Nợ của các tập đoàn lên đến 70% nguồn vốn

Thứ sáu, ngày 26/07/2013 06:12 AM (GMT+7)
Ngày 25.7, Kiểm toán Nhà nước tổ chức họp báo báo cáo kết quả kiểm toán 2012 về niên độ ngân sách 2011. Kết quả cho thấy nhiều điều đáng suy nghĩ, nhất là việc thua lỗ, nợ nần tại các tập đoàn, tổng công ty lớn.
Bình luận 0
Có chi sai nguồn cải cách tiền lương

Về nội dung chấp hành ngân sách trong mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản, Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái chỉ ra một số đơn vị tại một số bộ, ngành, địa phương quản lý tài sản thiếu chặt chẽ, để xảy ra sai phạm như mua sắm tài sản không đúng quy định của Luật Đấu thầu (như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Nội vụ, Bộ TNMT, tỉnh Phú Yên); một số sử dụng không đúng mục đích, đối tượng (Tổng cục Hải quan); nhiều đơn vị mua sắm tài sản chưa đúng tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ (Đà Nẵng, Quảng Nam, Tây Ninh, Quảng Ninh…); chưa xây dựng, ban hành quy chế quản lý tài sản công (Điện Biên); chưa tiến hành xử lý kịp thời các tài sản khi kết thúc dự án, đề tài theo quy định (Tổng cục Hải quan, Bộ TNMT, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng); sử dụng nhà đất không đúng mục đích, cho thuê trái phép, cho mượn sai quy định, bị lấn chiếm, tranh chấp hoặc để hoang hóa (Bộ VHTTDL, Tổng Liên đoàn Lao động VN, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ NNPTNT, Bộ LĐTBXH).

Nợ tại các tổng công ty lớn hiện vẫn rất cao (ảnh minh họa).
Nợ tại các tổng công ty lớn hiện vẫn rất cao (ảnh minh họa).

Về thực hiện cải cách tiền lương, Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết: Có tới 18/28 địa phương được kiểm toán chưa trích đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định với tổng số tiền là 4.160 tỷ đồng, 13/28 địa phương còn sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên, chi giải phóng mặt bằng, tạm ứng cho các nhiệm vụ phát sinh tại địa phương… chưa đúng quy định là 3.368 tỷ đồng (đứng đầu là Quảng Ninh với trên 876 tỷ đồng).

Ngoài ra, một số địa phương báo cáo sai nguồn cải cách tiền lương được để lại từ nguồn thu học phí, viện phí và thu sự nghiệp khác, nguồn năm trước chuyển sang dẫn đến việc Bộ Tài chính cấp thừa nguồn cải cách tiền lương cho một số địa phương là 114 tỷ đồng (Đăk Nông là 61 tỷ đồng, Nam Định 53 tỷ đồng).

Hoạt động bằng... vốn vay, vốn chiếm dụng

Một trong những kết quả kiểm toán được báo giới quan tâm là kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tổ chức tài chính ngân hàng. Theo báo cáo của KTNN, năm 2012, KTNN đã kiểm toán báo cáo tài chính của 271 DN thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước.

Kết quả cho thấy, 23/27 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh vẫn có lãi (Vinafood 1, Vinacafe, Vinachem, Habeco, Vinafood 2…). Tuy nhiên, một số đơn vị kinh doanh có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt dưới 5% (như Vinaconex, PVC, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN VEC, Vinacco…), 4/27 tập đoàn, tổng công ty và một số công ty con thuộc các tập đoàn, tổng công ty thua lỗ (tiêu biểu như Petrolimex lỗ 1.671 tỷ đồng, Cienco 8 lỗ 137,9 tỷ đồng, Vinaincon lỗ gần 20 tỷ đồng…).

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, tổng nợ phải thu của 27 tập đoàn, tổng công ty đến 31.12.2011 là 54.133 tỷ đồng, nợ phải thu trên tổng tài sản là 20,56% và trên vốn chủ sở hữu là 82,97%. Một số đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ để khách hàng chiếm dụng vốn lớn (như Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 thuộc Vinaincon tỷ lệ này lên tới gần 60%).

Sau khi có kết quả kiểm toán 2012 về niên độ ngân sách 2011, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 14.710,8 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 1.991,5 tỷ đồng, giảm chi NSNN 2.308 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 5 vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật, kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm xử lý 26 cá nhân liên quan.

Tổng các khoản đầu tư tài chính của các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đến 31.12.2011 là 25.750 tỷ đồng, trong đó đầu tư dài hạn chủ yếu tập trung vào các công ty con và các công ty liên kết có nguồn gốc từ cổ phần hóa.

Hiệu quả đầu tư của một số đơn vị thấp, nhiều công ty liên doanh, liên kết kinh doanh thu lỗ, mất vốn như PVC đầu tư vào công ty liên kết PVC – SG lỗ 85,8 tỷ đồng, PVC – Land lỗ 66,4 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty CP Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế đến 31.12.2011 là 1.090 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ 982 tỷ đồng.

Có một kết quả đáng chú ý là tổng nguồn vốn của 27 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đến 31.12.2011 là 263.288 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu là 65.241 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng vốn), nợ phải trả chiếm gần 70% tổng vốn cho thấy các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng.

Điều này có thể nhìn thấy rõ qua tỷ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn của hàng loạt tập đoàn, tổng công ty Nhà nước như VEC là 97,9%, Vinaincon là 91%, Cienco 4 là 89,3%, Vinaconex là 81,7% (lãi tiền vay phải trả của các đơn vị được kiểm toán trong năm 2011 là 1.532 tỷ đồng), Vinafood 1 là 68%, Vinafood 2 là 65%, PVC là 67%...
Hải Phong ( Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem