Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, hai tiêu chí số 10 và 12 là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập là những tiêu chí khó nhất trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM.
|
Sản xuất rau an toàn tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). |
Làm gì để giàu?
Ông Nguyễn Đức Học- Chủ tịch UBND xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: "Thực tế, xây dựng NTM là một việc khó, vì kinh nghiệm của hầu hết cán bộ xã còn hạn chế. Kể từ khi được chọn làm xã điểm NTM, Thụy Hương đã chú trọng vào khâu sản xuất với 3 mô hình là: Trồng hoa, rau an toàn và cây ăn quả với diện tích trên 30ha.
Một số địa phương cũng cho rằng, với tiêu chí đề ra ở các xã NTM, thu nhập của người dân phải bằng 1,5 lần mức bình quân chung của tỉnh, thành phố là rất khó thực hiện do đây đều là các xã thuần nông, việc chuyển dịch cơ cấu lao động không dễ thực hiện.
Hiện tại đã có một doanh nghiệp về đầu tư trồng rau ở đây, song cả doanh nghiệp và người dân vẫn đang tìm ra phương thức hợp tác thống nhất để cùng có lợi".
Ông Học cũng thừa nhận: Mặc dù đã đạt được đến 14 tiêu chí về NTM, nhưng tiêu chí chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập Thụy Hương vẫn chưa thể đạt được. Do đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn"...
Bà Phan Thị Cẩm Nhung - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) cho hay: để đẩy nhanh tốc độ xây dựng NTM, chúng tôi đã lên kế hoạch huy động tới 459 tỷ đồng, trong đó T.Ư chỉ hỗ trợ có 10 tỷ đồng, còn nhân dân đóng góp tới 233 tỷ đồng. Song đến nay dân mới ủng hộ được 103 tỷ đồng do sức dân còn có hạn, nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng”.
Hiện Tân Thông Hội cũng đang chọn giải pháp là đi vào trồng trọt các loại cây có giá trị cao như kiểng, hoa lan, song song với giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhờ vậy giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đã đạt tới 177 triệu đồng.
Trong khi Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khá "xông xênh" về vốn, thì vấn đề tiếp cận với các nguồn vốn vay của các địa phương khác lại gặp nhiều khó khăn như ở xã Tam Phước (huyện Tam Kỳ, Quảng Nam) trong 2 năm chỉ vay được có 4 tỷ đồng từ ngân hàng, trong khi nguồn vốn tín dụng tối thiểu phải cần đến 30%.
Ông Võ Thanh Anh- Chủ tịch UBND xã Tam Phước giải thích: "Hiện chỉ có những hộ khá giả mới vay được vốn từ ngân hàng, còn các hộ trung bình và nghèo rất khó vay".
Nâng cao thu nhập cho tất cả người dân
Theo báo cáo của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng NTM, đến nay đã có hơn 100 mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ được xây dựng trên cơ sở phát huy lợi thế của các địa phương. Hầu như xã nào cũng có 3-4 mô hình sản xuất có hiệu quả, một số xã đã hình thành được các sản phẩm hàng hoá lớn.
Ông Hồ Xuân Hùng- Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng: "Hiện chúng ta vẫn còn trăn trở hình hài NTM sẽ như thế nào khi mỗi vùng, miền có sự khác biệt. Nhưng mục tiêu chung là phải làm sao để nông dân được hưởng thành quả lao động của chính mình. Mấu chốt để tăng thu nhập cho dân là từng địa phương phải tìm ra được lợi thế của mình để từ đó phát huy".
Hiện tại Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng NTM đã xác định các giải pháp phát triển sản xuất, trong đó yêu cầu Ban Quản lý các xã phải dành ít nhất 20% số vốn T.Ư hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hoá của cả xã. Đồng thời, tích cực thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất, chế biến nông sản, sớm hình thành các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn tại các xã điểm.
Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng NNPTNT, kiêm Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng NTM nêu vấn đề: "Chúng ta cần thực hiện 2 việc song song, đó là tăng thu nhập và giảm lao động trong nông nghiệp chuyển sang làm phi nông nghiệp. Muốn làm được như thế cần đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm cho tất cả các hộ dân trong xã có thu nhập cao lên, chứ không phải chỉ một vài hộ, đây chính là mấu chốt của vấn đề".
P.V
Vui lòng nhập nội dung bình luận.