Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
“Hôm nay tôi có những cảm xúc mạnh mẽ. Hôm nay tôi cảm thấy mình là người Qatar, tôi cảm thấy mình là người Arab, tôi cảm thấy mình là người châu Phi, tôi cảm thấy mình là người đồng tính, tôi cảm thấy mình là người khuyết tật, tôi cảm thấy mình là công nhân nhập cư”, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino nói hôm 19/11.
Ông sau đó bổ sung “Tôi cảm thấy mình là phụ nữ”, khi một phóng viên hỏi việc ông không đề cập đến phụ nữ trong tuyên bố trên.
Vài giờ trước giờ bóng lăn, chủ tịch FIFA đã thẳng thừng tuyên bố phương Tây không có tư cách "giảng đạo đức" cho những quốc gia khác.
Những tuyên bố trên của ông Infantino được đưa ra sau khi Qatar - nước đăng cai World Cup 2022 - hứng hàng loạt chỉ trích từ các phương tiện truyền thông phương Tây.
Bài chỉ trích diễn ra một ngày trước khai mạc World Cup 2022 của chủ tịch FIFA khiến cộng đồng quốc tế và truyền thông phương Tây dậy sóng. Tuy nhiên, với người Arab và Hồi giáo, thông điệp này gây tiếng vang mạnh mẽ, theo CNN.
Omar Alsaadi - 21 tuổi, người Qatar - nói ông Infantino đã lên tiếng “từ quan điểm của phương Tây”, về điều mà nhiều người Qatar cảm nhận khi trở thành mục tiêu của phân biệt chủng tộc.
Thời gian qua, phương tiện truyền thông phương Tây dường như bị chi phối bởi những tranh cãi xoay quanh World Cup 2022, hơn là bản thân môn thể thao này. Họ đưa tin về cách Qatar đối xử với lao động nhập cư, quy định về cộng đồng LGBTQ và những hạn chế về mặt xã hội tại quốc gia này.
BBC bỏ qua lễ khai mạc World Cup 2022 để phát sóng chương trình chỉ trích nước chủ nhà, theo Guardian. Đài truyền hình này lên án cách Qatar đối xử với lao động nhập cư và người đồng tính, cũng như nạn tham nhũng tại FIFA.
World Cup năm 2022 chắc chắn không giống kỳ World Cup nào trước đó, theo BBC. Đây là lần đầu tiên ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức tại một quốc gia Hồi giáo. Qatar đã đi một chặng đường dài để sự kiện này nhuốm hương vị Arab và Hồi giáo.
Lễ khai mạc theo chủ đề Bedouin diễn ra vào hôm 20/11 bắt đầu với cảnh nữ ca sĩ mặc trang phục burqa truyền thống. Đây là loại khăn che mặt bị một số nước châu Âu cấm. Buổi lễ cũng trích dẫn câu nói trong Kinh Qur’an về việc Thượng đế tạo loài người thành “các quốc gia và bộ lạc” để có thể thấu hiểu nhau.
Theo báo cáo trên mạng xã hội, một số phòng khách sạn tại Qatar đã cung cấp cho du khách mã QR để tìm hiểu về đạo Hồi, trong khi các tình nguyện viên dạy cho du khách về thời trang Hồi giáo.
Ủy ban Tối cao về Chuyển giao & Di sản (SC) của Qatar cho biết họ cam kết hướng tới “kỳ World Cup toàn diện và không phân biệt đối xử”.
“Mọi người đều được chào đón ở Qatar. Tuy nhiên, chúng tôi là quốc gia bảo thủ. Mọi hành động thể hiện tình cảm ở nơi công cộng, theo bất cứ cách nào, đều bị phản đối. Chúng tôi chỉ yêu cầu mọi người tôn trọng văn hóa của chúng tôi”, báo cáo của SC ghi.
Các biểu tượng Hồi giáo tại Qatar cũng vào tầm ngắm. Một trò đùa từ nhà báo Pháp về việc có “rất nhiều nhà thờ Hồi giáo” ở Qatar đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng người Hồi giáo trên mạng xã hội.
Không chỉ vậy, các hãng thông tấn phương Tây bị cáo buộc lan truyền định kiến về người Arab và người Hồi giáo.
Hôm 21/11, Times of London chú thích ảnh bằng dòng “Người Qatar không quen nhìn thấy phụ nữ mặc trang phục phương Tây ở đất nước họ”. Tuy nhiên, bức ảnh này sau đó đã bị xóa vì bị “gắn cờ” trên mạng xã hội. Khoảng 87% trong tổng số 2,9 triệu người của nước này là người nước ngoài, trong đó có nhiều công dân phương Tây.
“Tôi nghĩ các phương tiện truyền thông phương Tây mang thiên kiến vì họ không muốn thấy người Arab và Hồi giáo tổ chức thành công giải bóng đá toàn cầu”, Najd Al-Mohanadi - công dân Qatar 20 tuổi - nói.
Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông phương Tây đã lên tiếng chống lại cáo buộc rập khuôn và thiên vị.
Ayman Mohyeldin - người dẫn chương trình của MSNBC, trước đây làm việc cho Al Jazeera - cho biết việc đưa tin gần đây về Qatar cho thấy “chiều sâu định kiến phương Tây, sự phẫn nộ về mặt đạo đức, đặc biệt là tiêu chuẩn kép”.
Economist và New York Times cũng đăng tải các bài báo bảo vệ quyền đăng cai giải đấu của Qatar. Times of London nói những lời chỉ trích Qatar là “đạo đức giả”.
Tuy nhiên, theo James Lynch - giám đốc nhóm nhân quyền FairSquare, dù một số tin tức về Qatar ở phương Tây củng cố định kiến tiêu cực về thế giới Hồi giáo Arab, hầu hết lời chỉ trích đều "công bằng và đúng đắn".
“Việc chỉ ra những tin tức kiểu vậy là hoàn toàn đúng, nhưng thật sai lầm khi vơ mọi tin tức và ám chỉ tất cả, hoặc hầu hết, lời chỉ trích đều là do phân biệt chủng tộc", ông nói.
Ông nói người lao động Qatar đối mặt với điều kiện làm việc khắc nghiệt, lạm dụng, đặc biệt là người giúp việc và thợ xây. Trong khi đó, phụ nữ và cộng đồng LGBTQ phải chịu đựng phân biệt đối xử và đàn áp nghiêm trọng, cả về mặt pháp luật lẫn ngoài đời thực.
Một số người lên án phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin tiêu cực về Qatar đã phản bác các quốc gia có hồ sơ nhân quyền không tốt khác không bị soi xét kỹ tới vậy khi tổ chức các sự kiện thể thao toàn cầu.
Maryam AlHajri - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu sau đại học Doha - cho biết một số lời nói nhắm vào Qatar chứng tỏ phương Tây quan tâm nhiều hơn đến "đàm luận về phương Đông" (orientalist discourse) - cụm từ chỉ việc áp đặt và tôn vinh thế giới quan phương Tây - hơn là quyền con người.
"Đây không nên được coi là sự biện minh để ngừng chỉ trích tình hình của người lao động nhập cư ở Qatar", bà nói. “Thay vào đó, cần phải đặt vấn đề về tình trạng của người lao động nhập cư vào ngữ cảnh như một phần của trật tự kinh tế toàn cầu hóa, xây dựng dựa trên chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa tư bản chủng tộc”.
Tuy nhiên, bà lưu ý một số người bảo vệ chính phủ Qatar đã bỏ qua những lỗ hổng về nhân quyền của nước này.
“Nhiều người bảo vệ Qatar đang sử dụng ngôn ngữ một cách thái quá", bà nói. “Hoàn cảnh của nhóm lao động nhập cư ở nhiều nơi khác như Mỹ hay Anh không khiến vấn đề ở Qatar biến mất. Đây không nên là whataboutism (một dạng ngụy biện, khi mọi người không thảo luận về vấn đề đang diễn ra, mà phản bác lại bằng lời buộc tội khác về cùng chủ đề - PV)".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.