Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sáng nay (ngày 26/11), khi biết chương trình “Tây Nguyên yêu thương” trao tặng hàng trăm suất quà cho học sinh tại xã Đắk Nang (Krông Nô, Đắk Nông) chị Kia cùng con gái Hoàng Thị Thúy (5 tuổi) đến sân Trường Mầm non Hồng Hà rất sớm. Sau khi đưa con vào chỗ ngồi, chị lặng lẽ tìm cho mình một chiếc ghế đá cùng với các phụ huynh khác chờ đợi tới giờ chương trình diễn ra.
Chị Kia cho hay, khi biết tin được nhận quà Thúy vui lắm. Cả tuần nay cô bé nhắc mẹ nhớ đưa con đi học sớm. Tối qua, Thúy háo hức không ngủ được vì sắp được nhận quà từ nhà tài trợ.
“Hôm qua, dù chưa nhận được quà nhưng con đã tính chia cho em rồi. Con bảo có sữa, bánh và áo quần sẽ chia sẻ với em. Còn tiền sẽ để mẹ mua gạo, mua thịt” – Chị Kia vui vẻ nói về dự định của con gái.
Chị Kia quê Bắc Kạn, nhưng vì cuộc sống mưu sinh chị và gia đình chuyển đến xã Đắk Nang lập nghiệp. Cả gia đình chỉ trông chờ vào vườn cà phê, nhưng lâu nay giá cả bấp bênh nên thu nhập không nhiều. Vất vả hơn khi Tết Nguyên đán 2023 đang cận kề, những đứa trẻ mong có bộ quần áo mới và cả bữa cơm có thịt cùng gia đình.
Chọn cho mình một góc dưới gốc cây bàng, bà Tuần Thị Lô (67 tuổi) ở thôn Phú Cường (xã Đắk Nang) âm thầm dõi theo các cháu nhỏ nơi đang diễn ra Chương trình “Tây Nguyên yêu thương”.
Khi nhìn thấy các thành viên trong đoàn thiện nguyện lần lượt bê những thùng quà vào phía sau sân khấu bà ngước lên nhìn, trên khóe miệng nở nụ cười. Bà quay sang nói với người bạn của mình bên cạnh bằng tiếng của đồng bào Dao mình: “Ôi, nhiều quà quá!”
Đắk Nang là một xã nghèo nằm phía Nam huyện Krông Nô. Đây là nơi 14 dân tộc anh em sinh sống. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông. Dù đã được chính quyền hỗ trợ, quan tâm và tạo điều kiện để phát triển kinh tế, thế nhưng những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả nông sản bấp bênh. Dẫn đến nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của người dân càng túng thiếu, khó khăn chồng chất khó khăn.
“Hiện nay, xã vẫn còn thôn Phú Thịnh và thôn Phú Tiến chưa có điện và nước sạch. Thôn xa nhất của xã, học sinh phải học nhờ xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong” - Ông Đỗ Khắc Tri - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nang cho hay.
Nhằm chia sẻ, động viên thầy trò nhà trường, Báo NTNN/Dân Việt phối hợp cùng Ngân hàng An Bình chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Regz Games, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Cấp thoát nước (WASECO) và Nha khoa Sài Gòn H.N tổ chức chương trình “Tây Nguyên yêu thương”.
Chương trình dành tặng 10 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trường THCS Đắk Nang; 200 suất quà (gồm: 300.000 đồng tiền mặt, balo, vở, dụng cụ học tập, bánh kẹo, sữa...), ngoài ra mỗi bé còn được tặng 300.000 đồng tiền mặt cho học sinh. Trường Mầm non Hồng Hà, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Trường THCS Đắk Nang còn được tặng 3 tủ sách cho 3 trường và hơn 500 bộ quần áo cho học sinh mầm non. Tổng trị giá chương trình 274 triệu đồng.
Nhà ở xa trường hơn 5Km, nên những ngày bố mẹ bận, em H'Sơ Ưn Kbrông (lớp 9A, Trường THCS Đắk Nang) phải lên trước để ở nhờ nhà ông bà. Gia đình em vẫn phải chạy ăn từng bữa nên chiếc xe đạp duy nhất của cả nhà cũng phải chia nhau đi luân phiên khi cần thiết. Vì vậy, đoàn thiện nguyện đã dành tặng Ưn một chiếc xe đạp để rút ngắn con đường em đến trường.
“Em không nghĩ mình được tặng một chiếc xe đạp đẹp thế này. Em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ tấm lòng yêu thương của các cô chú đoàn thiện nguyện” - em H'Sơ Ưn Kbrông xúc động nói.
Về chương trình thiện nguyện do Báo NTNN/Dân Việt và các nhà tài trợ dành tặng cho học sinh tại xã Đắk Nang, bà Hà Thị Hạnh – Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Sự vận động, kêu gọi các nhà tài trợ hướng về hộ dân nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng khó khăn của Báo NTNN/Dân Việt đã góp phần giúp các em có động lực học tập tốt hơn trong thời gian tới. Đồng thời góp phần ổn định cuộc sống cho một số hộ gia đình trong vùng khó khăn, chắp cánh ước mơ cho em nhỏ trong tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.