến được đích này không đơn giản vì còn nhiều rào cản ngôn ngữ, liên kết giữa các nhóm sản xuất, nhóm tiêu thụ và nhóm dịch vụ hỗ trợ còn lỏng lẻo. Nếu chị Chênh và các chị em khác tin vào chính mình và chủ động nắm bắt cơ hội, phát triển những nguồn vốn quý của địa phương, họ sẽ đến đích.

Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Người mẹ, người vợ luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc vun trồng nuôi sống gia đình mình và toàn xã hội.

“Của để dành” phòng khi hữu sự

“Thường thì bà con, nhất là người Mông và người Dao hay nuôi lợn trong nhà, mỗi nhà 1-2 con, vừa để tiết kiệm, khi cần thì bán, và vừa để làm nguồn thức ăn dự trữ trong nhà. Nuôi lợn đen tốn nhiều thời gian hơn so với nuôi lợn lai, nhưng bán thì được giá hơn. Chị em phụ nữ thường là người bán lợn, và giữ lại số tiền đó để chi tiêu trong gia đình. Nếu chị em chăn nuôi nhiều lợn hơn, nuôi tốt hơn, làm ra nhiều tiền hơn, thì họ sẽ có tiếng nói và quyền quyết định tốt hơn trong nhà.”

Lưu ý khi mở rộng quy mô

“Cùng với mức sống các vùng ngày càng khá lên, người ta có nhu cầu ăn ngon hơn. Lợn đen Mường Khương được các gia đình người dân tộc nuôi trong điều kiện gần như là “nuôi hữu cơ”. Lợn nhiều thịt ít mỡ, thịt mỡ đều ngon, triển vọng thị trường khá tốt… Tuy nhiên, muốn phát triển lợn đen thành hàng hóa, có 2 thách thức. Một là cần phải đảm bảo kỹ thuật chăn nuôi, quản lý chất lượng sản phẩm, và hai là cần kết nối người sản xuất với thị trường.”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem