Nỗi đau chồng chất nỗi đau

Thứ hai, ngày 07/10/2013 06:53 AM (GMT+7)
Dẫu biết rằng quy luật của tạo hoá là sinh, lão, bệnh, tử nhưng khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, mỗi một người dân quê hương Quảng Bình đều thổn thức trong niềm tiếc thương vô hạn...
Bình luận 0
Làng An Xá trong 2 cơn bão đau thương

Hai ngày qua, đất trời xứ Lệ lúc nắng, lúc mưa. Dòng Kiến Giang nước đục ngầu cuồn cuộn lũ. Làng An Xá, nơi chôn nhau cắt rốn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp xác xơ bởi dấu tích của cơn bão dữ chưa kịp khôi phục. Bất chấp những trận mưa bất chợt, bất chấp bùn đất nhão nhẹt, trên những con đường sau bão, từng dòng người thẫn thờ, mắt ngấn lệ thương đang đổ về nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thắp nén hương tưởng nhớ người…

img

Bà Hoàng Thị Thảo, ở thôn An Xá cùng với nhiều phụ nữ khác đang dọn sạch con đường trước ngõ nhà lưu niệm, gặp chúng bà nói như khóc: “Nghe tin bác Giáp mất tôi cứ ngỡ nghe nhầm. Biết người nào rồi cũng phải bước vào cõi vô cùng nhưng sao tin Bác ra đi ai cũng nhói lòng…”.

Ông Võ Đức Tôn (SN 1937), gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng bác, 2 ngày nay ngồi lặng người trong ngôi nhà của mình sát nách nhà lưu niệm của Đại tướng. Trong tâm khảm của ông Tôn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một đại tướng lừng lẫy năm châu mà hơn hết đó là tình cảm của một người cha, người bác mà mỗi lần thăm quê Đại tướng đã dành cho ông. “Bác vô nhà tôi, đến bàn thờ thắp hương cho chú thím (bố mẹ ông Tôn), sau đó bắt tay từng người, hỏi han từng việc. Bác ngồi kể cho cả nhà nghe chuyện đánh giặc, chuyện đi làm cách mạng… Rồi động viên gia đình cố gắng làm ăn, đừng trông chờ ỉ lại” –ông Tôn kể.

Người dân làng An Xá vẫn nhớ Đại tướng mỗi lần về thăm quê, sau khi hỏi thăm sức khoẻ bà con, lối xóm, lời đầu tiên Đại tướng dặn là chính quyền địa phương phải đoàn kết, người dân thì phải thoát ra khỏi tư tưởng bảo thủ, ruộng đồng nên áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh sản xuất để có năng suất cao.

Ông Bùi Hữu Sơn - Trưởng thôn An Xá nói, bây giờ Đại tướng đã mãi đi xa rồi, nhưng những lời dặn ân cần trong mỗi lần về thăm quê thì người dân An Xá luôn khắc sâu.

Kỷ vật còn đây, người đã đi rồi!

Trong dòng người bất tận đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở nhà lưu niệm của ông ở làng An Xá 2 ngày qua, chúng tôi gặp nhiều cựu chiến binh tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn đạp xe đạp hàng chục km để đến đây.

Xúc động khi nghe tin được đón Đại tướng về quê nhà, ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Người dân Quảng Bình rất cảm động khi Đại tướng muốn trở về với quê nhà. Ý nguyện của Đại tướng thể hiện một tình cảm rất gần gũi, tha thiết với nhân dân, với quê hương. Về phía tỉnh Quảng Bình, chúng tôi sẽ làm hết sức để xây dựng nơi an nghỉ của Đại tướng đàng hoàng, để sau này con cháu và người dân trong nước cũng như những người dân trên thế giới có thể đến thăm Đại tướng”.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hoanh (68 tuổi, ở xã Hàm Ninh) đã đạp xe về chợ Đồng Hới mua bó hoa huệ rồi đạp xe hơn 50km về An Xá để chờ viếng Đại tướng. Ông kể: “Tôi là người lính từng phục vụ Đại tướng khi ông vào thăm đường 20 - Quyết Thắng tháng 3.1973.

Lúc đó, tôi ở binh trạm 14, phụ trách công binh tại đèo Phu La Nhích, được Đại tướng bắt tay, hỏi han quê hương. Biết tôi là đồng hương, Đại tướng ôm tôi vào lòng, động viên chiến đấu giỏi vì miền Nam ruột thịt. Chừ nghe tin Đại tướng mất, lòng tôi hụt hẫng vô cùng, như mất đi điều thiêng liêng không thể tả”.

Mặc dù đã gần một thế kỷ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi làm cách mạng và có rất ít thời gian ở lại ngôi nhà nhỏ ở quê hương, nhưng người dân Lệ Thuỷ, người dân Quảng Bình vẫn gọi ngôi nhà gỗ bên dòng sông Kiến Giang là nhà của Đại tướng, nhà “ông Giáp”, nhà “bác Giáp”…

Đó ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 chái, lợp ngói theo nếp nhà truyền thống của vùng quê lúa Lệ Thủy.

Ở phía dưới mái có thêm một chái tranh làm cửa chống lên che mưa, che nắng. Phía trái ngôi nhà rường là nhà bếp, tường xây lợp tranh có sân rộng lát gạch. Gian chính giữa là bàn thờ tổ tiên.

Phía trên cùng có ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng là Võ Quang Nghiêm và Trần Thị Kiên. Phía dưới có ảnh bà Nguyễn Thị Quang Thái - phu nhân đầu tiên của Đại tướng, người chiến sĩ cách mạng đã hy sinh khi còn rất trẻ.

Phía ngoài bàn thờ là bàn tiếp khách và gian bên cạnh là phòng ngủ đặt một chiếc giường được trải chiếu cói. Trong nhà còn treo nhiều ảnh của Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và những đồng chí của mình.

Nhiều vật dụng gia đình đặc trưng của vùng chiêm trũng Lệ Thủy như cày, bừa, cuốc, xẻng, chum, lu, được sắp đặt ngăn nắp.

Người được Đại tướng giao nhiệm vụ trông nom ngôi nhà là ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông. Hơn 30 năm qua, khi được giao nhiệm vụ trông coi ngôi nhà cùng bàn thờ hương hỏa của tổ tiên, ông Hàm vẫn đều đặn thức khuya, dậy sớm nâng niu từng kỷ vật dưới ngôi nhà này. Bộ bàn ghế, chiếc giường, những bức ảnh... tất cả hầu như vẫn vẹn nguyên bởi bàn tay chăm sóc tỉ mẩn của ông.

Trong vườn nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp có rất nhiều cây xanh. Đặc biệt nhất là cây khế tỏa bóng sum suê bên hồi nhà của Đại tướng. Theo ông Hàm, cây khế hiện đã hơn 100 tuổi. Dưới góc cây khế cổ thụ này, Đại tướng thường ngồi dưới bóng mát để học bài và cùng bạn bè đồng lứa chơi trò con trẻ trong những ngày thơ ấu.

Cơn bão số 10 quét qua, dẫu nhiều cây xanh trong vườn nhà Đại tướng đã bị đổ gãy nhưng ngôi nhà gỗ và cây khế thì vẫn đứng vững. Nhưng hôm nay hình như cùng nỗi lòng người dân làng An Xá, người dân xứ Lệ, người dân Quảng Bình; ngôi nhà gỗ và cây khế già nua đang nặng trĩu nỗi buồn trước sự ra đi của người con ưu tú nhất của quê hương.

“Khi nghe ông (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) mất, tôi đã không cầm nổi nước mắt, nhìn vào những kỷ vật trong ngôi nhà này, cuốn sách, cái giường và cây khế, lòng tôi lại nhớ thương ông vô cùng. Kỷ vật còn đó nhưng người thì đã mãi mãi đi xa rồi!” - ông Hàm nghẹn ngào nói.

Phan Phương (Phan Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem