Nỗi kinh hoàng của một cô gái Việt mắc kẹt trong vùng chiến sự ở Ukraine

Lê Văn Lương (Từ Ukraine) Thứ ba, ngày 24/06/2014 07:09 AM (GMT+7)
Mặc dù kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Poroshenko đã có hiệu lực từ ngày 22.6 và kéo dài đến ngày 27.6, nhưng vùng miền Đông Ukraine chiến sự vẫn tiếp tục, đặt số phận người dân nơi đây trong vòng hiểm nguy.
Bình luận 0

Sáng 23.6, vừa bừng tỉnh, tôi vội bật TV xem tin tức. Bản tin của Đài Truyền hình Ukraine cho biết, Văn phòng Tổng thống Ukraine ngày 23.6 thông báo, Tổng thống Petro Poroshenko đã hối thúc Thủ tướng Đức Angel Merkel và các nhà lãnh đạo khác trên thế giới tăng cường can dự nhằm giúp đối phó với cuộc nổi dậy của phe ly khai ở miền Đông Ukraine.

Cho đến hôm nay, cuộc khủng khoảng chính trị kéo dài ở Ukraine đang rơi vào cảnh “nồi gia nấu thịt”. Cuộc chiến chống ly khai đã kéo dài nhiều tháng nay tại 2 tỉnh Donhetsk và Lugansk làm hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có cả nhiều thường dân vô tội, nhiều thành phố làng mạc bị bắn phá thiệt hại nặng nề.

Riêng tỉnh Donhetsk- trung tâm hứng chịu nhiều thiệt hại nhất là thành phố Slavensk và Kramotorsk rồi đến Mariupol. Cuộc sống của người Việt tại miền Đông Ukraine bị đảo lộn, ngày qua ngày luôn đối mặt và nơm nớp lo sợ bom rơi, đạn lạc.

Cô gái Phạm Thị Hằng- nhân chứng người Việt, vừa tốt nghiệp đại học, đang làm việc tại thành phố Slavensk bị mắc kẹt trong vùng chiến sự, vừa được bố mẹ đón về thành phố Donhetsk an toàn, song vẫn chưa thoát được sự ám ảnh đáng sợ.

Khi gặp tôi, Hằng kể lại: “Thật là khủng khiếp, cháu không ngờ chiến tranh lại xảy ra khốc liệt như thế, mới đầu cháu nghĩ cũng bình thường nhưng càng ngày càng khốc liệt và nguy hiểm, bom đạn hầu như ngày nào cũng bắn phá, có hôm mảnh đạn cày ngay cạnh của sổ phòng nơi cháu ở. Cuộc sống ở vùng chiến sự khắc nghiệt vô cùng, hàng tuần nay mất nước, mất điện”.

Khi Hằng bị kẹt lại ở thành phố Slavensk, bố mẹ em sống ở Donhetsk vô cùng lo lắng, bởi họ không thể vào được thành phố để giải cứu con gái. Tất cả mọi cửa ngõ vào Slavensk đều bị đóng chặt. Cho đến khi có lệnh mở hành lang nhân đạo của Tổng thống Poroshenko thì bố của Hằng mới xuống được và đón con về.

Ông Phạm Bá Dân - bố của Hằng kể: “Tôi bị một phen hú vía, khi đi qua trạm gác của quân đội thấy họ giơ tay tôi nghĩ rằng tín hiệu cho mình đi, tôi phóng xe đi tiếp, ngay lập tức một loạt đạn nã đuổi theo xe. Tôi kịp thời dừng lại, cũng may mắn là không dính viên nào, họ ập đến và hỏi: “Anh là nhà báo à?”.

“Không, tôi đi đón con gái đang bị mắc kẹt trong thành phố” - tôi trả lời. Sau một lúc khám xét người và xe một cách kỹ lưỡng, không có trang thiết bị gì họ mới cho tôi đi. “Suýt chết” - anh Dân lắc đầu rồi thở phào nhẹ nhõm.

Ông Phạm Bá Dân - bố của Hằng kể: “Tôi bị một phen hú vía, khi đi qua trạm gác của quân đội thấy họ giơ tay tôi nghĩ rằng tín hiệu cho mình đi, tôi phóng xe đi tiếp, ngay lập tức một loạt đạn nã đuổi theo xe. Tôi kịp thời dừng lại, cũng may mắn là không dính viên nào...”.
Còn tại trung tâm thành phố Donhetsk sau cuộc giao tranh khốc liệt tại vùng sân bay Donhetsk ngày 26.5 tới nay, tình hình khá yên tĩnh, mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Chúng tôi cũng đã có những cuộc thảo luận cùng anh Nguyễn Việt- Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại thành phố Donhetsk, liên lạc cùng Đại sứ quán Việt Nam ở Kiev nhờ can thiệp với Bộ Ngoại giao, Cục Di trú, mở hành lang cho người Việt sống trong thành phố Donhetsk rời khỏi thành phố một cách an toàn nhất, nếu chiến sự xảy ra ác liệt.

 

Sau hàng chục năm sống và làm việc tại Donhetsk, hầu hết người Việt sống ở đây đều đã có cuộc sống ổn định với những cơ ngơi khá giả, vì thế không ai muốn rời bỏ quê hương thứ hai của họ. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến hiện nay kéo dài và căng thẳng thì không ai nói trước được điều gì.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem