Nỗ lực giảm nghèo cho người có công

Minh Huệ - Tạ Nguyệt Thứ hai, ngày 25/11/2019 16:29 PM (GMT+7)
Dù đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đối tượng người có công (NCC), nhưng không ít NCC vẫn còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Số liệu thống kê của Bộ Lao động -Thương binh và xã hội (LĐTBXH) cho thấy, đến cuối năm 2018 cả nước vẫn còn 16.000 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC, chiếm khoảng 1,2% tổng số hộ nghèo trong cả nước.
Bình luận 0

Để đạt mục tiêu đến hết năm 2020 không còn hộ nghèo có thành viên là NCC, cần nhiều nỗ lực hơn nữa.

10 tỉnh không còn hộ nghèo có người có công

Theo ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTBXH), đến cuối năm 2018, có 53/63 tỉnh, thành phố còn 16.560 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC chiếm 1,27% tổng số hộ nghèo cả nước. Cụ thể, 2 tỉnh có hơn 1.000 hộ là Nghệ An và Quảng Bình. Từ hơn 500 đến dưới 1.000 hộ có 8 tỉnh. Từ hơn 300 đến dưới 500 hộ có 10 tỉnh. Từ 100 đến dưới 300 hộ có 21 tỉnh, dưới 100 hộ có 13 tỉnh.

Ngoài ra, 10 tỉnh đã không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC là Gia Lai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Cà Mau, Hà Nội, Đồng Nai, Tây Ninh, TP Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng đánh giá, đây thực sự là điều trăn trở trong công tác giảm nghèo, khi chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để NCC sống dưới mức sàn an sinh xã hội, vẫn còn thành viên là NCC vẫn đang còn sống trong hộ nghèo.

img

Ông  Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng người có công thuộc diện hộ nghèo tại huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. (ảnh: Minh Nguyệt)

Bà Hồ Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An là 1 trong 2 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo là NCC cao nhất cả nước (sau Quảng Bình). Hiện toàn tỉnh có 712.000 đối tượng NCC, trong đó có 1.026 hộ gia đình nghèo có NCC (chiếm 1,98% số hộ nghèo toàn tỉnh).

Bà Loan chia sẻ, sở dĩ tỷ lệ hộ nghèo NCC ở tỉnh này cao là bởi tỷ lệ hộ nghèo nói chung ở tỉnh này cũng cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. “Về nguyên nhân, ngoài yếu tố khách quan như thiếu tư liệu sản xuất, vốn vay, NCC đã cao tuổi, mất sức lao động… thì một bộ phận thân nhân của NCC thuộc diện hộ nghèo còn chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Chính quyền địa phương nhiều nơi còn chưa chủ động, quyết liệt trong việc tìm giải pháp hỗ trợ đối tượng NCC thoát nghèo” - bà Loan nhận định.

Theo bà Loan, hiện nay công tác điều tra, rà soát NCC thuộc diện hộ nghèo cũng chưa đồng bộ, còn tình trạng mỗi nơi một cách thống kê. Có nơi chỉ thống kê NCC thuộc diện trợ cấp hàng tháng (thương binh, bệnh binh, người hoạt động cách mạng trước 1945), có nơi lại thống kê tới 12 loại đối tượng NCC (người hưởng trợ cấp hàng tháng và đối tượng hưởng trợ cấp 1 lần) vì thế kết quả chưa chính xác. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc hoạch định các chế độ chính sách giảm nghèo cho nhóm đối tượng này chưa phù hợp.

Mặc dù tổng số NCC thuộc dạng hộ nghèo thấp hơn Nghệ An, nhưng Yên Bái lại là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo là NCC cao hơn với tỷ lệ đạt 2,2%. Ông Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, đến đầu năm 2019, tỉnh đang quản lý 68.409 hồ sơ NCC. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 17,68% với tổng số 37.634 hộ nghèo. Trong đó, có 836 hộ nghèo có thành viên thuộc diện chính sách ưu đãi NCC, chiếm tỷ lệ 2,22% trong tổng số hộ nghèo của tỉnh.

Ông Tiến cho hay, phần lớn các thành viên là đối tượng chính sách NCC thuộc các hộ nghèo hiện nay là những người tham gia hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế chỉ hưởng trợ cấp một lần và được hưởng các ưu đãi về bảo hiểm y tế (không phải là đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng).

“Nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo diện NCC còn cao chủ yếu là do thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu sức lao động, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu việc làm thường xuyên dẫn đến thu nhập thấp và không ổn định. Một số thành viên trong các hộ nghèo NCC tuy ở trong độ tuổi lao động nhưng chưa nỗ lực cố gắng vươn lên, chưa tích cực tham gia học nghề, hoặc sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ không hiệu quả nên chưa thoát nghèo” - ông Tiến nói.

Không để hộ có công sống dưới mức trung bình

Ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, nghị quyết của Quốc hội đặt mục tiêu đến hết năm 2020 cả nước không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này là điều không hề đơn giản. Theo ông Dũng, cần phải đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình đặc điểm thực tế của các hộ nhằm đảm bảo đời sống của NCC thuộc hộ nghèo từng bước được nâng lên, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, không để hộ NCC nào sống dưới mức sống trung bình của cả nước.

Về phía các địa phương, ông Tiến cho biết: “Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với nhóm hộ nghèo có thành viên là đối tượng NCC. Cụ thể là hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ đất sản xuất, phương tiện sản xuất và các tư liệu sản xuất khác; hỗ trợ học nghề, việc làm, xuất khẩu lao động… tạo động lực mạnh mẽ để giúp họ có điều kiện tốt hơn vươn lên thoát nghèo. Như tỉnh Yên Bái đã đề ra mục tiêu tập trung các nguồn lực để hỗ trợ cho toàn bộ 836 hộ nghèo có thành viên là NCC trên địa bàn tỉnh thoát nghèo trong năm 2019”.

Bà Đỗ Thị Hồng Hà - Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) đề xuất: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của NCC và con em họ về giải quyết việc làm, chủ động tìm kiếm, tự tạo việc làm cho bản thân và thu hút lao động vào làm việc để tăng thu nhập; Hỗ trợ ưu tiên cho hộ nghèo có NCC thông qua chương trình giảm nghèo  như chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ưu tiên trong vay vốn... Bên cạnh đó, hỗ trợ tạo việc làm, học nghề, vay vốn cho con em của NCC thuộc diện hộ nghèo.                                 

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, cả nước hiện có hơn 9 triệu NCC với cách mạng. Trong đó, có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận… Ngân sách nhà nước hằng năm dành hơn 30.000 tỷ đồng để chăm lo cho NCC.

Tuy nhiên, thống kê về giảm nghèo của Bộ LĐTBXH cho thấy, đến cuối năm 2018, cả nước vẫn còn hơn 16.000 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem