Nơi gửi niềm tin với biển cả: Còn nỗi buồn diễm lệ

Thứ sáu, ngày 03/08/2012 06:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nghĩa trang cá Ông - Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh sẽ phải di dời nhường đất cho dự án du lịch, dịch vụ có vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Người dân vẫn chưa biết mình sẽ gửi niềm tin tâm linh vào đâu...
Bình luận 0

Vị thần của Biển Đông

Theo nhiều vị cao niên trong làng chài Thuận An, Tam Hải, thì nghĩa địa cá Ông này có tuổi thọ ngang bằng với những giếng Chăm linh thiêng trong xã, nghĩa là trên dưới 500 năm. Theo cụ Nguyễn Thế (sinh năm 1925, là người nhiều tuổi nhất trong làng), thì có một Ông được Vua Gia Long ban sắc, đó là cá Ông từ Cù Lao Chàm trôi vào. Năm 1845, khi 28 chiếc thuyền Pháp vào quần đảo Hoàng Sa rồi cập bến Bàn Than (thuộc xã Tam Hải ngày nay) thì ngay sau đó 27 chiếc bị đánh chìm, một chiếc còn lại được cá Ông dắt vào bãi Bắc. Khi chết, Ông đã được Vua Gia Long phong sắc Ngọc Long nương nương. Bây giờ mộ Ông nằm ở vị trí trung tâm của nghĩa địa.

img
Một con cá voi dạt vào bờ biển Quảng Nam.

Đối với tâm linh của các ngư dân, cá Ông là một vị thần của Biển Đông được nhân dân sùng bái, chính là mảnh pháp y (áo choàng sau) của Quan Thế Âm (hay Nam Hải Bồ tát) quăng xuống biển để cứu giúp cư dân vùng biển trong cơn dông tố giữa biển khơi. Vì thế, tục thờ cúng cá Ông đã ra đời nhằm cầu yên cho các ngư thuyền ra khơi và mong được mẻ cá lớn.

Tục này thời các chúa Nguyễn đã thành lệ. Theo lệ thì dân chài ai phát hiện được cá voi mắc cạn, thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Xác cá Ông được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Dân làng còn lấy giấy đỏ đắp vào miệng cá thấm lấy nước dãi, xong đem phơi khô rồi đốt thành tro để chữa bệnh suyễn. Xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển. Người phát hiện ra cá voi mắc cạn thì được nhân dân tôn sùng và dưới triều nhà Nguyễn còn được miễn sưu dịch 3 năm.

Theo tiến sĩ Trần Tấn Vịnh - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Tục thờ cúng cá Ông không chỉ có ở Quảng Nam, mà còn rải rác khắp dải đất ven biển miền Trung này. Đây có thể được xem là di sản văn hoá biển của người dân Việt, ở đó có niềm tin tâm linh vào biển cả, có sự cố kết hoà quyện giữa thiên nhiên và con người, ở đó còn có cả sự khẳng định chủ quyền đánh bắt trên biển của ngư dân Việt."

Nhường đất cho dự án

Thời gian này, toàn bộ xã Tam Hải chuẩn bị giải tỏa trắng và di dời đến thôn 5, xã Tam Hòa, nhường lại 600ha đất liền và 829ha mặt nước để thực hiện dự án xây dựng khu du lịch tiêu chuẩn quốc tế với vốn đầu tư lên tới 2,5 tỷ USD. Ông Nguyễn Đức Tục - Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết: "Mấy năm trước, bà con cả xã vừa vui mừng nhận được quyết định của UBND tỉnh công nhận và bảo vệ nghĩa địa cá Ông là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh, giờ phải nhường đất cho dự án. Số phận nghĩa trang cá Ông chưa biết sẽ về đâu, vì nghĩa trang con người còn chưa có phương án di dời cụ thể, huống gì một nghĩa trang tâm linh như thế!".

Nghĩa trang cá Ông ở thôn Thuận An là nghĩa địa cá Ông duy nhất ở vùng biển miền Trung cho đến nay vẫn còn được lưu giữ, thờ cúng hàng năm. Hơn ai hết, ngư dân chính là những người yêu biển, gắn bó với biển nhiều nhất.

Rời nghĩa trang cá Ông ở làng chài Tam Hải, một di sản tinh thần quý hiếm hình thành từ nền văn hoá vùng biển của người Việt từ lâu đời, chia tay với người dân Tam Hải, một bà cụ cao tuổi còn nói theo: "Cả đời với biển, tui chỉ mong làm sao tôn tạo lại khu mộ Ngài linh thiêng, để tránh gió cát. Các Ngài linh lắm, khi còn sống là thần cứu nạn mỗi khi dân chài lâm nguy ngoài biển khơi, khi lụy thì về đây thành thần phù hộ cho dân làng". Với người dân nơi miền chân sóng, có lẽ chẳng còn điều gì có sức mạnh hơn thế...

Những dữ liệu khoa học cũng đã giải thích cho hiện tượng cá voi hay cứu người một cách khách quan. Khi thời tiết xấu và biển động dữ dội, cá voi lặn sâu để được yên tĩnh. Biển càng động thì cá voi càng lặn sâu. Nhưng vì cần phải hô hấp nên thỉnh thoảng nó lại phải trồi lên mặt nước. Nếu việc trồi lên lặn xuống kéo dài nhiều ngày đêm thì cá voi sẽ kiệt sức dẫn đến bị chết, nó sẽ trôi theo dòng nước và được sóng đưa vào bờ. Bên cạnh đó, bão tố thường xuyên xuất hiện trên biển cũng là một nguyên nhân khiến cho loài cá này thường tìm một nơi ẩn náu, đó chính là những con thuyền của ngư dân. Do bất ngờ vì bão tố và không thể trốn lâu dưới nước sâu, cá voi phải rình chờ khi thuyền bè đi qua thì xáp lại mạn thuyền, dựa lưng vào nhau tránh bão và cùng được sóng đưa vào bờ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem