Níu chân người trồng mía, Phó Chủ tịch Thanh Hoá ra "tối hậu thư"

Thứ bảy, ngày 29/12/2018 19:10 PM (GMT+7)
Mía là cây trồng chủ lực của Thanh Hóa nhưng vài năm trở lại đây, nhiều nông dân đã quay lưng với cây trồng này. Ngành mía đường Thanh Hóa đang đứng trước nhiều thử thách và cần tìm phương án nâng cao giá trị kinh tế cho cây mía nếu muốn “níu chân” nông dân.
Bình luận 0

“Bỏ thì thương, vương thì tội”

Niên vụ ép 2018-2019, bà Viên Thị Sơn, thôn 1, xã Yên Lạc (Như Thanh) có 2 ha mía nguyên liệu, năng suất khoảng 60 tấn/ha/năm. Theo bà Sơn, với đặc tính có thể lưu gốc thu hoạch 3 vụ liền, chừng đó diện tích, gia đình bà đầu tư hết gần 240 triệu đồng. Nếu giá thu mua hiện nay của các nhà máy là 750 nghìn đồng/tấn, gia đình bà thu về 270 triệu đồng/2ha/3 vụ.

img

Ngành mía đường đang đứng trước nhiều thách thức

Tính ra, trong 3 năm trồng mía, với 2 ha, gia đình bà chỉ thu lãi ròng khoảng 30 triệu đồng, tức là chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/ha/năm. Nếu so sánh với những loại cây trồng khác như sắn, ngô, keo thì cây mía vừa lãi không cao bằng lại vừa tốn sức, tốn công hơn.

“Giá thu mua mía năm nay thấp hơn niên vụ trước 250 nghìn đồng/tấn. Nếu tỉnh và nhà máy không có chính sách, không nâng giá thu mua thì chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không ít hộ đã chuyển sang trồng các cây trồng khác” – bà Sơn cho biết.

Không giống như bà Sơn, từ vài năm nay, bà Trần Thị Lý tại thôn 5, xã Xuân Du (Như Thanh) đã chuyển 1,8 ha trồng mía sang trồng đào, thanh long ruột đỏ và cây ăn quả. Theo bà Lý, nếu cứ đà này, việc người dân bỏ cây mía chỉ còn là vấn đề thời gian: “1,8 ha đất mía tôi chuyển sang trồng đào, thanh long, mỗi năm cũng lãi trên dưới 100 triệu đồng. Cây mía bây giờ đầu tư lớn nhưng giá bán lại thấp nên nhiều hộ đã chuyển đổi sang trồng các loại cây khác”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, mía vẫn được coi là cây trồng chủ lực nhưng trong vài năm lại đây, cùng với khó khăn của ngành mía đường, diện tích mía trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng giảm. Niên vụ ép 2017-2018, toàn tỉnh có 25.667 ha, năng suất bình quân đạt 59,48 tấn/ha, giá thu mua bình quân 1,046 triệu đồng/tấn (chữ đường 10CCS).

Niên vụ ép 2018-2019 diện tích giảm xuống 24.762 ha, năng suất bình quân dự kiến đạt 60,4 tấn, giá thu mua mía bình quân theo dự tính chỉ còn từ 718.650 - 838.000 đồng/tấn.

img

Nhiều nông dân đã quay lưng với cây mía

Nếu các công ty không có chính sách điều chỉnh giá thì trong 3 năm liên tục lưu gốc, người trồng mía chỉ lãi được từ trên 1 triệu đồng đến gần 23 triệu đồng/3 năm. Đó là một con số thê thảm không tưởng của ngành mía đường trong nhiều năm qua. Việc nông dân quay lưng với cây mía là điều sẽ diễn ra trong một sớm một chiều.  

“Nhà máy phải thu mua thế nào để năm sau nông dân còn trồng mía”!

Đó là “tối hậu thư” của ông Nguyễn Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra tại hội nghị Tổng kết sản xuất mía đường vụ ép 2017-2018; triển khai kế hoạch sản xuất vụ ép 2018-2019; định hướng phát triển mía nguyên liệu vụ ép 2019-2020.

Theo ông Quyền, địa phương rất chia sẻ với khó khăn của ngành mía đường nhưng không vì thế mà giao chỉ tiêu, kế hoạch diện tích mía về cho các địa phương rồi “ép” nông dân trồng mía bằng mọi giá.

“Hiện nay, nhiều cây trồng khác có hiệu quả hơn cây mía đã du nhập. Các nhà máy phải công bố giá cả và chính sách đầu tư cụ thể, không thể có chuyện mỗi nhà máy thu mua một giá dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán. Nếu giá thu mua mía vẫn thấp, tôi đề nghị khi nhà máy báo cáo kế hoạch trồng, các huyện phải tính toán, cân đối lại chứ không thể cứ giao kế hoạch như thời bao cấp được...” – ông Quyền thẳng thắn.Cần có nhiều giải pháp tăng giá trị cây mía để cứu ngành mía đường

img

Đại diện Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân) cho rằng, giá đường giảm xuất phát từ lý do khách quan đang diễn ra trên thế giới. Đây đang là thời điểm nằm trong chu kỳ giảm giá mía đường khi mà giá dầu thô giảm nên nhiều diện tích mía trên thế giới, từ việc sản xuất cồn sinh học đã chuyển sang sản xuất đường.

Vì thế, lượng đường trên thế giới đang dư thừa khoảng 15 triệu tấn. Đường tinh luyện tràn vào Việt Nam theo nhiều con đường. Nước ta hiện cũng đang dư thừa trên 2,2 triệu tấn đường trong khi nhu cầu đường năm 2019 chỉ khoảng 1,6 triệu tấn. Từ đó, đại diện Nhà máy đường Lam Sơn cảnh báo, việc phục hồi giá đường sẽ diễn ra chậm.

“Chúng tôi cam kết sẽ mua hết sản lượng mía của nông dân trong vùng nguyên liệu. Nhà máy đường chỉ xin xái đường, mật rỉ để làm phân bón, tái sản xuất thức ăn chăn nuôi còn đường thì trả lại hết cho nông dân. Đang trong thời điểm khó khăn, chúng tôi cũng chỉ cố gắng giữ diện tích gần 10.000 ha nguyên liệu, những diện tích trồng mía kém hiệu quả thì khuyến cáo bà con chuyển sang cây trồng khác.

Trước đây, chúng tôi hợp đồng với hàng trăm xã thu mua nhưng nay nhờ tích tụ ruộng đất, chúng tôi gom lại 40 đầu mối là các hợp tác xã. Cùng với đó là chính sách sản xuất cánh đồng lớn thâm canh tăng năng suất, đầu tư vườn ươm để cho ra đời những giống mới ưu việt; mở rộng sản xuất các mặt hàng để gia tăng giá trị cây mía như mật rỉ, phân hữu cơ…

Năm trước chúng tôi đã bán được 50 triệu KWH điện và năm nay đang phấn đấu lên 60 triệu KWH điện sẽ hòa vào điện lưới Quốc gia. Tất cả đều vì mục tiêu vượt qua thời điểm khó khăn này và mong nông dân chia sẻ và gắn bó với cây mía” – ông Lê Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Lam Sơn cho biết.

Trước những khó khăn của ngành mía đường, Thanh Hóa có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ về máy móc thay thế việc thiếu hụt nhân lực trong trồng, chăm sóc, thu hoạch mía; giảm số lượng và nâng chất lượng giống mía; tăng diện tích thâm canh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tạo điều kiện tích tụ ruộng đất… Theo kế hoạch phát triển mía đường niên vụ 2019-2020, Thanh Hóa duy trì 25.900 ha mía, năng suất bình quân đạt 68 tấn/ha. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, kế hoạch duy trì diện tích mía đang đứng trước nhiều thách thức.

Võ Văn Dũng (Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem