Nỗi buồn đeo đẳng 4 tộc người: Bài cuối: Khó đạt mục tiêu đề ra

Thứ năm, ngày 20/03/2014 10:23 AM (GMT+7)
Vậy là sau gần 3 năm phê duyệt, “chiếc phao cứu sinh” cho 4 dân tộc ít người miền núi phía Bắc vẫn chưa có hiệu quả. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Xuân Lương (ảnh) - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT).
Bình luận 0
Thưa Thứ trưởng, là cơ quan chủ trì và theo dõi Đề án Phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao, ông có thể nói rõ hơn mục đích của đề án này?

Ông Hoàng Xuân Lương  - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT).
Ông Hoàng Xuân Lương - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT).

- Hiện nay, Mảng, Cống, Cờ lao, La Hủ là 4 dân tộc ít người, có tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Do vậy, UBDT đã đề xuất và trực tiếp xây dựng Đề án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng 4 dân tộc này hướng tới mục tiêu đầu tư, hỗ trợ trực tiếp tới đối tượng thôn, bản và hộ gia đình.

Đây là một chương trình mang tính đồng bộ, tầm nhìn chiến lược dài hạn (10 năm) với nguồn lực đủ mạnh, giúp 4 dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao nâng cao đời sống. “Điểm nhấn” khá quan trọng trong đề án là ưu tiên nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào, thông qua các hoạt động xóa mù chữ, dạy tiếng phổ thông, hỗ trợ trực tiếp cho học sinh các cấp, hỗ trợ giáo viên cắm bản, các giải pháp, cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục...

Người dân ở bản Nậm Kè 1, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Điện Biên) vẫn phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Người dân ở bản Nậm Kè 1, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Điện Biên) vẫn phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Mục tiêu thì đã rõ, nhưng trên thực tế đề án vẫn còn nhiều vướng mắc, trong đó có việc phân cấp quản lý nguồn vốn, làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

- Có 2 nguồn vốn chính để thực hiện đề án là vốn đầu tư phát triển (xây dựng cơ sở hạ tầng) và vốn hỗ trợ các hoạt động sự nghiệp phát triển cơ sở. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển được Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, phân bổ trực tiếp cho địa phương. Còn nguồn vốn sự nghiệp do Bộ Tài chính phân bổ hàng năm cho các tỉnh thực hiện đề án.

UBND các tỉnh nằm trong đề án chịu trách nhiệm chỉ đạo lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần theo quy định; sắp xếp thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực để thực hiện các dự án. UBDT là cơ quan chủ trì theo dõi việc triển khai thực hiện đề án này, đó là sự phân định rõ ràng trong Đề án Phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, việc phân cấp quản lý nguồn vốn có nhiều vướng mắc, đã ảnh hưởng đến tiến độ cũng như hiệu quả của đề án. Như ở tỉnh Lai Châu, Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan phối hợp với UBDT xây dựng đề án. Tuy nhiên, khi đề án được phê duyệt, vốn được cấp về Sở Kế hoạch và huyện làm chủ, mà không thống nhất kế hoạch với Ban Dân tộc.

Ban Dân tộc chỉ làm chức năng giám sát và quản lý, việc này sẽ dẫn đến hiệu quả của dự án đạt thấp hơn so với việc giao cho Ban Dân tộc khảo sát, lập đề án, vì Ban Dân tộc Lai Châu đã có kinh nghiệm trong các dự án đầu tư hàng chục tỷ đồng cho dân tộc rất ít người như Si La ở xã Can Hồ, huyện Mường Tè và một số dân tộc khác trên địa bàn tỉnh.

Đến thời điểm này, các địa phương vẫn chưa lập dự án thành phần để nhận hỗ trợ từ vốn sự nghiệp của đề án. Tại sao lại có sự chậm trễ như vậy, và vai trò của UBDT ở đây là gì?

Mục tiêu của đề án là xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao phát triển sản xuất, giảm nghèo, thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, rừng đầu nguồn và chủ quyền biên giới quốc gia.

- Trong đề án cũng đã nêu rõ, để triển khai đề án, các tỉnh bắt buộc phải lập ra dự án thành phần để trình các bộ, ngành thẩm định. Lập dự án thành phần nhằm hướng tới các mục tiêu:

Thứ nhất để giảm bớt sự chồng chéo giữa các dự án, chính sách.

Thứ hai, đối với những thay đổi về địa giới hành chính như tách huyện mới, thành lập các xã mới, lập dự án thành phần sẽ giúp điều chỉnh những thay đổi này. Nguyên nhân có thể là do các tỉnh, địa phương đã không đọc kỹ và hiểu rõ về quy định này.

UBDT đã yêu cầu các tỉnh lập dự án thành phần để các bộ, ngành liên quan thẩm định. Nhưng đến nay vẫn chưa có tỉnh nào thực hiện. Về quan điểm chỉ đạo, UBDT vẫn tiếp tục yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc theo quy định.

Theo ông, với những vướng mắc như hiện nay, đề án liệu có đạt được mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 60% cho 4 dân tộc trên vào năm 2015 đã tới gần?

- Thực tế, với tiến độ cấp vốn và thực hiện như thế này thì đề án khó có khả năng đạt được các mục tiêu. Mặc dù là chương trình đặc biệt ưu tiên, song các công trình hạ tầng thiết yếu như: Điện, đường giao thông, bố trí đất ở, đất sản xuất... vẫn chậm trễ, dở dang do khó khăn về nguồn vốn đầu tư.

Chỉ còn một năm nữa, để giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 60% theo chuẩn hộ nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30.1.2011 cũng khó thực hiện. Vì người dân bây giờ còn chưa thoát khỏi đói nghèo, một năm thiếu đói 3 - 4 tháng thì làm sao ổn định cuộc sống được.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Lê San (thực hiện) (Lê San (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem