Có bao giờ bạn thấy những ký ức buổi ấu thơ đong đầy giữa lòng tay thương mến chợt òa vỡ và kết tụ dưới một vầng sáng khác, cái vầng sáng vừa trang nhã vừa phiến loạn của thời gian, khúc xạ một vùng tâm tưởng đã định danh. Tôi đã bắt gặp điều ấy không dưới một lần và lạ lùng thay, sau những giông bão của sự òa vỡ và kết tụ, những gì còn trong manh nha búp nụ thì lại vào độ hàm tiếu và những gì vốn đã hàm tiếu thì lại mãn khai.
Tôi nhớ mãi cái ánh lửa trại bên bờ Lại Giang mùa hè Sáu Tám, thầy tôi sang sảng đọc Thiên đô chiếu mà vị vua khai sáng triều Lý đã tuyên cáo trước quốc dân từ 1010: “… Huống Cao vương cố đô Đại La Thành, trạch thiên địa khu vực chi trung, đắc long bàn hổ cứ chi thế, tiện giang sơn hướng bội chi nghi; kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải, dân cư miệt hôn điếm chi khốn, vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa; thành tứ phương bức tấu chi yếu hội, vi vạn thế đế vương chi thượng đô…”.
Từ bản Hán ngữ, thầy chuyển sang bản quốc ngữ: “…Huống chi Đại La là đô cũ của Cao vương, ở chính giữa bờ cõi đất nước, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi, vị trí thích trung với bốn phương Đông Tây Nam Bắc tiện cho chiều hướng thuận nghịch của núi sông. Ở đó địa thế vừa rộng vừa phẳng, vùng đất vừa cao vừa sáng, dân cư không lo nạn lụt lội đắm đuối, muôn vật cũng phong phú tốt tươi. Ngắm khắp nước Việt ta, duy đó là thắng địa, thật là nơi then chốt của bốn phương hội lại, và cũng là nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời…”.
Sự kiện này nằm ở thời điểm ác liệt của miền Nam, sau tết Mậu Thân chưa lâu. Ở bối cảnh ấy mà nhà trường nhạy bén tổ chức được cuộc lửa trại hướng chủ đích Về Nguồn, tập trung vào đề tài Thăng Long – Đông Đô - Hà Nội là điều hết sức ý nghĩa cho tuổi trẻ học đường.
Tác giả (Ngoài cùng, bên phải ảnh) tại Nhà hát lớn Hà Nội
Những áng văn của các hoàng đế, hiền sư, danh tướng, nho sĩ các triều Lý Trần Lê: Lý Thái Tổ, Vạn Hạnh, Không Lộ, Viên Chiếu, Mãn Giác, Lý Thường Kiệt, Trần Thái Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhân Tông, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông… được trân trọng đọc và bình, gieo vào đầu óc chúng tôi niềm say mê cảm khái.
Đêm ấy trong cơn mơ, tôi thấy mình phủ phục trước án thư của các đấng bậc cao minh ấy, nghe mùi trầm thơm và tiếng bút linh diệu của họ khua trên mặt giấy, chữ nghĩa ròng ròng tinh hoa khí phách của dân tộc, định đoạt đại sự tôn miếu xã tắc và đi đến tận cùng kiếp người trong quan hệ thiên địa nhân. Giật mình tỉnh dậy lúc gà chưa gáy sáng, tâm hồn tôi sảng khoái như được uống ngào ngạt dòng sữa thiêng, dòng sữa mà mỗi đời người Việt có diễm phúc nếm lấy, đối diện với ngàn năm để tìm mình trước sự xác tín của lịch sử. Cứ tưởng rằng quờ tay ra ngàn sao là tôi sẽ chạm được từ xa giá khải hoàn vào cửa ô đến nụ hoa e ấp nơi thượng uyển, từ sắc rêu cổ kính ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám đến mầu xanh lục lìa của Hoàn Kiếm – Tháp Rùa…
Tác giả (bên phải ảnh) với Nhà văn Đỗ Chu
Sau này nhiều năm, nhắm mắt hồi tưởng, trong tôi hiển hiện lên rõ rệt những bóng dừa xanh rụng đầy hoa dọc triền sông quê Bình Định, ánh mắt thầy cô và bạn bè tôi lấp lánh ngọn lửa tự tôn và kiêu hãnh, và qua đó văn chương thiên cổ đã đưa lịch sử bước những bước thấm thía vào lòng người, bao quanh họ bằng một thứ hương mầu nhiệm.
Tôi mang góc kỷ niệm thiêng liêng ấy cho đến hôm nay, mỗi lần ra Hà Nội ngước lên vòm cổ thụ dọc bờ hồ hay đứng ngắm sông Hồng vĩ đại, tôi mơ hồ nghe thấy trong âm điệu khẽ khàng của gió và lá cây, trong khói sương huyền hoặc của mây nước, những tiếng thì thầm vang vọng của ngàn xưa.
Tôi hình dung ra khí sắc vầng nhật nguyệt và các vì tinh tú trên nóc trời kinh kỳ độ ấy cũng luân chuyển theo cảm quan tiết độ của văn chương. Khoảnh sân nào Mãn Giác thiền sư cúi đầu giác ngộ: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận – Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết – Đêm qua sân trước một nhành mai). Bầu trời nào Không Lộ thiền sư ngửa mặt: “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” (Một tiếng kêu vang lạnh cả trời).
Đâu là nền Chiêu lăng, nơi Trần Nhân Tông tế cáo chiến thắng rưng rưng nhìn vệt bùn trên chân ngựa đá: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã – Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Xã tắc hai phen bon ngựa đá – Non sông nghìn thuở vững âu vàng). Dinh lũy nào là nơi Hưng Đạo Vương đóng quân, đãi sĩ chiêu hiền, đặc cách cho những môn khách như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu… và biên soạn Binh thư yếu lược cùng Hịch tướng sĩ văn hùng tráng? Trang viện nào là chỗ Nguyễn Trãi vâng mệnh Lê Lợi thảo Bình Ngô Đại Cáo? Khu vườn nào mang tên Quỳnh Uyển nơi Nhị thập bát tú trong Hội Tao đàn xướng họa, lưu lại Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức quốc âm thi tập?
Tôi cũng hình dung ra nụ cười, nước mắt của thần dân Đại Việt khi nhà nước phong kiến được điều hành bởi những minh quân, biết quan tâm đến thân phận họ. Ấy là lúc người nông dân bưng bát cơm trắng có miếng cá tươi ngon trong buổi chiều vắng tiếng gươm giáo, nghẹn ngào hiểu rằng đây là thành quả của sự cố kết nhân tâm, vua tôi đồng lòng đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, khuyến khích nông tang, nơi nơi được vui hưởng cảnh an lạc thái bình.
Ấy là lúc người bô lão đói rét bên đường được vua cởi cẩm bào đắp cho, hay một gia đình luôn mặc cảm vì làm nghề nhặt phân hèn hạ, đã nhận được ngự giá xông đất cũng như câu đối tài hoa của hoàng đế trong đêm trừ tịch… Tất cả hãy còn tươi nguyên trong những dòng văn chương và giai thoại bất hủ, làm cho máu thịt và tâm hồn lịch sử căng hồng, viên mãn.
Nhiều lúc giữa lòng Hà Nội, tôi mê đắm đến hoang hoải kiếm tìm một vầng mây ngũ sắc lấp lánh những sợi tơ trời mang âm hưởng cung thương dốc chủy vũ, những sợi tơ trời đem đến cho lòng người đợt triều ngũ cung tự ngàn năm văn hiến.
Tác giả (bên phải ảnh) với Nhà Văn Tô Hoài
Trong hành trình ấy, tôi có một Hà Nội hôm nay, Hà Nội của những tấm lòng, từ người viết đứng bên ngưỡng cửa đến những bậc tiên chỉ đáng kính trong ngôi đền văn chương, từ những bạn bè trang lứa đến những người cầm chịch các cơ quan báo chí, văn nghệ, văn hóa… Qua họ, tôi có một Hà Nội cụ thể bằng sự vẫy gọi, cảm thông, sẻ chia, nâng đỡ.
Đôi khi tôi tự hỏi có phải mình bắt gặp cái không khí xưa thanh nhã đầm ấm như trong căn nhà tranh có gốc liễu bên hồ của tác giả Hà Nội băm sáu phố phường. Hay là, tôi có vinh hạnh bắt gặp những ngày tháng chín vàng đầy đặn và ngọt ngào trong Thương nhớ mười hai … Một Hà Nội hào hoa và lịch lãm, bốn phương tụ lại, qua cốc rượu, chén trà ngày gặp mặt, qua cánh thư hay "cú phôn" của ngày xa cách, ngòi bút mình có thể rung ngân hơn, đằm thắm hơn trong niềm tin cậy và khích lệ.
Và bao giờ trong tôi cũng còn một sợi dây vô hình , trong trẻo và tinh tế, ngày càng bền chặt, nối từ đêm lửa trại tuổi thơ đến nhiều phen sững sờ đón nhận vẻ đẹp thực mục sở thị, phục hưng vẻ đẹp tận nghìn trùng tâm tưởng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.