Năm 2014, di sản Huế đã được UNESCO đưa ra khỏi danh sách bị khuyến cáo. Những nỗ lực nào đã giúp di sản Huế hồi sinh, thưa ông?
-Từ 2004, Ủy ban Di sản thế giới đưa di sản Huế vào danh sách “Những di sản bị khuyến cáo” và đến năm 2006 lại bị khuyến cáo lần nữa. Nguyên nhân là do sau các đợt giám sát các hoạt động liên quan đến di sản tại Huế, các chuyên gia của ủy ban này thấy rằng việc phát triển hạ tầng đô thị ồ ạt của Huế đe dọa đến di sản. Cụ thể như ở Nam sông Hương xuất hiện một loạt khách sạn, nhà cao tầng, rồi việc việc mở đường Hồ Chí Minh cắt ngang lăng Minh Mạng và tiền án của lăng Khải Định. Trong khi đó, UNESCO đề nghị Huế xây dựng “Kế hoạch quản lý tổng thể quần thể di sản Huế” nhưng rất nhiều năm không làm được.
Du khách tham quan Đại nội Huế. T.H
Năm 2012, khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm, tôi quyết tâm xây dựng kế hoạch quản lý di sản Huế và có kế hoạch giải trình với UNESCO về lộ trình mà mình đã làm được. Cụ thể như giải trình các yếu tố tác động đến quần thể di sản Huế là đường tránh qua các lăng Minh Mạng, Khải Định đã được khắc phục. Lăng Minh Mạng chúng tôi đã thực hiện dự án trồng 8ha rừng bao quanh khu vực bảo vệ vành đai lăng để ngăn chặn tiếng ồn, khu vực lăng Khải Định cũng cho trồng cây… Đối với việc khống chế xây cất trong khu vực 1 và 2 của di tích thì đã có một kế hoạch để bảo vệ, đặc biệt là đã cắm mốc toàn bộ di tích và có kế hoạch điều chỉnh theo Luật Di sản văn hóa một cách phù hợp nhất. Nhờ những nỗ lực đó mà UNESCO đã thống nhất đưa Huế ra khỏi danh mục những di sản bị khuyến cáo.
Nguyên nhân nào khiến Huế chậm xây dựng kế hoạch quản lý di sản theo đề nghị của UNESCO?
Quan điểm
Theo tôi không nên ham nhiều về số lượng khách mà nên đi sâu vào chất lượng, bởi vì du lịch Huế chủ yếu vẫn là du lịch về văn hóa, về di sản. Du khách đến nhiều quá sẽ tác động trực tiếp đến sự bền vững di sản”.
-Do sự e ngại của chính quyền địa phương. Năm 2004 và đặc biệt từ năm 2006, UNESCO đề nghị Huế cần xây dựng kế hoạch quản lý và đưa thêm yếu tố cảnh quan văn hóa, trong đó có cảnh quan sông Hương vào vùng bảo vệ thì nó đã gây ra một sự ngần ngại khá lớn của lãnh đạo tỉnh. Người ta ngại vì nếu mở rộng vành đai vùng bảo vệ và đưa thêm tiêu chí cảnh quan văn hóa vào thì sẽ gây ra nhiều khó khăn. Bởi vì thực tế là các dự án ở đồi Vọng Cảnh và ở cồn Hến, cồn Dã Viên đã vấp phải sự phản ứng của dư luận. Họ cho rằng nếu mở rộng vành đai bảo vệ và đưa yếu tố cảnh quan vào như vậy thì sẽ rất khó cho sự phát triển.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do có sự hiểu khác nhau trong Luật Di sản văn hóa của nước ta và Công ước của UNESCO. Ngay cả khi UNESCO đưa vào vành đai bảo vệ theo quan điểm của công ước thì người ta vẫn được phát triển, người dân vẫn được xây nhà cửa, vẫn được làm cái này cái kia. Trong khi đó, Luật Di sản văn hóa thì lại ngược lại, chặt hơn rất nhiều. Nếu hình dung mỗi người dân khi làm nhà cửa phải trình đơn lên tận Bộ VHTTDL theo Luật Di sản văn hóa thì vô cùng kẹt cho sự phát triển. Mặc dù vậy, sau khi tham khảo các ý kiến, tôi quyết tâm xây dựng kế hoạch quản lý. Tuy chậm trễ nhưng đầu năm 2015 chúng tôi sẽ hoàn thành kế hoạch này và nó sẽ là nền tảng rất tốt cho hồ sơ tái đề cử di sản Huế vào năm 2017.
Theo một số chuyên gia, công tác bảo tồn, trùng tu di tích tại Việt Nam còn tùy tiện và thiếu kiến thức. Ở Huế có xảy ra tình trạng này?
- Trùng tu ở Việt Nam nhiều nơi lộn xộn, thiếu sự quy chẩn, nhiều khi dung túng quá cho việc xã hội hóa. Năm 1992, khi trùng tu Ngọ Môn, UNESCO đã cử chuyên gia đến Huế tham gia vào công tác này. Từ đó đến nay, quá trình trùng tu của mình có sự giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Di sản thế giới. Mặt khác, sau khi trở thành di sản thế giới, mình phải tuân thủ chặt chẽ công ước về trùng tu di sản văn hóa của UNESCO. Trùng tu ở Huế được đánh giá cao vì hiểu được đúng đắn tinh thần trùng tu. Vì thế các chuyên gia Ủy ban Di sản thế giới đang đề nghị Huế nên xây dựng thành trung tâm trùng tu kiến trúc gỗ chuẩn mực của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2015, Trung tâm có kế hoạch gì về xã hội hóa đầu tư trùng tu di tích và thu hút du khách nhằm phát huy giá trị di sản Huế?
- Mỗi năm di tích Huế cần 350 tỷ đồng để trùng tu, nhưng thực tế những năm qua số vốn để trùng tu không nhiều, nên chúng tôi quyết tâm sử dụng nội lực của mình. Cũng là xã hội hóa nhưng bằng cách thông qua nguồn thu từ bán vé tham quan, tức là nhờ đóng góp của toàn xã hội. Năm 2015 chúng tôi sẽ trích lại từ nguồn bán vé 75 tỷ đồng cho việc trùng tu di tích. Từ nay đến 2020 sẽ nâng dần kinh phí này, đến 2020 sẽ đạt mỗi năm ít nhất 100 tỷ đồng.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.