Nơi gieo mầm hạnh phúc

Thứ tư, ngày 22/06/2011 12:09 PM (GMT+7)
Dân Việt - Một ngôi nhà đặc biệt, với những số phận đặc biệt. Ở nơi ấy luôn tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương, nơi ấy thực sự đã trở thành mái nhà chung, là nơi nâng đỡ, dìu dắt cho những mảnh đời bất hạnh.
Bình luận 0

Đó chính là Trung tâm Dưỡng lão và hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích, gọi tắt là Trung tâm Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh. 

img
 

Trung tâm Phật Tích là mô hình bảo trợ xã hội ngoài công lập, thuộc Quỹ Thiện Tâm (Công ty Cổ phần Vincom) và trực thuộc sự quản lý, bảo hộ của chùa Phật Tích và xã Phật Tích. Đây là địa chỉ từ thiện nhận bảo trợ và nuôi dưỡng miễn phí các cụ già cô đơn và trẻ em mồ côi ở khắp các vùng, miền trong cả nước.

Hiện Trung tâm đang nhận nuôi dưỡng và chăm sóc 42 trẻ và 13 cụ đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Hải Phòng, Bắc Kạn, Hà Giang, Bắc Ninh… Các cụ và trẻ em đến đây được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất, được sống trong những ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, có vườn cây ăn quả, vườn rau, ao cá, vườn hoa, cây cảnh. 

Ngoài điều kiện ăn, ở tốt, các cụ còn được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, lao động như trồng hoa, cây cảnh, trồng rau màu, chơi các môn thể thao, sinh hoạt theo CLB có lợi cho sức khỏe và được khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và chữa bệnh kịp thời…

Đối với các trẻ thì nhanh chóng được phục hồi sức khỏe (bởi các em đến đây hầu hết thể trạng đều yếu và tổn thương về tinh thần), được đi học, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi như trẻ em ngoài cộng đồng.

Mỗi người đến với Trung tâm đều có số phận kém may mắn khác nhau, song mái ấm tình thương này đã thực sự là nơi chắp cánh ước mơ cho các em bước vào đời và là nơi dưỡng lão tốt nhất cho nhiều tuổi già cô đơn.

Có những trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn quá nhỏ, có em thì bố mẹ bị bệnh hiểm nghèo không có điều kiện nuôi dưỡng, có em lại là người dân tộc vùng cao quanh năm đói, phải ăn sắn ăn ngô, không thạo tiếng kinh, sống khép kín… Nhưng các em đã nhanh chóng hòa nhập, được sống, học tập trong ngôi nhà chung thân thiện của mình.

Còn với các cụ thì có những hoàn cảnh cả ông và cháu đều đến với Trung tâm như cụ Trần Quang Thám (81 tuổi) quê Hà Tĩnh vào đây mới được 2 tháng cùng 2 cháu nội và cảm thấy được nương tựa, yên tâm hơn với cuộc sống của mình. Với cụ bà Nguyễn Thị Phương Thúy vào được 6 tháng, đang bị đau mắt, được các anh chị trong Trung tâm tận tình chăm sóc cũng cảm thấy ngày một gắn bó hơn.

Ông Nguyễn Quang Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Hồi mới vào trung tâm, cuộc sống còn bỡ ngỡ, có cháu ngày nào cũng khóc, vì tủi thân, vì nhớ nhà hay vì nỗi đau giấu kín… Các cụ thì dường như sống khép mình, không muốn tâm sự cùng ai. Đến nay, bằng sự cố gắng và tình yêu thương tận tâm của các cán bộ, hộ lý, công nhân viên trong Trung tâm, ai cũng cảm thấy ngày càng gắn bó với Trung tâm hơn, mãn nguyện khi được cùng nhau chung sống dưới “ngôi nhà hạnh phúc” này”.

Cụ Thám chia sẻ, vì hoàn cảnh gia đình cụ đã tìm đến Trung tâm cùng hai cháu. “Cuộc sống trong Trung tâm thực sự thoải mái và đầy đủ. Đây là ngôi nhà chung để chúng tôi vui tuổi già, thực sự là một mái ấm nhân ái để nuôi các cháu khôn lớn và chắp cánh cho ước mơ của các cháu thành sự thật. Thế này, tôi có hi vọng các cháu tôi sẽ khôn lớn trưởng thành rồi”.

Cho các em được hòa nhập vào cộng đồng, hoàn thiện kỹ năng sống, đặc biệt là hướng nghiệp, phát triển tài năng để có ích cho xã hội đúng như tên gọi “hướng nghiệp và phát triển tài năng” là mục tiêu lớn nhất của Trung tâm, những cô, chú ở Trung tâm đã tình nguyện làm cha, làm mẹ của rất nhiều đứa con mồ côi. 

Trung tâm Phật Tích luôn mở rộng cánh cửa cho mọi mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Thế nhưng, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về vai trò của những Trung tâm, vô tình đã làm mất đi cơ hội của những người kém may mắn.

Ông Thắng với nhiều năm kinh nghiệm làm công tác xã hội tâm sự: “Trung tâm Phật Tích được xây dựng trên tinh thần tương thân tương ái, nhằm giúp đỡ những người già cô đơn và trẻ mồ côi, đặc biệt là các đối tượng chính sách trên cả nước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất không phải về vấn đề kinh phí nuôi dưỡng, cơ sở vật chất mà là vấn đề tuyển chọn.

Qua khảo sát ở nhiều địa phương cho thấy, vẫn còn không ít trường hợp những người thân trong gia đình không có đủ điều kiện chăm lo nhưng rất ngại ngần và khó thuyết phục họ để ông bà, bố mẹ, hay con cháu mình đến sống tại Trung tâm. Bởi họ sợ sự kỳ thị của bà con lối xóm… Chính những suy nghĩ còn nặng nề, mặc cảm đó đã làm mất cơ hội được sống tốt và trưởng thành cho người thân, con em của mình. Cái trăn trở nhất là làm sao để họ có thể hiểu đúng và nghĩ được sâu sắc hơn về Trung tâm”.

Xin mượn lời thơ của tác giả Phương Thúy, một trong những cụ đang nhận được chăm sóc tại Trung tâm để nói cảm ơn và tri ân sâu sắc tới Trung tâm: “Cứ ngỡ mùa xuân không kịp đến/ Những mắt tròn chưa biết ban mai/ Cứ ngỡ mùa xuân không trở lại/ Những bàn chân hụt hẫng cuối chiều/…” nhưng nay thì: “Xuân đã về lộc biếc chồi xanh/ Ngân vọng tiếng chuông chùa an lạc/ Khu trang viên đẹp như cổ tích/ Đóa thiện tâm dâng ngát hương lành/ Xuân đã về nắng ấm trời xanh/ Câu quan họ dập dìu Kinh Bắc/ Những nụ cười rưng rưng nước mắt/ Có điều gì như cuộc hồi sinh…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem